Ngôi chùa bên sông Hồng và số phận bi oán của nàng công chúa Ngọc Hân

ANTD.VN - Nằm sát bờ sông Hồng, ngay cạnh cầu Chương Dương bên phía Long Biên là chùa Bồ Đề và đền Ghềnh. Hẳn là vị trí của những nơi linh thiêng này có liên quan tới sự chuyển dòng của sông Hồng, khi mà bên hữu ngạn trở thành bên bồi và bên tả ngạn thành bên lở cùng với một lịch sử chứa chất những thăng trầm khôn xiết.

Tượng thờ Vua Quang Trung và Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân tại xã Ninh Hiệp (Hà Nội)  

Bồ Đề là một ngôi chùa lớn. Ở các quận nội thành Hà Nội, khi phố phường ngày càng đông đúc thì những nơi linh thiêng như chùa miếu cũng phải thu hẹp dần nhưng Bồ Đề vẫn có một không gian rộng rãi. Sân chùa như một quảng trường nhỏ, có lẽ là lợi thế nằm ngay cạnh sông Hồng nên sự chen lấn cũng có phần ái ngại - đó là ấn tượng đầu tiên khi đến chùa Bồ Đề và thấp thoáng những tháp mộ dưới bóng những tán cây mát rượi.

Dinh Bồ Đề: Đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn

Sở dĩ chùa có tên là Bồ Đề vì tương truyền vùng đất này xưa có hai cây bồ đề to lớn. Độ cao của hai cây này sánh ngang với tháp Báo Thiên dựng phía kinh thành Thăng Long bên kia sông Hồng. Mà từ sự so sánh này ta có thể rút ra một điều thú vị, tháp Báo Thiên có lẽ là công trình kiến trúc cao nhất suốt thời Lý, Trần, Lê - là vật đối chứng để so sánh với các công trình khác, vì Bồ Đề là giống cây lớn, thân to nhiều người ôm mới xuể. Cái tên Bồ Đề còn gắn với một câu ca dao lưu truyền trong dân gian mà truy nguồn gốc thì nó gắn liền với lịch sử một thời:

“Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn” 

Câu ca dao xuất phát từ việc đóng quân của Lê Lợi xưa. Chính ở bến Bồ Đề này Lê Lợi đã cho dựng doanh trại ở đây trước khi cho quân vượt sông đánh vào thành Đông Quan (Thăng Long). Chính ở nơi này, chỉ cách kinh thành một con sông mà nghĩa quân Lam Sơn có thể dò tìm được tin tức đối phương khi tận dụng hai đỉnh ngọn cây Bồ Đề làm nơi quan sát, theo dõi động thái của giặc.

Mộ tháp chùa Bồ Đề

Dinh Bồ Đề trở thành đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn khi vây bức thành Đông Quan và chính ở dinh Bồ Đề, Nguyễn Trãi đã vâng mệnh Lê Lợi thảo thư chiêu hàng gửi sang cho tướng giặc là Vương Thông và cuối cùng không chịu được áp lực vây thành, đánh du kích và những lời lẽ mạnh như cả một đạo quân của Nguyễn Trãi, giặc Minh đã xin hàng, trả lại thành Đông Quan, xin rút quân về nước. Đây là một trong những chiến thắng lớn và quan trọng bậc nhất của nghĩa quân Lam Sơn trong việc quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi sau 20 năm đô hộ.

Ngay bến sông Hồng, rất gần với chùa Bồ Đề là đền Ghềnh thờ Công chúa Ngọc Hân (1770-1799)

Những góc khuất lịch sử

Vinh quang là thế nhưng ở khu vực này cũng từng chứng kiến không ít những đắng cay của lịch sử. Bến Bồ Đề chính là nơi chúa Trịnh Tùng đã cho xử trảm vị vua thứ 5 của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp (1560-1592) sau 3 ngày treo sống, chặt đầu và đóng đinh vào mắt, trong thời kỳ loạn lạc phân tranh.

Nhưng sự đắng cay của lịch sử còn ghi thêm một bước nữa ở ngay bến sông này, rất gần với chùa Bồ Đề là đền Ghềnh thờ Công chúa Ngọc Hân. Tại sao Công chúa lừng lẫy nhất của nhà Lê, vợ của Hoàng đế Quang Trung lại được thờ ở một ngôi đền khiêm tốn ngay bờ sông này. Lịch sử có những góc khuất và những nỗi đau mà mỗi lần lật giở lại thấy nhói lên không yên.

