Ký ức hồ nước và những "cuộc chia ly" của người Hà Nội

ANTD.VN - Nếu nói về một “cuộc chia ly” lớn nhất vào nửa cuối thế kỷ trước của người Hà Nội không thể không nhắc đến những  hồ nước nhỏ, không tên tuổi dần biến mất trong thành phố. Người Hà Nội sinh ra vào thế kỷ này có thể nhẩm đếm trong đầu toàn bộ những hồ nước của thành phố. Thậm chí cả những hồ nước ở ngoại thành. Nửa thế kỷ trước, việc đó là không thể. 

Công dụng của hồ trong nội đô ngoài việc “phục tùng” tự nhiên làm nơi chứa nước mưa còn giúp điều hòa khí hậu của thành phố

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn mảnh đất Thăng Long làm nơi định đô từ hơn 1.000 năm trước. Hình sông, thế núi và hồ nước là những đặc điểm địa lý vô cùng thuận lợi cho kinh đô của một đất nước có nền nông nghiệp trồng lúa nước là chủ đạo. Hồ nước và sông ngòi chằng chịt nơi kinh thành vừa là đường giao thông, vừa là nơi cấp thoát nước và cũng là nơi đánh bắt cá tôm tự nhiên cung cấp cho đô thị. Dĩ nhiên là vào thời ấy, công nghệ cải tạo và xây đắp sông ngòi, hồ nước còn vô cùng lạc hậu.

Tất cả chỉ trông vào sức người mà thời ấy người ta đã đào được con kênh vô cùng vĩ đại. Đó là con sông Thiên Đức dài 68km nối sông Hồng với sông Thái Bình mà ta hay gọi là sông Đuống. Nó đã trở thành một con sông tưới tiêu cho đồng bằng Bắc bộ cực kì quan trọng. Nó cũng là đường thủy giao thông nội địa thuận tiện cho cư dân mạn biển với cư dân vùng núi phía bắc. Quãng giữa thế kỉ trước vẫn còn những chiếc thuyền đinh giong buồm ngược nước lên miền núi bán buôn. Hà Nội chính là một bến thuyền tấp nập ngay ven sông Hồng.

“Những hồ nước không tên tuổi và có diện tích nhỏ dần biến mất trong vòng nửa thế kỷ qua là một cuộc chia ly vĩnh viễn của người Hà Nội… Giờ chính là lúc buộc phải nghĩ đến việc đào đắp xây dựng thêm những hồ nước cho thành phố”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Sông Hồng là một con sông còn khá trẻ. Chính vì thế nó luôn có những lần chỉnh lưu tự nhiên khiến cho liên tục hai bên bờ sông lúc nào cũng bên bồi bên lở. Nhiều chi lưu của nó bằng sức người từ nghìn năm trước đã được xây đắp trở thành những hồ nước trong thành phố. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm và vài hồ nước nữa được hình thành theo cách ấy.

Hồ Trúc Bạch được đắp đất làm đường Cổ Ngư xưa chia cắt hồ Tây ra mà thành. Hồ Hoàn Kiếm thời Lê còn là nơi huấn luyện thủy quân của triều đình gồm hai phần Tả Vọng và Hữu Vọng kéo dài từ quãng Hàng Đào xuống đến tận Hàng Chuối. Dĩ nhiên lúc ấy hồ Gươm còn thông với sông Hồng. Giờ thì ta chỉ còn thấy một phần diện tích khá nhỏ (12ha) của hồ Gươm xưa.

Lũ trẻ Hà Nội thập kỷ 60 trở về trước coi hồ Gươm như một tài sản giàu có bất tận với đủ trò đánh bắt tôm cá, tập bơi lội ì oàm suốt cả mấy tháng hè. Đất đai ven hồ là một sân chơi vô cùng bổ ích và lý thú. Đủ các trò chơi diễn ra ở đấy. Từ chơi trốn tìm, bắt ve buổi tối cho đến đánh khăng, đánh xèng, câu kiến chọi suốt cả mùa hè.

