"Phố cơm nguội" còn lại chút này

ANTD.VN - Chỉ ở cuối Yên Phụ nhỏ mới có hai hàng cơm nguội rất riêng, rất khác biệt. Dường như mỗi người Hà Nội yêu hàng cơm nguội ấy theo một cách khác nhau, để mỗi độ đầu đông, kiểu gì cũng phải lấy cớ đi qua để tìm lại những cành gày guộc khẳng khiu...

Ai từng sống ở Hà Nội thập kỷ 80 thế kỷ trước hẳn không thể quên được một cung đường đẹp tại ngã ba Nghi Tàm, Âu Cơ cuối đường Yên Phụ nhỏ. 

Gọi là Yên Phụ nhỏ vì đường Yên Phụ lớn chạy dài từ đường Hàng Đậu, đầu cầu Long Biên qua các phố Hoè Nhai, Hàng Than, Hàng Bún, Cửa Bắc đến đầu dốc Thanh Niên. Yên Phụ nhỏ hay còn gọi là phố Yên Phụ bắt đầu từ đầu dốc Thanh Niên. Đến đoạn vào ngã ba Nghi Tàm, Âu Cơ có vài chục mét là hai hàng cây xanh mướt tạo thành khung cảnh đẹp, thơ mộng, lưu giữ kỷ niệm của bao người dân Hà Nội. 

Mỗi người Hà Nội yêu hàng cơm nguội ấy theo một cách khác nhau. Cố họa sỹ Trần Duy yêu hàng cây ấy vào mùa đông lạnh thấu xương. Trần Duy học trường Mỹ Thuật Đông Dương khoá 4, khoá cuối cùng chưa kết thúc thì cách mạng tháng 8 thành công.

Ông chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng, quan điểm sáng tác của Pháp, có lẽ vậy mà ông nhìn thấy vẻ đẹp của hàng cây trong mùa đông giá rét, khi cây cơm nguội không còn lá, trơ những cành cây khẳng khiu, đan kịt vào nhau một màu xám. Có thể Trần Duy đã bắt gặp khuôn hình này ở đâu đó tại Paris trong chuyến đi sáng tác của ông. 

Bọn trẻ chúng tôi lại yêu Yên Phụ nhỏ theo cách khác. Trẻ con Hà Nội ngày ấy vẫn chơi nhiều trò dân gian, nhưng trò thú vị và có vẻ xa xỉ hơn là chơi cá chọi. Tìm mua được một con cá chọi chiến rồi đem “om”, luyện đấu, hẹn nhau cho cá chọi hơn thua, đứng bên ngoài hò hét khản cổ, hả hê khi giành chiến thắng.

Cá chọi bán nhiều ở phiên Mơ, phiên Bưởi nhưng sành điệu và cho đúng chất chơi phải tìm sắm được một chú chọi chiến tại làng cá cảnh Nghi Tàm. Để dành đủ tiền ăn sáng, háo hức vài ba đứa trẻ hẹn nhau mượn xe đạp đi làng cá tậu chiến binh. Đám trẻ hay chọn đường Yên Phụ nhỏ mà đi, có lẽ đây là con đường thân thiện hơn, có nhiều hàng quán, có người đi chợ qua lại và hơn nữa có một đoạn đường đẹp như trong cổ tích.

Hai hàng cây cơm nguội đã lâu năm, chưa thể gọi là cổ thụ nhưng mỗi gốc một vòng tay người lớn ôm không xuể, phải hàng trăm năm mới có được gốc cơm nguội như thế. Cơm nguội ở đây không giống trong phố, hai hàng cây được trồng đều tăm tắp, lòng đường thì nhỏ nên cành hai bên đã vươn dài đón lấy nhau tạo thành một mái vòm kín lá, không gian bên dưới vòm cây tối hẳn đi, đang đi ngoài nắng bỗng thấy mát mẻ lạ thường.

Đôi chỗ còn nhìn thấy bóng nắng xuyên qua kẽ lá, nắng soi xuống mặt đường nhựa hoà với màu xanh của lá thành một màu tươi mát khẽ đưa theo nhịp gió, tựa hồ các sinh vật sống động đang đùa nghịch nhau.

Từng chùm quả cơm nguội cũng rung rinh theo lá, lũ trẻ chơi súng phốc thường trèo cây, lấy quả cho vào một đầu súng phốc làm bằng thân tre ngà. “Phọc”, âm thanh phát ra từ súng phốc nghe vui tai, từng quả cơm nguội nối tiếp nhau tạo ra âm thanh ấy. 