Ai cũng biết rằng khi Nguyễn Huệ ra Bắc, Công chúa Ngọc Hân (1770-1799) sớm trở thành người vợ yêu của người anh hùng áo vải. Nhưng Nguyễn Huệ mất quá sớm, sự nghiệp dở dang và dẫn đến những bi kịch đau lòng. Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân mất ở trong Huế và được an táng trong Phú Xuân nhưng mẹ của Ngọc Hân là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền đã không yên lòng khi người con gái của mình vùi xương nơi đất người.

Bà đã bí mật nhờ người đưa xương cốt của Ngọc Hân trở về quê cũ là làng Nành, Phù Ninh, nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội chôn cất. Tưởng ra đất Bắc gửi nắm xương tàn ở quê mẹ thì được yên thân nhưng sự đời lại không yên thấm như thế. Số là sau nhiều năm, ngôi miếu chôn cất Ngọc Hân dưới một cái tên khác đã bị đổ nát thì một ông tú trong làng vì thương xót mẹ con nàng đã cho dựng lại khang trang.

Chùa Bồ Đề (Thiên Sơn tự) được xây từ thế kỷ XV trên bờ sông Hồng thuộc đất thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm (Trong ảnh: Toàn cảnh chùa Bồ Đề ngày nay) 

Nhưng một kẻ xấu bụng trong làng biết việc ấy đã làm đơn tố cáo với triều đình Huế rằng vẫn có nơi dung thờ thân nhân của “ngụy Huệ”. Việc trở thành một vụ án lớn. Ông tú người làng Nành bị trọng tội và Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Văn Giai bị giáng chức. Nhưng đau xót nhất là mộ Công chúa Ngọc Hân bị quật lên ném xuống sông Hồng và khu vực đền Ghềnh bây giờ chính là nơi xương cốt nàng công chúa bạc mệnh được ném xuống.

Dân làng Ái Mộ thương tiếc Ngọc Hân cho lập một đền thờ nàng và để tránh những con mắt nhòm ngó, Ngọc Hân được gọi là “mẫu Thoải” và tượng của nàng được đặt sâu trong khám kín. 

Nhà văn Uông Triều

Những dòng thơ đầy thương xót

Sông Hồng thay đổi dòng chảy, phía bên tả ngạn trở thành bên lở, một lần lũ lớn, ngôi đền bị cuốn đi nhưng có một người đàn bà tên là Đặng Thị Bản đã quyên góp hảo tâm xây dựng một ngôi đền mới. Gọi là đền Ghềnh vì trước đây khu vực này có một cái ghềnh nước xoáy, có lẽ sau này do sự thay đổi dòng chảy mà ghềnh không còn nữa.

Chùa Bồ Đề giờ đã khang trang thoáng mát với tòa ngang dãy dọc. Còn đền Ghềnh, nổi tiếng là linh thiêng luôn có rất nhiều người đến lễ bái và đặc biệt trong Lễ hội đền Ghềnh có một phần mô phỏng lại cuộc đời truân chuyên của Ngọc Hân khi xưa.

Tôi đến đền Ghềnh một buổi chiều muộn. Ngõ nhỏ. Ngôi đền ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, nhìn ra sông Hồng cuồn cuộn chảy mà nhớ rằng Công chúa Ngọc Hân đã từng viết những dòng thơ đầy thương xót để đưa tiễn chồng là Hoàng đế Quang Trung về nơi chín suối. Đọc những đoạn trong bài “Ai tư vãn” của nàng trong bóng chiều chạng vạng trong ngôi đền cổ mà lòng thêm cảm thương cho người phụ nữ tài hoa, bạc mệnh.

“Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ!

Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?

Xưa sao gang tấc gần chầu,

Trước sân phong nguyệt, trên lầu sinh ca,

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,

Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh!

Nửa cung gẫy phím cầm lành,

Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!

Nghĩ nông nỗi, ngẩn ngơ đòi lúc,

Tiếng tử qui thêm giục lòng thương!

Não người thay cảnh tiên hương!

Dạ thường quanh quất mắt thường ngóng trông…”.