Lũ trẻ ấy trưởng thành vào thập kỷ 70 còn chọn Bờ Hồ làm nơi hò hẹn. Đã có biết bao nhiêu cặp nên duyên từ những ghế đá ven hồ. Tất nhiên cũng có những cuộc chia tay đẫm đầy kỷ niệm bên cái hồ ấy. Nhà thuyền Pe-rit-xoa nằm ở góc Thủy Tạ là nơi khá nhiều thanh niên yêu thích. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi hò hẹn hết sức mộng mơ.

Xa hơn một chút, chúng có thể kéo nhau xuống hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu và hồ Ha Le. Hồ Bảy Mẫu đã được lớp thanh niên đầu những năm 60 góp công xây dựng cải tạo thành một công viên lớn có một bán đảo đặt tên là Quán Gió và một đảo nhỏ đặt tên là Hòa Bình. Hồ Bảy Mẫu được tính là cái hồ to nhất trong nội thành. Công viên Thống Nhất rộng rãi xung quanh hồ là nơi cắm trại cho thanh thiếu niên cả thành phố.

Cái lá phổi xanh vĩ đại này đã nhiều lần lọt vào tầm ngắm của các đại gia đất cát. Khi thì ngăn một góc công viên định làm khách sạn. Lúc lại có đề xuất kinh hoàng nhằm biến cả mặt đất dưới công viên thành một cái hầm để xe. May mà lãnh đạo thành phố nhiều thời kì còn đủ sáng suốt để không chấp nhận cho những dự án phiêu lưu ấy thành hiện thực.

Hồ Tây thực ra chỉ có một góc từ Yên Phụ kéo sang Thụy Khuê là thuộc nội thành. Ra khỏi đấy hoàn toàn là nông thôn thuộc huyện Từ Liêm. Đám trẻ những năm 60 thế kỷ trước coi việc lên chơi hồ Tây như một cuộc dã ngoại xa nhà thật sự. Cơm nắm muối vừng đạp xe lên mạn Trích Sài, Tảo Sách hết trọn một ngày mới quay về.

Nhà văn Đỗ Phấn

Những hồ ao quanh nội thành là một con số khổng lồ rất ít người nắm được cụ thể. Phần lớn là những hồ nước được đặt tên theo đất đai của làng. Hồ Giảng Võ ở cạnh làng Giảng Võ xưa. Hồ Đuôi cá ở dưới Pháp Vân đặt tên theo hình dáng của nó. Hồ Quỳnh đặt tên theo làng Quỳnh Lôi…

Xa hơn nữa là hồ Linh Đàm khổng lồ với diện tích mặt nước khoảng 75ha. Và những vùng xa từ cuối Bạch Mai trở ra là một hệ thống sông ngòi, hồ nước nhiều không kể xiết. Những năm 60 chỉ cần đi khỏi Bệnh viện Bạch Mai xuống Ngã Tư Vọng thôi là lũ trẻ đã mặc sức câu cá cả ngày.

Những hồ nước không tên tuổi và có diện tích nhỏ dần biến mất trong vòng nửa thế kỷ qua là một cuộc chia ly vĩnh viễn của người Hà Nội. Không còn nơi trữ nước, Hà Nội chỉ mưa khẽ vài trăm li là ngập khắp các nẻo đường đổ vào thành phố. Chẳng khó để thấy rằng người ta đã đánh đổi những hồ nước nhỏ rất đắc dụng trong việc chống lụt lấy một cái hồ to hơn là diện tích vài quận ven nội.

Dĩ nhiên công dụng của cái hồ khổng lồ này vẫn phải phục tùng tự nhiên làm nơi chứa nước mưa mà thôi. Đấy là còn chưa kể đến công dụng điều hòa khí hậu của những hồ nước ở thành phố. Và dĩ nhiên lũ trẻ bây giờ hoàn toàn đi câu bằng iPad. Thay vì hò hẹn với bạn gái ven bờ hồ thơ mộng thì là những nhà nghỉ sặc sụa mùi nước hoa xịt phòng.

Giờ chính là lúc buộc phải nghĩ đến việc đào đắp xây dựng thêm những hồ nước cho thành phố.