Những người phụ nữ "bán rau, mua bút mua nghiên cho chồng"

ANTD.VN - Phụ nữ Việt Nam xưa và nay đảm đang, chịu thương chịu khó cả đời vì chồng con. Đức tính đó là bản chất truyền thống của phụ nữ Việt. Thế nhưng, có sự khác biệt giữa  phụ nữ ở Thăng Long và phụ nữ các vùng quê.

Những người phụ nữ "bán rau, mua bút mua nghiên cho chồng" ảnh 1Phụ nữ Kẻ Chợ gánh vác công việc buôn bán ở đất Thăng Long có tiếng giỏi giang và đức hạnh

Ở các vùng quê, trụ cột gia đình là đàn ông, họ gánh vác hầu hết các công to việc lớn, họ tay dao tay thớt, giỏi nấu ăn. Cỗ ở đình hay cỗ đám hiếu, đám hỷ đều do trai đinh đảm nhiệm. Phụ nữ nông thôn dù đảm đang nhưng giữ vai trò thứ yếu trong gia đình. Trong khi đó con gái Thăng Long - Hà Nội lại khác, họ tay hòm chìa khóa, buôn bán nuôi gia đình. Nếu gia đình làm hàng thủ công thì sản xuất là công việc của đàn ông còn giao dịch bán hàng là việc của phụ nữ.

Ca dao cổ Hà Nội có câu: “Em là con gái Phụng Thiên (Thăng Long)/ Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng” cho thấy vai trò, phận sự của phụ nữ và đàn ông các gia đình ở kinh đô Thăng Long. Trong cuốn “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688”, tác giả William Dampier người Anh đánh giá cao khả năng buôn bán kiếm tiền của người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làm nghề này là phụ nữ, những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt về nghề này. Họ thực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh khôn nhất ở London”. 

Thời Vua Tự Đức, Hà Nội có câu “Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ”, bà Cống Sùng và bà Cống Vẽ là 2 người phụ nữ buôn bán giỏi giang gây dựng được sản nghiệp lớn nhất khiến dân Hà Nội kính nể. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, họ đã lấy hai ngôi nhà đẹp và sang nhất phố Hàng Gai của gia đình bà Cống Vẽ làm tòa nhà Công sứ năm 1883.

Đầu thế kỷ XX, bà Lê Thị Lễ, vợ của nhà yêu nước Lương Văn Can không chỉ nổi tiếng Hà thành vì tài buôn bán mà còn nổi tiếng đức độ, cả đời hy sinh vì lý tưởng của chồng của con. Cha mẹ cho của hồi môn là cửa hiệu chuyên bán vải Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang nhưng nhờ khéo buôn khéo bán, Quảng Bình An lúc nào cũng đông khách mua buôn, mua lẻ. Khi ông cử Lương Văn Can cùng các nhà Nho khác mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục cần tiền thì bà đã lấy tiền nhà, bán cả cửa hiệu để Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động và cũng để chồng theo “trọn con đường phụng sự Tổ quốc”.

Khi con trai Lương Ngọc Quyến bị Pháp bắt và xử án, trước tòa, bà Lễ nói: “Từ thuở còn trong bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình thương yêu nòi giống. Bởi vậy, các con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý gia đình và đạo lý đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn”. Khi chồng mãn hạn lưu đày trở về Hà Nội, bà lại dốc tài sản xây dựng trường học, để chồng tiếp tục sự nghiệp.

Bà mất, Lương Văn Can đã viết: “(Bà) là nhà buôn có đức nghiệp nên đã có đủ kinh tài, trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì biết nuôi dạy con cháu nên người. Còn về đức hạnh thì (bà) biết giữ cho gia tộc trong khuôn khổ Nho giáo, trên kính dưới nhường, giữ đạo vợ chồng thủy chung trong muôn vàn gian lao hiểm họa...”. 

Một người phụ nữ khác là bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô. Gia đình bên chồng bà có truyền thống buôn bán ở phố Hàng Ngang và đến bà Bô là đời thứ tư. Và trong 4 đời toàn phụ nữ cầm trịch. Lúc khởi nghiệp cũng ít vốn nhưng những người phụ nữ trong nhà đã dựng được nghiệp lớn. Đến đời bà, tơ lụa xuất sang Lào, Campuchia và Thái Lan, lại có giao dịch buôn bán với Pháp, Anh, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Bà Bô giao dịch còn  ông Bô thông ngôn. Bà bận bịu quanh năm ngày tháng vì bán hàng từ Yên Bái, Lào Cai đến tận Vĩnh Long, Trà Vinh nhưng khi muốn cạo răng đen thành răng trắng, bà cũng  xin phép cha mẹ chồng. 

Phố Hàng Ngang còn có một người phụ nữ khác không chỉ nổi tiếng buôn bán giỏi mà nổi tiếng vì thương người như thể thương thân, đó là bà Cả Mọc. Bà Cả Mọc tên thật là Hoàng Thị Uyên, người làng Kim Lũ, trước kia làng thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Lấy chồng được mấy năm chưa có con thì chồng bà qua đời. Bà ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng, dù lúc bấy giờ tuổi bà chỉ ở khoảng 20.

Nhà chồng không có ruộng nên bà cùng với nhiều người làng đi bán hàng thuê ở phố Hàng Đào. Thấy buôn bán lụa kiếm ăn được nên bà quyết định vay vốn thuê nhà mở một cửa hàng nhỏ bán tơ lụa ở phố Hàng Đào lấy tên là Nghĩa Lợi. Nhờ buôn bán thật thà, không nói thách, lại sẵn sàng cho khánh quen chịu nên cửa hàng của bà ngày một đông khách. Bà Cả Mọc là người phụ nữ đầu tiên ở Hà Nội lập ra nhà trông trẻ miễn phí ở phố hàng Đũa (nay là Ngô Sỹ Liên) năm 1936 khiến Đốc lý Hà Nội là người Pháp cảm phục và thốt lên “Nhân văn hơn cả người châu Âu”. Đó chỉ là vài ví dụ trong số đông những người phụ nữ đáng trân trọng trên đất Thăng Long - Hà Nội. 

Thăng Long từ thời Lý, Trần, đã có nhiều chợ nên có tên nôm là Kẻ Chợ. Trong một bài nghiên cứu, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận định: “Trước thế kỷ XVI chỉ có Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ còn các nơi khác là kẻ quê” và “buôn bán ở Kẻ Chợ hầu hết là phụ nữ”. Thời Lý, Trần, Lê và cả Nguyễn, Nho giáo coi nhẹ vai trò của người phụ nữ thế nhưng tại sao buôn bán ở Thăng Long hầu hết là phụ nữ và họ trở thành trụ cột gia đình mà không phải là đàn ông? Điều này cho đến nay chưa có giải thích thỏa đáng!