Nào cùng ăn Tết Trung thu

ANTD.VN - Đã có một thời gian dài người Việt gọi nhiều ngày lễ trong năm là tết. Tết rằm tháng Giêng, Tết mồng ba tháng ba, Tết mồng năm tháng năm, Tết cơm mới, Tết ông Công ông Táo… Đó cũng chính bởi cuộc sống nhọc nhằn quanh năm lúa nước sinh tâm lý thèm ăn tết. Nói đến tết nhiều khi đồng nghĩa với những ngày được ăn uống ngon lành no đủ.

Nào cùng ăn Tết Trung thu ảnh 1Đồ chơi hiện đại của trẻ em ngày nay 

Thực sự chỉ có hai dịp trong năm được gọi là tết theo đúng nghĩa của nó thôi. Tết Nguyên đán, tất nhiên rồi. Tết Trung thu dành cho con trẻ. Hai dịp tết này chẳng hiểu vì sao được chọn vào những khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong năm. Tết Nguyên đán vào mùa xuân trăm hoa đua nở, cỏ cây tươi tốt. Khí hậu lạnh vừa phải rất thích hợp với những sinh hoạt ngoài trời. Và dĩ nhiên càng hợp hơn với tình hình ăn uống nhiều dinh dưỡng hơn ngày thường. Gọi là tết chính xác phải được nghỉ ngơi chơi bời và ăn uống chứ không chỉ có ăn mà thôi.

Khi những cơn mưa Ngâu tháng bảy tạm thời lắng xuống, chút heo may về tỏa lan trong phố hanh hao lạnh làm khô ráo mặt đường. Đất trời chợt trở nên bừng sáng trong vắt trên tầng lá phố mướt xanh. Mặt người hoan hỉ rũ bỏ âu lo thường nhật. Lũ trẻ rộn ràng bước vào năm học mới chưa gặp nhiều áp lực bài vở vẫn còn nguyên nét tinh nghịch của mùa hè vừa đi qua. Hà Nội cảm nhận từng bước thu về rõ nét trên từng đám lá vàng rộm rụng khắp các nẻo đường. Trên những gánh hàng rong, chợ cóc tấp nập bán mua. Gánh cốm xanh đậy những tàu lá sen bạc óng ánh. Mớ rơm nếp vàng tuốt kĩ giắt lưng chừng cạp thúng. Người bán cốm ngồi im lìm nhã nhặn đợi khách chẳng cất tiếng rao bao giờ đã hàng trăm năm.

Gánh hồng chín ửng lấp ló những quả vàng với cái núm xinh xinh. Gánh na mở mắt còn nguyên cuống xếp đầy đặn mà ngăn nắp. Người bán bưởi bày lên nắp sọt chiếc mẹt tre mới những quả to và ngon mắt nhất. Người bán chuối lựa những nải đều đặn chớm vàng bày ra mẹt hàng. Những chùm nhãn mọng căng xếp lần lượt lên tấm ni lông vẫn còn nguyên cành lá. Những ổi, những xoài, măng cụt, thanh long, sầu riêng miền Nam mang ra cũng góp mặt vào chợ hoa quả nhiều năm rồi. Tất cả để chuẩn bị cho mâm cỗ tết đêm rằm.

Nào cùng ăn Tết Trung thu ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Tết Trung thu đặc biệt dành cho trẻ con là một nét sinh hoạt văn hóa lâu đời đầy ắp tình yêu thương với lũ trẻ. Dù trong hoàn cảnh nào thì người lớn cũng cố gắng thu xếp cho đủ đầy. Những năm chiến tranh bao cấp Nhà nước cũng lo chu toàn cho dịp tết này. Bánh nướng, bánh dẻo được mua theo bìa mua hàng. Gia đình lo nốt phần còn lại là hoa quả và đồ chơi bày cỗ. Sau mâm cơm cúng gia tiên vào buổi trưa hôm rằm là người lớn bắt tay vào việc. Đàn bà bổ bưởi tách vỏ cắm tăm làm con chó xù như bông là nhân vật chính của mâm cỗ trông trăng.

