Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long

ANTD.VN - Lý Thái Tổ (974-1028) tên thật là Lý Công Uẩn, vốn xuất thân là một quan võ. Ông là người nổi tiếng về lòng trung nghĩa và từng là tướng dưới quyền Lê Hoàn, được Lê Hoàn yêu quý và gả con gái cho. 

Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long ảnh 1Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) là công trình kiến trúc Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội

Biến cố cung đình đẫm máu

Chính vì võ nghệ tinh thông và lòng trung thành của mình, ông đã thăng tiến rất nhanh. Năm 1005 Lê Hoàn mất, triều đình rối loạn, các Hoàng tử tranh giành ngôi báu. Hoàng tử Lê Long Việt trở thành Vua Lê Trung Tông nhưng chỉ được 3 ngày, Lê Trung Tông bị em ruột của mình là Lê Long Đĩnh sát hại. Biến cố cung đình đẫm máu. Khi xảy ra biến loạn, các quan văn võ đều chạy tránh nạn, chỉ riêng Lý Công Uẩn vẫn ôm xác Lê Trung Tông khóc mà không mảy may lo sợ trả thù.

Chính vì lòng dũng cảm và trung nghĩa hiếm có nên Lê Long Đĩnh khi trở thành Vua Lê Ngọa Triều đã rất cảm mộ, không những không phạt tội Lý Công Uẩn mà còn tiếp tục trọng dụng ông. Lý Công Uẩn trở thành “Tứ sương quân phó chỉ huy sứ” rồi sau đó được thăng “Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ” - một chức võ quan cao cấp chỉ dành cho hoàng tộc hoặc quốc thích.

Năm 1009, Vua Lê Ngọa Triều mất. Triều đình tôn Lý Công Uẩn lên làm Vua với sự phò tá đắc lực của Đào Cam Mộc và Thiền sư Vạn Hạnh. Thiền sư Vạn Hạnh vốn là thầy dạy cũ của Lý Công Uẩn và là một vị thiền sư nổi tiếng lúc bấy giờ. Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy hiệu là Thuận Thiên (thuận theo lòng trời) và chỉ 1 năm sau (1010) ông đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Phố Lý Thái Tổ vốn là một khúc đê cũ của sông Hồng. Nếu ai muốn biết sự dịch chuyển của sông Hồng ra phía Đông thế nào thì có thể nhìn dấu vết từ những con đê cổ này. Phố Lý Thái Tổ là đê nên bây giờ ta vẫn có thể thấy đường phố cao hơn so với những khu vực xung quanh. Thời Pháp, phố Lý Thái Tổ được gọi là đại lộ Courbet - một trong những tuyến đường quan trọng nằm trong khu vực hành chính trung tâm, rất gần với bờ Hồ và Nhà hát Lớn.

Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long ảnh 2Vườn hoa Con Cóc (tên chính thức là Vườn hoa Diên Hồng) có đài phun nước cổ nhất Hà Nội (xây dựng năm 1901) với 4 con cóc bằng đồng phun nước cùng 8 con rồng chầu 

Công trình kiến trúc Art Deco hoàn hảo

Tòa nhà đáng chú ý nhất trên phố có lẽ là chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tòa nhà này có một vị trí quan trọng trong kiến trúc Hà Nội vì nó được coi là công trình tiêu biểu nhất của kiến trúc Art Deco ở Hà Nội. Art Deco là một trường phái nghệ thuật mang tính triết chung có nguồn gốc từ Pháp những năm 1920 và sau đó lan ra toàn thế giới. 

Các tòa nhà mang phong cách kiến trúc Art Deco có kiểu dáng hiện đại, đa số là mái bằng, sử dụng vừa phải các trang trí trên mặt tiền. Nằm ở vị trí đẹp và với quy mô to lớn, được trang trí những phiến đá hồng nhạt ốp phía bên ngoài, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương cũ được coi là kiến trúc Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội.

Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long ảnh 3Tòa nhà số 38 phố Lý Thái Tổ (nằm trong khuôn viên Cung thiếu nhi Hà Nội) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với người Pháp

Lịch sử ly kỳ ở đài phun nước cổ nhất Hà Nội

Ngay gần đối diện với Ngân hàng Nhà nước là Vườn hoa Con Cóc. Tại sao gọi là Vườn hoa Con Cóc? Vì ở vườn hoa này có một đài phun nước được xây dựng năm 1901 với 4 con cóc bằng đồng phun nước cùng 8 con rồng chầu đá xuống. Đài phun nước này nếu nhìn thoáng qua có vẻ khá bình thường nhưng tìm hiểu nguồn gốc thì nó có một lịch sử rất ly kỳ.

Vườn hoa này ban đầu thuộc khu vực có tên là Quảng trường Chavassieux Chavassieux. Chavassieux Chavassieux (1848-1895) là ai? Đó là một viên quan cai trị người Pháp ở Đông Dương. Ông này từng giữ chức Chủ tỉnh Tây Ninh, Khâm sứ Trung kỳ, Thống sứ Bắc kỳ và quyền Toàn quyền Đông Dương và mất ở Hà Nội. Đặt tên một địa danh theo tên một vị quan cai trị là điều rất thông thường thời Pháp thuộc nhưng điều đặc biệt ở đây là tiểu sành đựng di hài Chavassieux được đặt trên đỉnh đài phun nước của vườn hoa mang tên ông. Tôi đã đứng quan sát đài phun nước cổ này rất lâu và quan sát khối quách đá đựng di hài của một viên quan cai trị người Pháp.  

Tại sao di hài ông ta không đưa về nước? Vì sao di hài được đặt ở trên đài phun nước? Có phải vì ông ta chết ở Hà Nội và có sở nguyện được gửi xác ở nơi này? Đó có lẽ là một câu hỏi lý thú tiếp tục được tìm hiểu. Chỉ  biết rằng Vườn hoa Con Cóc (tên chính thức là Vườn hoa Diên Hồng) sở hữu đài phun nước cổ nhất Hà Nội.

Đây là đài phun nước có kiến trúc tinh tế, hài hòa dù đã có những dấu vết thời gian nhất định, những đai thép quấn quanh giữ cho các khối đá đứng vững đã hoen gỉ và một cái cây khá lớn đã mọc rất gần cái quách đá của viên quan người Pháp kia. Một cái quách đá được đặt trên một đài phun nước, có lẽ đó là một điều rất đặc biệt và khác thường trong một kiến trúc cổ ở Hà Nội.

Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long ảnh 4Phố Lý Thái Tổ ngày nay 

Tòa nhà ghi dấu ấn của lịch sử Việt Nam

Trên phố Lý Thái Tổ còn có một tòa nhà ghi dấu ấn đáng nhớ của lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là tòa nhà số 38, vốn là câu lạc bộ dành cho người Pháp hiện nằm trong khuôn viên Cung thiếu nhi Hà Nội. Chính tại tòa nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với người Pháp. Trong 30 năm đấu tranh vệ quốc, ngành Ngoại giao Việt Nam có 3 Hiệp định quan trọng mang tính cột mốc. Đó là Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946; Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1972.

Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 tuy chưa phải là hiệp định chấm dứt chiến tranh như 2 Hiệp định sau đó nhưng nó có một ý nghĩa rất lớn. Đó là Hiệp định dùng để củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ, hạn chế các thế lực thù trong, giặc ngoài, chuẩn bị lực lượng cho những bước tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long ảnh 5Nhà văn Uông Triều

Theo thời gian, những dấu vết trên con phố xưa có chỗ còn nguyên vẹn, có nơi phai nhạt dần và có chỗ đang thành phế tích. Tôi đi dọc con phố và suy tư về những gì đã từng diễn ra ở nơi này, ngắm những cây long não cổ thụ đã có tuổi hơn trăm năm. Đời cây. Đời người. Lịch sử. Biến đổi. Thăng trầm. Giờ đi tìm những góc xưa, phố cũ để hoài niệm thương nhớ một thời dĩ vãng.