Con đường nhỏ xuyên suốt làng Nghi Tàm ngoằn ngoèo qua những bụi cây gai, cây dâm bụt trồng làm hàng rào. Nhà nào ở đây cũng xây vài cái bể bê tông như bể chứa nước trong phố để nuôi cá đẻ. Bể thả đầy rong đuôi chó, loài rong vừa cung cấp oxy vừa làm thức ăn cho cá.

Người làng Nghi Tàm ngày ấy nuôi nhiều cá cảnh, chủ yếu là cá vàng, cá thần tiên, cá kiếm, cá hắc mô ni.... nhưng cá chọi vẫn được nuôi nhiều nhất vì đem lại lợi nhuận cao. Cá chọi được nhân giống ở bể bê tông, cá cái đẻ trứng vào trong bọt nước do cá đực nhả ra dính vào lá cây dâu, trứng nào không bám vào lá cây dâu không nở được thành con.

Cá con khi nở nhỏ bằng đầu cái kim khâu, đi từng đàn, đôi khi vài con cá con bị bố mẹ đang đói ăn mất. Cá chọi trưởng thành được phân loại đực cái. Cá đực đến lúc này phải bắt để nuôi riêng, chẳng biết làm sao khi chúng trưởng thành là máu dồn lên đầu làm toàn thân đen bóng rồi hung hăng lao vào đồng loại. 

Muốn bán được cá, người nuôi phải tách riêng nuôi cho cá có mã bộ thật đẹp, đuôi vây dài thướt tha, mình nhỏ, gặp địch thủ là xù mang, căng vây lên sẵn sàng ăn tươi nuốt sống. Cá chọi trưởng thành được nuôi riêng trong từng lọ thủy tinh đã được cắt bỏ phần cổ chai.

Ngày ấy chai bia Tàu rất thích hợp để nuôi cá chọi vì chai có màu tối, để cạnh nhau cá không nhìn thấy đối phương mà giao đấu. Cách cắt bỏ cổ chai cũng độc nhất vô nhị chỉ có ở làng Nghi Tàm, uốn thanh sắt phi 10 thành vòng tròn quanh cổ chai ở vị trí muốn cắt, đổ nước vào chai đến đúng mức có vòng sắt, đem vòng sắt nung đỏ trong than hồng rồi đặt vào cổ chai, chỉ "tách" một cái cổ chai đứt liền ngọt như cầm dao sắc chặt thân cây chuối. 

Nhà nào bán cá cũng phải chuẩn bị vài que tre đầu bịt nhựa đường đen sì, công cụ thử cá chọi hữu hiệu nhất mà cũng tàn bạo nhất. Đưa que này vào cái lọ thủy tinh tức khắc con cá chọi sẽ bổ mạnh vào cái đầu bọc nhựa đen ấy. Người chơi phải lấy que đập mạnh vào thân cá xem con nào lỳ đòn thì mới mua. Mải chọn cá, bọn trẻ quên mất hàng cây cơm nguội ngoài cổng làng. 

Đám trẻ hả hê sau khi mua được cá chọi như ý, quay về đến hàng cây gom số tiền lẻ còn lại, hai đứa ăn chung một cốc chè đỗ đen. 

Quán chè đó đến nay đã 30 năm có lẻ, cô bán hàng từ đó đến nay vẫn chỉ nấu hai thứ chè đỗ đen và đỗ xanh. Nhiều người Hà Nội qua đây ăn chè luôn nhận thấy ở người phụ nữ này rất ít thay đổi theo thời gian.

Cô là người chứng kiến đổi thay từng ngày của con đường này và hàng cây cơm nguội. Nhiều cây cơm nguội đã đổ gãy, giờ chỉ còn trơ rễ, những hố cây lấp vội dang dở, thân cây sứt sẹo, cành lá bị cắt cụt chẳng còn tạo thành vòm lá như xưa. 

Nhiều năm ăn chè ở quán này, chưa bao giờ được nghe cô bán hàng đọc thơ, đồng cảm với khách là người yêu Hà Nội, xót xa trước hàng cây bị tàn phá, có lần cô đọc bài thơ do chính mình viết về hàng cây với giọng mộc mạc, sâu lắng. Khách bất  ngờ trước tấm lòng nhớ tiếc Hà Nội xưa, lại ghen tị với cô hàng chè vì cô giàu những kỷ niệm về hàng cây, góc phố... Yên Phụ nhỏ.

Không có nhiều kỷ niệm về hàng cây như cô bán hàng nhưng khách ăn chè là người yêu Hà Nội, yêu theo cách riêng, yêu từ thời gò lưng đạp xe đi mua cá chọi, gò lưng đạp xe chở người yêu lên hóng gió Hồ Tây. Và mỗi độ đầu đông khi chuyển gió mùa, kiểu gì cũng phải lấy cớ đi qua để tìm lại những cành cơm nguội khẳng khiu...