Người đẹp và hoa hậu

ANTD.VN - Đã là mỹ nhân thì tất cả đều có dung mạo xuất sắc quyến rũ, đều làm đám đàn ông có tài có tiền lồng lộn âm thầm muốn sở hữu. Vậy mà không hiểu sao, tử vi của người đẹp thường hẩm hiu, nói chung là đa đoan bất trắc.

Nhiều cuộc thi sắc đẹp nở rộ tràn lan khắp mọi nơi 

Theo những lời tự bạch chân thành của rất nhiều người đẹp, kể cả lúc các nàng đang bốc đồng trên một diễn đàn lá cải hay trong những giấc mộng đẫm ướt lãng mạn thầm kín, thì tự cổ chí kim, tuyệt chưa bao giờ có một ai trong số bọn họ lại đủ liều lĩnh tự tin để mơ rằng, ngày mai mình sẽ thành hoa hậu.

Họ có thể dám mơ mình sẽ là nghĩa nữ của đương kim Tổng thống, là người tình của một đại thương gia. Thậm chí, họ có thể ao ước thành Quý phi thành Hoàng hậu, đại loại là một thứ xa xỉ vợ Vua, thế nhưng với họ vương miện hoa hậu vẫn luôn là một khát khao mông lung xa tít. 

Đã là mỹ nhân thì tất cả đều có dung mạo xuất sắc quyến rũ, đều làm đám đàn ông có tài có tiền lồng lộn âm thầm muốn sở hữu. Vậy mà không hiểu sao, tử vi của người đẹp thường hẩm hiu, nói chung là đa đoan bất trắc. Ở tầm vĩ mô, họ dễ dàng bị thành quà tặng cống nộp cho một chiến bại lịch sử như người đẹp Tây Thi ở Tàu hay An Tư công chúa ở ta.

Ở tầm vi mô, họ chủ động biến thành món tiền chuộc cứu vớt gia đình, ví như Thúy Kiều, trưởng nữ nhà Vương viên ngoại trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” hay nàng con gái út vô danh trong phim hoạt hình Walt Disney dựa vào cổ tích khét tiếng “Beauty and the Beast”. Còn hoa hậu thì ngược hẳn lại, mệnh số hầu hết dường như đều tròn trịa phúc hậu. 

Thực ra, theo nghĩa từ điển thì hoa hậu không hề là một khái niệm quá to tát, lại càng không phải là thiên hạ đệ nhất đại mỹ nhân. Cũng như chữ “hoa khôi”, đại loại đó là danh hiệu dành tặng cho một người con gái đẹp nhất trong một kỳ thi chọn người đẹp. Danh hiệu này thường bị giới hạn bởi thời gian (hoa hậu của năm chẳng hạn), bởi không gian (hoa hậu Đền Hùng một thời chẳng hạn).

Đã thế nhiều lúc nó còn luẩn quẩn tủn mủn trong một ngành nghề (hoa hậu thể thao, hoa hậu ngân hàng). Nói dại, nếu cái ngành nghề ấy chỉ toàn thiếu nữ méo mồm thì đương nhiên hoa hậu của ngành sẽ là mồm méo. May thay, cho đến bây giờ, tất cả các loại hoa hậu đều trông nhang nhác giống như là người đẹp.

Nó khác hồi xa xưa, chẳng thấy một thiếu nữ nào bỗng dưng đi tham gia cái việc thi hoa hậu. Cũng có thể hồi ấy văn minh man rợ chưa có hở hang áo tắm bikini, chưa có sâu sắc ngây thơ thi trắc nghiệm ứng xử. Và đặc biệt vô cùng khó kiếm một ai đấy vừa tử tế lại vừa có chữ mà chịu ngồi làm giám khảo. Những người hội đủ cả hai phẩm tính trên đa phần là đám nho sĩ (Tăng hoặc Đạo thì xuất thế rồi, bọn họ nhìn thấy gái đẹp thì kinh hoàng như nhìn túi đựng cơm, như nhìn giá treo áo, tuyệt chẳng rung động gì).

