Quà vặt Hà Nội

ANTD.VN - Những món quà vặt quê mùa này hóa ra ở nông thôn rất khó tìm. Ô mai có thể còn là thuốc chữa ho, táo dầm, khế dầm hoàn toàn là thứ ăn cho vui miệng. Đôi khi ăn vào lúc đói còn có hại.

Quà vặt Hà Nội ảnh 1Ăn quà vặt ở phố cổ 

Thập  kỷ 60 ở Hà Nội còn rất nhiều hàng bán ô mai, táo dầm, khế dầm. Gánh rong cũng có mà cửa hàng cũng nhiều. Những cổng trường phổ thông, cổng rạp chiếu bóng, cổng công viên không bao giờ vắng những hàng quà loại này. Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm là một đội quân đông đảo bán quà vặt. Lạc rang, ngô rang, hạt dẻ nóng hổi với tiếng rao rề rà đủng đỉnh như bước đi của người bán hàng. Vài chú khách líu lô ngọng nghịu đóng đô bên cổng đền Ngọc Sơn hạ chiếc thùng một mặt kính to tướng xuống giá gỗ mở hàng. Món bi don don của chú ấy luôn được rao là “pi ton ton”. Món “lục tàu xá”, “chí mà phù” bán quanh đấy chả đứa trẻ con nào hiểu là cái gì nếu chưa được ăn một bát. Đại khái nó là món chè vừng, chè đậu xanh vỏ quýt nấu rất kỳ công.

Món ô mai, táo dầm thường hay được bán chung trong một hàng. Cuối hè còn có thêm sấu chín gọt vỏ cắt khoanh liền vòng xoắn ốc vẫn còn nguyên cái hột bên trong. Đựng riêng từng món trong chiếc cóng thủy tinh nuôi cá vàng. Khi bán dùng kẹp sắt lấy ra đếm từng quả một cho vào chiếc búp giấy nhọn đầu. Ô mai rắc thêm gừng và táo dầm, sấu chín rắc thêm muối ớt.

Có nhiều loại ô mai làm từ hoa quả. Thông dụng nhất là ô mai mơ chia làm hai loại. Loại mặn trắng tinh thể muối bên ngoài dùng để ngậm ho. Dân phố vẫn dùng nó như loại thuốc ho rất phổ biến là bởi mua được lọ thuốc ho ở hiệu thuốc không hề dễ. Ô mai mơ ngọt có thêm đường, gừng, cam thảo. Cả hai loại đều ngát thơm mùi quả mơ lấy từ trên núi đá vùng Hòa Bình, Mộc Châu về.

Đơn giản thế thôi nhưng Hà Nội cũng chỉ có vài nhà trên phố Hàng Điếu và Hàng Đường giữ được thương hiệu nhiều năm. Ở những hàng ấy không chỉ có ô mai mơ mà còn thêm cả ô mai me, ô mai sấu, ô mai khế. Tất cả đều xào đường ngọt và rắc thêm gừng giã nát. 

Ô mai không chỉ hấp dẫn lũ trẻ tuổi đến trường. Những trai thanh gái lịch cũng tỏ ra thích thú món ăn vặt này. Chiều thứ bảy anh khoác tay chị vào rạp Công Nhân hay Tháng Tám thể nào trên tay cũng có gói ô mai hoặc táo dầm, lạc rang, ngô rang. Trước giờ màn ảnh bật sáng, trong bóng tối rạp chiếu phim rì rầm, tí tách những âm thanh như mưa mau hạt. Những mối tình ô mai táo dầm ngày ấy chẳng hiểu vì sao bền vững cho đến tận bây giờ. 

Quà vặt Hà Nội ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Tất nhiên cổng trường và cửa rạp ngày ấy không chỉ có ô mai và táo dầm. Nếu nói những nơi ấy là thiên đường quà vặt cũng chẳng có gì sai. Cổng trường tầm 10 giờ sáng đã bắt đầu có gánh ốc luộc quét dọn vỉa hè bày ra những chiếc ghế gỗ con. Ốc vặn, ốc mút trong những chiếc nồi nóng hổi bốc hơi được chèn kỹ bằng bao tải quanh thúng giữ nhiệt. Ốc luộc lá bưởi ngào ngạt thơm khắp phố. Ốc mút dùng đồng 5 xu bẻ đuôi. Ốc vặn dùng mảnh sắt tây cắt hình tam giác mà khêu. 5 xu ốc xin 4 lần nước mắm cũng được nếu như hôm nào vắng khách. Lúc đông mà xin thế là bị đuổi thẳng cổ. Người bán hàng quà Hà Nội chưa bao giờ dùng phép lịch sự cho những trường hợp như thế cho đến tận hôm nay. 

