Những chuyện ngẫu nhiên ở mùa Thu

ANTD.VN - Nói cho cùng, mùa Thu vẫn là một mùa nhân hậu đẹp tuyệt vời. Bởi đơn giản, cái “giảm bớt xuống” buông bỏ thê lương của nó làm người ta tự có một khoảng lùi để sám hối lại mình.

Những chuyện ngẫu nhiên ở mùa Thu ảnh 1Mùa thu khiến cho cảnh sắc và lòng người cũng nên thơ hơn 

Năm con Gà này có hai tháng sáu nhuận âm, và chỉ cần như thế thôi mùa Thu muộn màng chầm chậm đến. Hà Nội ngày khai trường trời vẫn chưa hẳn Thu, nhưng chỉ ngay hôm sau khi bọn trẻ tới lớp, khí Thu đã mơn man phủ đầy lớp học. Nhiều đứa mũm mĩm trước tuổi đã nghĩ tới bánh nướng bánh dẻo, bởi cũng đã lâu rồi tết Trung Thu được lũ trẻ mặc nhiên coi là ngày của chúng.

Thực ra theo truyền thống phương Đông, thuở ban sơ mùa Thu vốn là của người lớn. Người xưa bảo, “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng”. Đại loại là vạn vật nảy nở trong tiết Xuân, trưởng thành trong nắng hè, cô đơn trong Đông lạnh. Còn chữ “liễm”, từ điển khô khan giải thích “kết tụ lại – giảm bớt xuống”.

Đây là một trạng thái cảm xúc đặc biệt oái ăm, nó vừa hiu hắt chán vừa mênh mông buồn vừa gắng gượng vui. Thật là một mùa quái lạ, hiện diện cả chính cả tà cả thiện cả ác. Ở sâu xa, mùa Thu hao hao giống một tiếng thở dài rơi rụng. Thảo nào người Tây còn gọi nó là “Fall”. Ngay cả tiếng côn trùng nỉ non kêu cũng độc đáo. Thi hào người Tàu là Bạch Cư Dị đã thảng thốt dặn “Ta già nghe chẳng sao đâu. Tuổi xanh nghe khéo bạc đầu như chơi”.

Không phải ngẫu nhiên mà ở mùa này, người lớn thường thích làm thơ và thích đánh nhau. Mùa Thu thuộc hành Kim, xa xưa là mùa người ta hay hành quyết tử tội. Ở thời phong kiến khi bắt buộc phải có chiến tranh, hầu như các bậc minh quân đều chọn ngày khởi binh là ngày Thu. Bởi gió Thu, mưa Thu não nề dầm dề sát khí, cảnh sắc thê lương nhầu nhĩ tiêu điều, nó thường làm những ai đa cảm bỗng chợt nhiên nao nao buồn bã. Chẳng cần chứng khoán phải xuống, chẳng cần giá vàng phải lên, chỉ cần quanh quẩn ngồi ở những quán dọc sông Hồng ngắm mưa phùn heo may là vô số đàn ông nhạy cảm đã tự nhiên rưng rưng bi lụy tửu lượng tăng bất thường.

Vẫn ông Bạch có bài “sông Thu tiễn khách” khét tiếng: “Mông mông nhuận y vũ. Mạc mạc mạo phàm vân. Bất túy Tầm Dương tửu. Yên ba sầu sát nhân”. Google dịch là “Mưa lâm râm bay thấm ướt áo. Mây u ám đè thấp cánh buồm. Rượu Tầm Dương uống chẳng thấy say. Khói sóng sông làm lòng người buồn chết”. Chao ôi, có mùa nào kinh dị như mùa Thu. Sinh viên đang thất tình, thương gia đang thua lỗ, đạo diễn đang chờ làm phim nghệ thuật, người mẫu đang bị “xì căng đan”, những lúc trời sắp sửa vào Thu thì chớ có nghe hoặc đọc thơ ông Bạch.

Với đàn ông thì vậy nhưng mùa Thu với phụ nữ lại hơi có khác. Mưa bay mặt hồ, chơi vơi quanh những thân cành gầy guộc lác đác chút lá xanh. Lòng đường như sẫm hơn, mái phố như nâu hơn, cái tông mầu vừa trầm vừa sang ấy dễ làm người ta liên tưởng tới một mỹ nhân có lưng lửng tuổi. Có phải vậy chăng mà thi ca ở ta viết về mùa Thu ngập đầy các “khuê trung thiếu phụ”.

Bài thơ theo trường phái lãng mạn “Tiếng Thu” đã từng đưa vào sách dạy văn của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư là một ví dụ. “Em không nghe mùa Thu. Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực. Hình ảnh kẻ chinh phu. Trong lòng người cô phụ”. Hai câu kết âu yếm ví thiếu phụ thơ ngây giống như con nai. Đám thiếu nữ chơi “phây búc” bây giờ hơi nghi ngờ đố kỵ nên có sửa lại thành “Con nai vàng ngơ ngác. Đạp chết bác thợ săn”. Hỡi ơi, không biết bao nhiêu mùa lá rụng thì một thiếu nữ lương thiện mới hoang mang trở thành một thiếu phụ lão luyện đạp giỏi như thế.

Thế nhưng nói cho cùng, mùa Thu vẫn là một mùa nhân hậu đẹp tuyệt vời. Bởi đơn giản, cái “giảm bớt xuống” buông bỏ thê lương của nó làm người ta tự có một khoảng lùi để sám hối lại mình. Các mùa khác, kể cả mùa Đông hay Xuân, thường làm người ta ăn nhanh ngủ kỹ, tỉnh dậy là hừng hực đua tranh dẫm đạp nhau kiếm sống.

Vào mùa Thu, đa phần các thức ăn fastfood đều bị ế, các hoạt động cơ bắp đều bị chùng. Trong lịch sử thể thao hình như chưa thấy có đại hội Olympic mùa Thu. Ở tiết trời ấy những người tử tế cô đơn cùng lắm chỉ đi câu. Trong bài “Thu điếu”, một trong ba bài thơ Thu lừng danh của đại thi hào người Việt Nguyễn Khuyến, có vô vọng một cặp câu: “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được. Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Phải ngấm đẫm hơi Thu lắm mới có một cảm thán lắng đọng thi hứng đìu hiu vô hạn như thế. Có lẽ do vậy mà bây giờ trên thi đàn đương đại, để được gọi là thi sĩ thì bất kể là đàn ông hay đàn bà cũng đều cố làm cho được ba bài rưng rưng về Thu.

Hy vọng rằng năm nay vì chờ Thu tới muộn, các thi nhân sẽ bội thu câu được thơ.