Người đi trong phố cũ Hàng Trống

ANTD.VN - Nhắc đến con phố Hàng Trống, trước tiên tôi muốn nói ngay đến cái tên Đông Hương - ngôi đình nổi tiếng linh thiêng gắn liền với một cuộc đời của một ca kĩ bạc mệnh. Ngày nay nghe kể lại những câu chuyện về người đàn bà ấy lòng người không khỏi xót thương.

Hương Ký là một trong những hiệu ảnh lớn nhất của Hà Nội, có từ năm 1905 ở số nhà 86, phố Hàng Trống

Chuyện kể rằng…

Có một đào nương tên là Ngọc Kiều có giọng hát làm mê đắm lòng người. Nhưng tài thì thường bạc, giọng hát hiếm có của người ca kĩ ấy cũng chính là nguyên nhân cho những bất hạnh của nàng. Vì say mê giọng hát và sắc đẹp của nàng, Chúa Trịnh đã đưa nàng vào phủ và hết lòng sủng ái.

Nhưng những sủng ái ấy vô tình đã làm hại nàng, một Vương phi vì ghen ghét với sắc đẹp lẫn tài năng của Ngọc Kiều đã sai người chuốc rượu nàng thật say rồi sau đó mang chôn sống nàng ngay gần bờ Hồ. Cái chết oan khuất và đau thương của người ca kĩ được nhiều người khóc thương. Người ta đã xây một ngôi đền ngay trên nấm mồ oan khiên đó và linh hồn nàng  thành bất tử. Nàng đã quay lại trừng trị người đàn bà độc ác, bắt mụ ta phải đền tội.

Thuyết thứ hai…

Về đình Đông Hương có độ lùi lịch sử xa hơn. Cũng là một câu chuyện về một đào nương vừa có nhan sắc vừa có tiếng hát ngọt ngào. Khi giặc Minh xâm chiếm nước Việt, lúc chúng ở Kinh thành Thăng Long, nhiều quan quân vô cùng mê đắm tiếng hát của nàng, chúng tìm tới kĩ viện. Người con gái ấy thường vừa đàn hát, vừa chuốc cho bọn giặc uống rượu thật say. Khi chúng lăn ra ngủ li bì như chết, nàng gọi người đã chờ sẵn cho giặc vào bao tải mang ra sông Cái dìm chết.

Cái chết oan khuất và đau thương của người ca kĩ được nhiều người khóc thương. Người ta đã xây một ngôi đền ngay trên nấm mồ oan khiên đó và linh hồn nàng  thành bất tử. Nàng đã quay lại trừng trị người đàn bà độc ác, bắt mụ ta phải đền tội.

Ngày qua ngày, nhiều tên giặc bị chết không rõ tung tích, chúng đã lần tìm ra nàng ca kĩ và sát hại nàng. Ngày chiến thắng, khi Lê Lợi được nghe câu chuyện, nhà vua đã ra lệnh xây một đền thờ để tưởng nhớ người con gái lẫm liệt vì nước. Và bây giờ trong ngôi đình linh thiêng đó vẫn còn dòng chữ “Khiển thiên chi muội” tức là “Em gái của Trời” - là một minh chứng cho công lao và sự tôn vinh của người đời với bậc tuyệt thế giai nhân.

Điều đặc biệt… 

Với đình Đông Hương và một số ngôi đền, đình ở Hà Nội đó là đình rất nhỏ hẹp và nằm trên gác hai của một ngôi nhà trên phố, vì tầng dưới là trụ sở một cơ quan chính quyền hoặc nhà dân. Có thể kể đến những trường hợp này là đình Đông Hương, đình Nam Hương cùng phố Hàng Trống hoặc đình Phúc Hậu ở phố Hàng Bông… Phố xá nhỏ hẹp, các vị thần chủ đền được di chuyển lên gác cao và nhường chỗ cho những sinh hoạt, công năng đời thường ở phía dưới. Và có thể chỉ ở Hà Nội, vì đất chật người đông quá nên mới có những ngôi đền kiểu này, hay chăng?

Người đi trong phố cũ Hàng Trống ảnh 3

Phố Hàng Trống xưa và nay

Nơi ngụ cư của nhân sĩ, trí thức

Phố Hàng Trống vốn là con phố trung tâm ở khu vực nội thành, bởi vì thế có rất nhiều nhân sĩ, trí thức ở đây. Nhà số 17 từng là nơi ở của cụ tú Phạm Kim, thân sinh của nhà trí thức, văn hóa nổi tiếng Phạm Quỳnh, người đã có công rất lớn trong việc truyền bá tiếng tiếng Việt và khuếch trương “Truyện Kiều”.