Tiếp đến sẽ là người bán dầu cháo quẩy và bánh gối kê thùng bánh ra sát mép đường. Chiếc kéo bập liên hồi mời gọi. Cứ nhìn cái động tác thuần thục bấm kéo một lỗ chữ V lên chiếc bánh gối và dốc ba lọ nước chấm tương ớt vào đấy cũng đủ thèm.

Hàng ô mai táo dầm tùy mùa sẽ có thêm những nhót, những khế, những dưa chuột bán kèm vào. Ông hàng kẹo kéo có bắp tay vạm vỡ khăn mặt vắt vai hì hục kéo khúc kẹo như con lợn nhỏ ra thành sợi dài. Hai ngón tay đẵn sợi kẹo 10 nhát như một chính xác về độ dài. Ông hàng kẹo bông chùng người cúi xuống chiếc tay quay mòn vẹt ngoáy tít mù. Tay còn lại thoăn thoắt cắt mớ bông kẹo trong bàn quay cũng chính xác chẳng kém gì ông kẹo kéo.

Ông bán bánh quấn thừng, bi don don có thêm khay bánh chín tầng mây sặc sỡ xanh đỏ đặt trên nóc hòm. Những lát cắt vát thành hình bình hành trên mặt bánh đều tăm tắp. Bánh chín tầng mây đã tuyệt chủng vài chục năm nay ở phố. Ngẩn ngơ nhớ vị ngọt thanh tao và lớp lớp bột mịn giòn tan trong miệng. 

Cửa rạp chiếu phim buổi tối sẽ là những hàng lạc rang, ngô rang, hạt bí, hạt dưa, hạt dẻ. Hàng sáng nhân viên quét dọn ra vỉa hè hàng thúng vỏ hạt. Nhiều người ở phố còn đun bếp củi ra xin về nhóm bếp rất tiện. Hạt táo được lựa riêng ra bán cho hàng thuốc bắc. Vị “táo nhân” rất quan trọng trong bài thuốc an thần, giảm đau. Các thầy lang còn bảo nó rất tốt với chứng cuồng do ma túy. Chẳng biết có tác dụng gì với mấy anh ngáo đá bây giờ hay không? Và nếu có thì liều lượng cho mỗi anh là mấy tạ?

Cửa rạp thỉnh thoảng có món ăn vặt rất đặc biệt. Dường như nó được làm từ nông thôn mang ra. Đó là món bánh đa khoai lang. Miếng bánh chỉ nhỏ bằng miệng bát ăn cơm và mùi khoai sực nức. Bánh nướng rất giòn mà vẫn phẳng lỳ. Trai gái cầm tay nhau trong rạp nhí nhách bánh đa khoai đã là sang trọng. 

Quà vặt lành lặn như thế bây giờ gần như biến mất cả rồi. Ô mai sản xuất công nghiệp và bimbim đã thay thế cho tất cả bánh trái thủ công ngày trước. Rất lâu rồi mới lại nhìn thấy anh đầu bếp cho bánh phồng tôm vào lò vi sóng. Thứ quà vặt thịnh hành ngày mới thống nhất đất nước thì nay chỉ để xay nhỏ ra rắc lên đĩa ba ba rang muối cho thấm bớt mỡ. Chẳng ai ăn nó nữa…

Ô mai mơ ngọt có thêm đường, gừng, cam thảo. Cả hai loại đều ngát thơm mùi quả mơ lấy từ trên núi đá vùng Hòa Bình, Mộc Châu về. Đơn giản thế thôi nhưng Hà Nội cũng chỉ có vài nhà trên phố Hàng Điếu và Hàng Đường giữ được thương hiệu nhiều năm. Ở những hàng ấy không chỉ có ô mai mơ mà còn thêm cả ô mai me, ô mai sấu, ô mai khế. Tất cả đều xào đường ngọt và rắc thêm gừng giã nát.