Làng văn hiến Đông Ngạc có nhiều người được đặt tên phố

ANTD.VN - Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một vùng đất cổ có tên nôm là Kẻ Vẽ đã được ghi lại trong sách “Đại Việt Thông Sử” của Lê Quý Đôn. 

Làng văn hiến Đông Ngạc có nhiều người được đặt tên phố ảnh 1Đông Ngạc là một vùng đất cổ đến nay vẫn giữ được nhiều di tích văn hóa và tôn giáo

Về tên Đông Ngạc, có ý kiến cho rằng cuối đời nhà Trần, làng có nghề làm gạch nên gọi là phường “Đống Gạch”, lâu ngày biến thể thành âm Hán Việt là Đông Ngạc. Lại có ý kiến Đông Ngạc là do ghép tên  xóm Đông và xóm Ngác, do phát âm nên Ngác biến thành Ngạc.

Xưa Đông Ngạc có 6 xóm: Đông, Ngác, Vẽ, Trung, Ngấn, Chùa trải rộng trên diện tích 12 hecta. Đường xóm lát gạch nghiêng chạy theo chiều Bắc - Nam, hai đầu đều có cổng vào, tổng cộng có 12 cổng. Làng Vẽ xưa ít ruộng nhưng bù lại có nhiều nghề thủ công như làm quạt lá vả, khăn xếp bằng lượt, chậu trồng cây cảnh bằng đất nung, gạch ngói, đồ sơn mài, nhuộm vải bằng củ nâu, vàng mã…

Đến đầu thế kỷ XX có thêm nghề làm mũ cứng bằng dút lợp vải, nghề làm mũ nan (sau này gọi là mũ Panama), mũ “đầm chếch” cho phụ nữ Pháp. Về ẩm thực, Đông Ngạc từ xưa có món ăn nổi tiếng là nem, nên mới có câu: “Giò Chèm, nem Vẽ” và một số quà bánh là bánh khoai phồng, bánh sấy. Ca dao thành ngữ Hà Nội có câu: “Thứ nhất bánh cuốn Thanh Trì, thứ nhì khoai phồng làng Vẽ”.

Làm bánh khoai phồng phải là những người có nhiều kinh nghiệm, phải trông thời tiết, phải làm vào ngày nắng và hanh thì bánh mới phồng to. Người làng Vẽ làm bánh khoai không bằng bột khoai mà làm bằng bột nếp cái hoa vàng. Nem Vẽ là nem chạo bằng bì lợn sống, chần nước sôi cho chín tới để lấy độ giòn. Dùng dao sắc thái tay thành sợi. Lọc lấy mỡ gáy cắt vuông nhỏ như hạt lựu, rồi trộn tất cả với thính, thính được làm bằng gạo tẻ rang vàng rồi tán bột. Nem Vẽ ăn với rau thơm, có vị béo, thơm lại dễ tiêu trở thành thứ thù tạc của nhiều người. 

Cuối thế kỷ XIX, Kẻ Vẽ đã trở thành một trung tâm buôn bán giao dịch sầm uất của phía Tây Bắc Hà Nội với chợ Vẽ được ghi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” và phố Vẽ có nhiều cửa hiệu bán tơ lụa vải vóc, tạp hóa, tương cà mắm muối. Tuy nhiên, chợ Vẽ và bến Ngác đã nổi tiếng kinh thành Thăng Long từ lâu. Hàng hóa từ các nơi đổ về bến Ngác rồi vào chợ Vẽ sau đó từ đây tỏa đi phía Tây.  

Có một điều rất lạ là qua nhiều thế kỷ, đất nước trải qua bao cuộc bể dâu nhưng đến cuối thế kỷ XX làng Vẽ mà còn giữ được nhiều di tích văn hóa và tôn giáo. Đình làng Vẽ có những cây cổ thụ với tuổi đời từ 500 đến 700 năm. Chùa Vẽ cũng có 2 cây đa, 2 cây muỗm cổ thụ. Cũng đến cuối thế kỷ XX, trong khu vực làng cổ vẫn còn khoảng hơn 100 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi với lối kiến trúc truyền thống rất đẹp. Điều đặc biệt là Đông Ngạc hiện có nhiều nhà thờ đại tôn của các dòng họ: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Lê… và từ đường. 

Xa xưa làng Vẽ có 7 hồ lớn nhỏ thông với sông Hồng do đê rất thấp. Mùa mưa lũ, nước sông chảy vào các hồ đã tạo ra “tụ thủy” làm ấm  đất và sinh vượng khí cho làng nên làng Vẽ  là “Địa linh nhân kiệt”. Từ đời Trần đến đời Nguyễn trong khoảng 500 năm, làng Vẽ có 23 Bảng nhãn, Tiến sĩ, Phó bảng, 2 Tiến sĩ võ, có thể kể thêm 2 Tiến sĩ sĩ vọng và 4 Tiến sĩ tiến triều, tổng cộng là 31 vị đậu đại khoa cùng với trên 400 cử nhân và tú tài. Các nhà sử học cho rằng Đông Ngạc không chỉ là làng văn hiến của Thăng Long - Hà Nội mà còn là làng văn hiến của Việt Nam. “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” nghĩa là làng Giàn (nay thuộc phường Xuân Đỉnh) nhiều đất, còn làng Vẽ nhiều quan. 

Rất nhiều quan kẻ Vẽ có công với dân với nước nên kể từ khi sinh ra đặt tên phố tên đường thì nhiều danh nhân người làng Vẽ được đặt tên. Phan Phù Tiên 2 lần đỗ Tiến sĩ, lần đầu vào cuối triều Trần và lần thứ 2 vào đầu triều Lê. Ông từng được giao phụ trách Quốc Tử Giám. Ông là tác giả của bộ sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký tục biên”. Một người họ Phan khác là Phan Văn Trường cũng được đặt tên ở Hà Nội, TP.HCM.

Ông là luật sư ở Pháp đầu thế kỷ XX, là nhà yêu nước, chống Pháp, ông giúp đỡ Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh… khi họ ở Paris. Thập niên 20 thế kỷ XX, ông về Sài Gòn làm báo và viết báo đả kích Pháp nên bị xử tù. Không chỉ họ Phan, họ Hoàng ở làng Vẽ cũng có tới 4 người đặt tên phố ở Hà Nội, Tuyên Quang, TP.HCM, Đà Nẵng… gồm: Hoàng Tướng Hiệp, Phó bảng Hoàng Tăng Bí cùng con trai Hoàng Minh Giám và bác sĩ Hoàng Tích Trí...