Phạm Quỳnh từng là chủ bút của “Nam Phong tạp chí” - một trong những tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn thời Pháp và là Tổng Thư ký của Hội “Khai Trí Tiến Đức” mà trụ sở của nó chính tòa nhà 2 tầng màu trắng ở số 79 Hàng Trống bây giờ. Những trước tác của Phạm Quỳnh và một số tác phẩm từng in trên “Nam Phong tạp chí” đã được khôi phục và trả lại những giá trị xứng đáng của mình. Hổ phụ sinh hổ tử, Phạm Quỳnh chính là cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên, người sáng tác rất nhiều ca khúc được nhiều thế hệ người Việt thuộc.

Một gia đình trí sĩ nổi tiếng khác cũng ở phố Hàng Trống là gia đình họ Phan, người gốc làng Đông Ngạc, Từ Liêm. Ba anh em nhà họ Phan là Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên, Phan Văn Trường là những nhân sĩ, trí thức đứng lên đấu tranh cho giải phóng dân tộc từ rất sớm. Phan Trọng Kiên, Phan Tuấn Phong tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục sau bị thực dân Pháp bắt và đày đi Guyane.

Đặc biệt, luật sư Phan Văn Trường (1876-1933) là người đã sang Pháp học, là Tiến sĩ Luật học đầu tiên của Việt Nam. Ông trở thành công dân Pháp nhưng tấm lòng lúc nào cũng hướng về quê hương và có những liên hệ rất mật thiết với những người yêu nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc... Chính Phan Văn Trường là người tham gia soạn thảo và ký vào “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” gửi các cường quốc họp ở Paris năm 1919. Phan Văn Trường cũng là chủ bút của một số tờ báo yêu nước xuất bản bằng tiếng Pháp ở Việt Nam và ông đã bị ngồi tù nhiều lần vì những hoạt động yêu nước.

Nhà văn Uông Triều

400 năm tranh dân gian Hàng Trống

Hàng Trống ngày trước vốn nổi danh với dòng tranh dân gian mà vị thế của nó chẳng hề kém cạnh làng tranh Đông Hồ vùng Kinh Bắc. Nhiều người cho rằng tranh dân gian Hàng Trống có lịch sử trên dưới 400 trăm năm và thời hoàng kim nhất của dòng tranh là vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đáng tiếc sau này tranh Hàng Trống suy tàn dần và gần như thất truyền. Nổi danh nhất của tranh Hàng Trống là dòng tranh thờ uy nghiêm trầm lắng. Những mẫu tranh được ưa thích thường về các nhân vật lịch sử, văn hóa như mẫu Liễu Hạnh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phù Đổng Thiên Vương, Đinh Tiên Hoàng, Trần Quốc Tuấn…

Ngoài danh tiếng một thời về dòng tranh dân gian thì thời cận đại, Hàng Trống cũng là một trong những địa điểm đáng nhớ của nền nhiếp ảnh, điện ảnh Việt Nam. Trên phố từng có cửa hiệu ảnh Hương Ký ở số nhà 86, là một trong những hiệu ảnh lớn nhất của Hà Nội, có từ năm 1905 và người chủ của hiệu ảnh, ông Nguyễn Lan Hương là một trong những nhà quay phim, làm phim đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Và gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và em trai Võ An Đạm cũng từng ở con phố này.

Quá khứ xa xăm

Phố Hàng Trống cũng từng là nơi ở của tướng Morliere ở trong tòa nhà số 71, giờ là trụ sở Báo Nhân dân. Moliere là người chỉ huy quân Pháp ở Bắc Đông Dương và viên tướng này suýt mất mạng khi bị tự vệ Hà Nội tấn công vào ngày 19-12-1946.  Tòa nhà số 71 từng là dinh Phó Toàn quyền và trong khuôn viên của nó có một cây đa cổ thụ rất đẹp và từng có người ca ngợi đây là cây đa đẹp nhất xứ Đông Dương và hiện giờ vẫn xanh tốt.

Phố Hàng Trống trải qua bao thăng trầm giờ vẫn là một con phố trung tâm sầm uất giữ được nét riêng của phố xá Hà Nội. Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp vài ngôi nhà cũ, những hiệu tranh và nhiều quán ăn đặc trưng của Hà Nội. Người đi trong phố cũ, khi ôn lại những chuyện xưa lòng không khỏi bồi hồi nhớ về những tháng ngày quá khứ xa xăm.