Mà nho sĩ, hầu hết là nghèo khó thanh bạch thường lấy phải vợ xấu nên ngấm ngầm coi sắc đẹp là tai họa. Có phải thế chăng mà lịch sử mấy nghìn năm nước Tàu, vất vả nghẹn ngào mãi mới tàm tạm bình bầu được bốn người cho đội chung một vương miện hoa hậu, chính sử hay gọi là “tứ đại mỹ nhân”.

Người xếp số một có tên Tây Thi, con nhà kiếm củi ở chân núi Trữ La (có thuyết còn cho rằng là lâm tặc), bị Việt vương Câu Tiễn đem cống nộp cho Vua Ngô Phù Sai vì thua trận. Tây Thi bình nhật đẹp nhưng đẹp nhất là lúc đang quằn quại đau bụng. Ngô vương yêu vẻ nhăn nhó ấy lắm, nên trong thực đơn dành riêng cho nàng, thường bắt đầu bếp phải dọn toàn những món hải sản tươi sống mất vệ sinh. Nếu còn đến bây giờ, Tây Thi cô nương chắc sẽ được các hãng dược phẩm chọn đi đóng clip để lên truyền hình quảng cáo cho thuốc chữa đại tràng.

Người xếp số hai là Bao Tự, vợ của U vương thời Đông Chu. Nàng này suốt ngày đần mặt ngồi ủ rũ, tất nhiên vẫn rất xinh, nhưng tuyệt vời mê hồn là lúc nàng nhe răng tủm tỉm cười. Bao Tự thích nghe tiếng vải xé. Chồng của nàng vốn là một bạo vương đầy lòng yêu thương chiều vợ, kệ đám dân đen đang nheo nhóc chết đói, vua U thành lập hẳn một tổng công ty bông vải sợi với hàng vạn nhân viên chăm chỉ ngồi tám tiếng xé vải cho ái thê nghe.

Và để thấy vợ yêu được thật sự thư giãn, U vương hóm hỉnh đem cả chuyện an ninh quốc gia đi diễn tấu hài. Ông ta giả vờ là có chiến tranh, đốt lửa cầu viện các nước chư hầu đem quân lại cứu. Mọi người hốt hoảng hồng hộc chạy tới thì tẽn tò khi chỉ thấy Bao Tự đang sằng sặc bật cười. Dân gian khốn khổ có câu “cười một cái thì nghiêng cả nước” (nhất tiếu khuynh nhân quốc) là ở điển này. 

Nhân vật xếp thứ ba là Dương Ngọc Hoàn, Quý phi của ông Vua nghệ sĩ Đường Minh Hoàng, cũng thích vải nhưng là loại để ăn. Cứ mỗi lần Dương quý phi nhạt mồm thèm “đét xe” thì có hàng chục nghìn dân công gánh vải lao lực mà chết, bởi đơn giản quả lệ chi chỉ có ở vùng Nam Việt, cách kinh đô Tràng An hàng chục vạn kilômét.

Cuối cùng, xếp thứ bốn (vị trí này theo nhiều nguồn sử liệu thì có nhiều ứng viên khác nhau), đại loại thì có người chọn Điêu Thuyền thời Tam Quốc, có người chọn Đát Kỷ thời Vua Kiệt. Nói chung, cả hai nàng đều xứng đáng vì đều nói dối như ranh (nickname của bọn họ là Thần điêu hiệp nữ), thói xấu nhan nhản như game show trên truyền hình, làm hại cho nhà chồng lẫn xã hội nhiều không kể xiết.

Khác với mỹ nhân, hoa hậu chẳng bao giờ gây ra tai họa. Nước ta người đẹp rất hiếm nhưng hoa hậu lại đông, để có được sự may mắn này nhiều học giả lạc quan cho là nhờ ở sự phát triển dân trí. Không phải ngẫu nhiên mà các lò luyện thi hoa hậu nở rộ tràn lan khắp nước. Hình như đây cũng là một thành tựu đáng trân trọng.