Xong con chó bưởi cũng là gần xong công việc. Chỉ còn phải bày tiếp hồng, cốm, chuối và bánh trái trang trọng lên bàn. Đàn ông dẫn trẻ con lên chợ Hàng Mã mua cho chúng những đèn nến, đầu sư tử, mặt nạ và con giống nặn bột. Con gái thích thêm vài lẵng hoa nhỏ có con thiên nga trắng nõn bằng bông ở giữa. Con trai mê chiếc trống bỏi quay tít phát ra tiếng kêu đanh gọn liên hồi. Cả tối hôm rằm trẻ con tụ tập ngoài phố chạy nhảy nô đùa rước đèn ông sao cho đến lúc trăng đứng bóng mới về nhà phá cỗ. 

Những năm gần đây, chợ Trung thu càng ngày càng có thêm nhiều đồ chơi cho lũ trẻ tha hồ lựa chọn. Ngoài đồ chơi thủ công dân dã còn có nhiều đồ chơi công nghệ cao với những máy bay, ô tô điều khiển từ xa rất hiện đại. Những chiếc mặt nạ giấy bồi bày xen kẽ với mặt nạ nhựa nhập ngoại. Những con giống bột nặn bày chung với búp bê vải may công nghiệp ngộ nghĩnh tươi cười. 

Thật ngạc nhiên khi vài năm trở lại đây những đồ chơi nhập ngoại sản xuất công nghiệp không còn thu hút lũ trẻ như những năm đầu nữa. Những năm ấy tưởng như nghề sản xuất đồ chơi Trung thu Hà Nội đã gần như biến mất dưới sức cạnh tranh của đồ chơi ngoại. Nhưng may mắn đồ chơi công nghiệp nhanh chóng trở nên nhàm chán. Bọn trẻ tự chúng đã nhận ra chiếc mặt nạ năm nay không có gì khác năm ngoái.

Những “siêu nhân”, “người nhện”, “người dơi” cũng thế. Những chiếc đèn cù bằng nhựa sơ sài nhỏ bé giống nhau như hệt cũng làm chúng không còn thiết tha gì nữa. Đó chính là cơ hội cho những nghệ nhân dân gian tiếp tục trổ tài. Lại thấy lác đác trên chợ Hàng Mã những con thiềm thừ, con cá chép, con bướm làm rất cầu kỳ tỉ mỉ bằng nan tre dán giấy bóng kính, giấy trang kim.

Những đồ chơi này treo bằng sợi chỉ trước mâm cỗ Trung thu sống động vô cùng. Nó như cả một bầy thú vật xinh đẹp nô đùa trước gió thu. Những con giống bột nặn lại nhiều lên như ngày nào ở chợ. Cả một thế giới gia súc gia cầm và thú vật ngộ nghĩnh được thu nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay bày lên chiếc đĩa giấy nhuộm phẩm hồng ấm áp. Những đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ cũng được làm kỹ lưỡng hơn và có thể thắp nến rất an toàn.

Thế nhưng vài năm nay cũng là lúc còn rất ít gia đình Hà Nội bày mâm cỗ Trung thu cho trẻ. Bởi vì mục đích của mâm cỗ trông trăng ấy là chỉ dành cho lũ trẻ mà thôi. Trẻ con Hà Nội bây giờ nhiều nhất mỗi nhà chỉ hai đứa chẳng bõ công bày vẽ. Buồn hơn nữa ở chỗ đám trẻ bây giờ cũng không có bạn ở phố, ở chung cư. Chúng gần như không quen thân với đứa nào ở gần nhà mình nên cũng chẳng thể tụ tập lại mà bày chung một mâm cỗ.

Lũ trẻ thành phố khá đủ đầy cho nên bánh trái ngày Tết Trung thu không phải là điều chúng quan tâm lắm. Những món đồ chơi càng đẹp đẽ hay ho bao nhiêu lại càng cần bạn bè cùng thưởng thức. Hình như ta vẫn còn nợ chúng một sân chơi vằng vặc ánh trăng rằm…

Những ông bố dẫn trẻ con lên chợ Hàng Mã mua cho chúng những đèn nến, đầu sư tử, mặt nạ và con giống nặn bột. Con gái thích thêm vài lẵng hoa nhỏ có con thiên nga trắng nõn bằng bông ở giữa. Con trai mê chiếc trống bỏi quay tít phát ra tiếng kêu đanh gọn liên hồi. Cả tối hôm rằm trẻ con tụ tập ngoài phố chạy nhảy nô đùa rước đèn ông sao cho đến lúc trăng đứng bóng mới về nhà phá cỗ.