Những "khuôn mặt" của quà biếu

ANTD.VN - Văn hóa thị dân Việt không có boxingday (ngày tặng quà ở phương Tây, thứ hai của tuần Giáng sinh), nhưng không có nghĩa là người Việt không có truyền thống tặng quà. Xưa đã có và nay càng đậm nét có. 

Tặng quà luôn là một nét văn hóa đẹp, là biểu hiện tinh tế ở những tình cảm chân thành

Bản chất con người ta, kể cả từ tầm thường thảo dân cho đến phi thường quan chức, hầu như ai ai cũng thích nhận quà. Và không phải ai cũng đủ tư cách hay hoàn cảnh để đưa quà. Minh bạch thân mật mà đưa mà nhận, thì quà ấy thường được gọi là “quà tặng”.

Ví như quyển sách hay thỏi son nhân dịp sinh nhật, hoặc hộp bánh, cân đường lúc bè bạn ốm đau. Còn không sơ không thân, không phải lễ tết, mà vẫn phải đưa và vẫn phải nhận, thì quà đấy, tiếng Việt cay đắng gọi là “quà biếu”. 

Quà biếu và quà tặng đại loại khác nhau, đặc biệt là về hình thức. Quà biếu thường được trân trọng gói kín, lãng mạn huyền bí, chẳng hở đầu cũng chẳng hở đuôi. Cũng có thể vẫn chỉ là quyển sách, nhưng trong quyển sách lại là một cái phong bì. Còn trong phong bì là gì, chắc chỉ có giời biết.

Ngày xưa ở bên Tàu, có một dư thoại khét tiếng về những cái “biết” của quà. Dương Chấn lừng danh là quan chức liêm khiết, được bổ đi làm Thái thú. Có viên tri huyện ở vùng ấy, đợi tối mịt cầm quà tới biếu. Họ Dương khó chịu từ chối, tri huyện cố nài. “Xin ngài cứ cầm, đêm khuya thế này đâu có ai biết”.

Dương Chấn điềm đạm bảo: “Trời biết, Đất biết, ông biết, tôi biết sao lại bảo không ai biết?”. Rất nhiều kẻ sĩ ngay thẳng người Việt, thường lấy điển tích “bốn biết” (tứ tri) này, để tự răn dạy mình những lúc trót đỗ đạt nhỡ sa vào hoạn lộ.

Người nhận được quà nhiều nhất đương nhiên là những quý bà quý cô. Thời quân chủ phong kiến là các hoàng hậu, cung phi và các tiểu thư gia thế, chứ các bà vợ hay thiếu nữ ở nông thôn tuyệt nhiên không có diễm phúc này.

Thời nay khác hẳn, văn minh vừa dư dật, dân chủ vừa giao thoa hội nhập, nên ở các đô thị lớn ai nấy cũng đều biết đưa hoặc nhận quà. Có điều quà tặng bây giờ, thường linh tinh khó đoán và vô cùng phức tạp.

Sao Việt tặng quà Giáng sinh cho người lao động nghèo

Quà tặng ở hôm nay thường có nhiều loại, hoặc vật thể hoặc phi vật thể. Nó có thể vô giá như một bài thơ (đàn ông mà vừa nghèo vừa lãng mạn hay thích tặng thứ quà này). Hoặc có thể cực kỳ có giá như nữ trang như xe hơi, thậm chí cả căn biệt thự (cứ hỏi đám đại gia đang ngồi tù thì biết). Người được tặng không hẳn là phụ nữ trẻ xinh, mà rất có thể là một ông có râu hoặc một bà phục phịch to béo. Loại quà này hình như được gọi là “quà tặng trên mức tình cảm”.

Loại quà vô tư vô lợi “trong mức tình cảm” đáng trân trọng nhất thường thuộc về những người trẻ đang yêu. Thiên truyện ngắn “The gift of the magi” đã được chuyển thành vở nhạc kịch lừng danh của văn hào người Mỹ O.Henry (1862-1910) là một minh chứng. Có một cặp trẻ thị dân nồng nàn yêu nhau và nghèo tiền.

Giáng sinh đến, họ muốn bất ngờ tặng quà nhau. Cô gái đã bán mớ tóc dài tuyệt đẹp của mình để mua dây đeo đồng hồ tặng người mình yêu. Cũng trong ngày ấy, chàng trai đã bán cái đồng hồ gia bảo để mua bộ lược cho cô gái chải tóc. Quà tặng của họ hiển nhiên đã thành vô nghĩa nhưng tuyệt vời ý nghĩa của sự trong và trắng từ mối tình đầu.

O.Henry rưng rưng: “Trong những người nhận quà và tặng quà thì họ là những người khôn ngoan nhất. Họ là những nhà hiền triết”. Nói chung, quà tặng thường không có khuôn mặt riêng, nó chỉ mang đúng khuôn mặt của những người đưa và cầm nó. Người cao cả thì quà tặng thiêng liêng, người bần tiện thì tặng quà có đắt đến mấy cũng chỉ là thứ hạ tiện. Không phải ngẫu nhiên mà mới hôm rồi, Thủ tướng đã kiên quyết chỉ đạo: “Các địa phương sẽ không được về Hà Nội biếu xén phong bì dịp tết”.

Có lẽ vì thế mà thành ngữ người Việt có câu “của cho không bằng cách cho”. Phong cách đưa quà luôn ấn định nhân cách. Đại Việt sử ký toàn thư có chép một câu chuyện về quà tặng.

“Trần Thì Kiến tính người cương trực, trước làm môn khách nhà Hưng Đạo Vương. Vương tiến cử lên, dùng làm An phủ sứ Thiên Trường. Người hương ấy nhân ngày giỗ đem biếu mâm cỗ. Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà tặng quà, người ấy nói vì ở gần trị sở nên đem biếu, không kêu xin gì cả. Mấy ngày sau quả nhiên có việc kêu xin, Thì Kiến móc họng mửa ra nguyên mâm cỗ”.

Cách nhận quà và trả quà của ông quan liêm khiết Trần Thì Kiến (1260-1330) quá lỗi lạc và độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Quảng Ninh coi ông là danh nhân quê hương. Cho đến hôm nay, bài vị của ông vẫn được thờ ở khu văn hóa núi Bài Thơ.

Tặng quà luôn là một nét văn hóa đẹp, là biểu hiện tinh tế ở những tình cảm chân thành. Đặc biệt ở tình yêu, nó là sự thiết tha thay cho những lời tỏ tình khó nói. Thế nhưng, những người trẻ bây giờ đang yêu cũng không nên thái quá, khi đẩy con thuyền ái tình tới bến bờ hạnh phúc của hôn nhân chỉ bằng những mái chèo quà tặng.