Quả bóng tròn và những biến số cảm xúc

ANTD.VN - Cơn sốt vé trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình tới đây khiến người ta nhắc và hy vọng nhiều về “tình yêu trở lại” với đội bóng nước nhà sau “hiệu ứng Thường Châu”. Thế nhưng, khán giả đến sân không phải hàn thử biểu duy nhất để đo tình yêu bóng đá hay cách thể hiện tình cảm với đội tuyển.  

Quả bóng tròn và những biến số cảm xúc ảnh 1Với người hâm mộ, dù đội tuyển Việt Nam chiến thắng hay thất bại ở bất kỳ một giải đấu nào thì trong họ vẫn luôn góc cạnh với bao cảm xúc ghét - thương - hân hoan - buồn rầu - tiếc nuối đan cài

Tôi có 28 năm tuổi đời và 20 năm xem bóng đá, con số tôi tạm coi là trung bình với bạn bè đồng trang lứa. 20 năm ấy là 20 giải đấu của các lứa cầu thủ U23 và đội tuyển quốc gia ở cấp khu vực ASEAN (SEA Games và Tiger Cup hay giờ gọi AFF Cup). 20 năm ấy, đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan 2 lần. Mỗi lần cách nhau 10 năm: Tiger Cup năm 1998 và AFF Cup 2008. Trong 2 lần ấy, chúng ta chỉ vô địch 1 lần - AFF Cup 2008. Nói đúng hơn, 20 năm qua xem đội nhà thi đấu, tôi chứng kiến đội tuyển Việt Nam lên ngôi ở một giải đấu chính thống duy nhất 1 lần, cách đây 1 thập kỷ.

Tôi đã chứng kiến nhiều thế hệ cầu thủ tiềm năng và tài năng. Tôi đã thấy niềm tin chiến thắng vào đội nhà lớn như nào nhiều lần. Có thời điểm, hoạt động của cả thành phố như ngưng lại một ngày tới giờ bóng lăn buổi tối. Nhiều nhà hàng đã căng sẵn poster “Chào mừng chức vô địch của đội tuyển Việt Nam”. Khi tuyển nhà thất bại, nhiều người phẫn nộ thề rằng không bao giờ xem Việt Nam đá nữa. Rồi năm sau, các con đường, góc phố lại ngập biển cờ. Người hâm mộ lại hồi hộp, tin yêu, và lại thất vọng. 20 năm ấy, tôi thấy, người hâm mộ không bao giờ bỏ rơi đội tuyển, dù trong phút thất bại, họ có thể hiện ra sao. 

Bản chất các môn thể thao đối kháng là có nhiều biến số. Bóng đá, môn thể thao 11 người với các tính toán chiến thuật tinh vi hơn, biến số còn lớn hơn nữa. Tức là, kết quả một trận đấu, một giải đấu của một đội tuyển hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào một tích tắc sai lầm của một cầu thủ đội nhà hoặc phút giây xuất thần của tuyển thủ đội bạn. Đồng nghĩa, khi trọng tài chưa nổi hồi còi kết thúc trận đấu, điều gì cũng có thể xảy ra. 

Quả bóng tròn và những biến số cảm xúc ảnh 2Nhà báo Phạm Mỹ

Người hâm mộ Việt hiểu và rất thấm điều này. Nhưng họ vẫn khát khao tới tận sân xem và cổ vũ đội tuyển. Đó là một khát vọng chính đáng, không có gì đáng cợt nhả. Cho dù, khi đội tuyển có kết quả bất lợi, những sự phẫn nộ, chê trách, tiếc nuối có thể sẽ lại diễn ra (ngoài đời hoặc trên mạng xã hội). Song đó là một phần của thể thao đỉnh cao. Bi kịch của một đội tuyển thể thao là khi người hâm mộ không quan tâm. Còn, lẽ ghét - thương trong thể thao nói chung hay trong đặc thù bóng đá Việt nói riêng chứa đựng vô cùng nhiều phức cảm. 

Câu hỏi đặt ra, người hâm mộ có thể ứng xử tốt hơn nữa được không? Tôi cho là có. 

Giữa năm vừa rồi, tôi có xem một trận đấu của đội tuyển Hoàng Anh Gia Lai trên Sân vận động Pleiku trong khuôn khổ Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia V-League. Tôi khá ngạc nhiên trước thái độ của cổ động viên trên sân lúc đội nhà bị dẫn bàn. Họ không bất bình, la lối; không “chỉ đạo” huấn luyện viên. Họ chỉ cổ vũ. Bạn tôi, “thâm niên” 5 năm cổ vũ Hoàng Anh Gia Lai bảo ngay trên sân: “Thực ra nhiều người nhìn lứa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cứ lận đận mà cười, còn bọn tôi chỉ cần thấy anh em đá hết mình và đừng bị đau là vui rồi. Tất nhiên, chiến thắng là quan trọng, nhưng nó không phải tất cả”. 

Lý thuyết này được hữu hình hóa khá rõ trong trận thua của U23 Việt Nam trong Giải vô địch U23 châu Á (AFC U-23 Asian Cup) đầu năm vừa rồi. Đó là một trận chung kết gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của khán giả. Và, U23 đã để thủng lưới ở phút hiệp phụ cuối cùng, một cách thua rất nghiệt ngã và đau đớn. Lúc đó, tôi xem trận đấu ở gần Hòa Bình. Tôi chạy dọc về Hà Nội theo lịch trình mà lòng buồn rười rượi. 

Nhưng suốt chặng đường dài dặc tôi đi tối hôm đó, từ miền quê tới thành phố, đoàn người khắp nơi vẫn túa ra đường. Họ mang cờ Việt Nam, cờ Hàn Quốc (quê hương Huấn luyện viên Park Hang-seo) và cả cờ mang biểu tượng ASEAN. Trên quốc lộ, các xe ô tô “nghe trận đấu” qua đài vẫn để cờ Tổ quốc bay phấp phới và bóp còi chào nhau. Nhiều băng rôn “Việt Nam vô địch” được cất đi. Người hâm mộ thay vào đó những dòng chữ “Cảm ơn U23”; “Cảm ơn Huấn luyện viên Park Hang-seo”... Khoảnh khắc ấy, tôi thấy U23 đã thực sự chiến thắng khi chinh phục được tình yêu tuyệt đối của người hâm mộ bằng lối đá, sự cống hiến của mình. 

Khi về đến nhà, mở mạng xã hội, tôi thấy nhiều lời buồn tiếc xen lẫn ca ngợi. Tôi thấy nhiều lời cảm ơn đội tuyển. Hơn thế, tôi thấy cả những dòng thương xót các cầu thủ phải thi đấu dưới tiết trời giá lạnh - một tình cảm chân thành, dung dị hiếm thấy sau những trận thua của đội tuyển.

Tất nhiên, AFC U23 vừa rồi hội tụ nhiều yếu tố để tình yêu trở nên mạnh mẽ đến vậy. Đó là những chiến thắng dồn nén, nghẹt thở phút chót; là những lần vượt qua giới hạn bản thân liên tiếp của U23. Và, đó còn là một trận thua bi tráng với một bàn thua phút chót kèm “hiệu ứng tuyết bay” khiến các cầu thủ nhỏ bé đội nhà trong màu áo đỏ trở nên lẫm liệt. 

Song, dù rất khó để các giải đấu khác của U23 hay tuyển quốc gia hội tụ đủ từng ấy yếu tố để có một AFC U23 thứ hai nhưng tình yêu, niềm cảm thông cùng sự ghi nhận ngay cả khi đội tuyển thất bại là một tiền lệ tốt để gợi mở người hâm mộ. Đó là họ có nhiều cách biểu đạt hơn những câu chửi thề khi đội nhà thất bại.  

Quả bóng vẫn tròn đưa đẩy bao biến số của giải AFF 2018 đã lăn. Còn lòng người hâm mộ thì vẫn luôn góc cạnh với bao cảm xúc ghét - thương - hân hoan - buồn rầu - tiếc nuối đan cài. Không ai biết, AFF 2018 sẽ hạ màn theo kịch bản nào trên sân bóng. Song, nếu người hâm mộ chuẩn bị sẵn tâm thế tích cực, thì dẫu có sao, giải đấu vẫn là những ngày đáng trân trọng khi chúng ta được xem những cầu thủ mình rất mực thương yêu thi đấu và bên nhau dưới một màu cờ. 

Quả bóng vẫn tròn đưa đẩy bao biến số của giải AFF 2018 đã lăn. Còn lòng người hâm mộ thì vẫn luôn góc cạnh với bao cảm xúc ghét - thương - hân hoan - buồn rầu - tiếc nuối đan cài. Không ai biết, AFF 2018 sẽ hạ màn theo kịch bản nào trên sân bóng. Song, nếu người hâm mộ chuẩn bị sẵn tâm thế tích cực, thì dẫu có sao, giải đấu vẫn là những ngày đáng trân trọng khi chúng ta được xem những cầu thủ mình rất mực thương yêu thi đấu và bên nhau dưới một màu cờ.