Ký ức chợ người năm xưa và nơi cầm cố với lãi suất cắt cổ ở phố Hàng Chiếu

ANTD.VN - Có một câu hỏi thú vị đặt ra là khi mang quân đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, năm 1873, Đại úy người Pháp Francis Garnier đã dẫn quân theo đường nào? Câu trả lời là Francis Garnier đi qua phố Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng và sau đó vào đánh thành Hà Nội. 

Có lẽ vì ấn tượng hoặc ám ảnh bởi sự kiện con phố đầu tiên khi đưa quân vào, người Pháp đã chọn Hàng Chiếu là con phố đầu tiên để xây dựng theo mô hình của mình. Lúc ấy cả Ô Quan Chưởng và Hàng Chiếu vẫn là một phố, đến tận năm 1945, Thị trưởng Trần Văn Lai mới chia làm hai phố riêng biệt, phố Ô Quan Chưởng bên ngoài và Hàng Chiếu bên trong, ranh giới là Ô Quan Chưởng.

Ký ức chợ người năm xưa và nơi cầm cố với lãi suất cắt cổ ở phố Hàng Chiếu ảnh 1Trước kia phố Hàng Chiếu có tên Pháp là Jean Dupuis

Từng được gọi là Phố Mới

Cái tên phố Hàng Chiếu không chỉ đơn giản có thế, chỉ riêng sự thay đổi tên gọi đã đủ minh chứng cho sự thăng trầm của con phố này và thậm chí cả lịch sử Hà Nội. Sau khi đặt được quyền đô hộ, người Pháp bắt đầu cải tạo, quy hoạch phố xá Hà Nội theo cách của mình, và Hàng Chiếu là con phố đầu tiên được xây dựng theo mô hình phố Tây, phố có vỉa hè, đèn chiếu sáng, trồng cây. Các ngôi tranh vách đất phải phá đi xây lại, nếu không đủ tiền xây thì người Pháp sẽ mua lại với giá rẻ và bán cho người khác. Và tất nhiên với những sự thay đổi đó, phố cần một cái tên mới, một cái tên Pháp để đánh dấu sự cai trị của người Pháp, giống như nhiều con phố khác.

Nhưng sự oái oăm nằm ở chỗ này, phố Hàng Chiếu được đổi tên là phố Jean Dupuis. Jean Dupuis (1828-1912), là một nhà thám hiểm kiêm thương nhân người Pháp. Có thể đối với nước Pháp, Dupuis là một người có công trạng nhưng với nước Việt, Dupuis là một kẻ tội đồ, một kẻ gây hấn, khiến người Pháp mang quân ra đánh Bắc kỳ.

Sự việc diễn ra thế này, Dupuis đã có một chuyến thám hiểm ngược sông Hồng lên vùng phía Nam của Trung Quốc và ông ta muốn vận chuyển vũ khí, gạo, muối để bán cho người Hoa và chở các loại quặng về bán cho người Việt. Nhưng điều này là không thể vì nó vi phạm những quy tắc về lãnh thổ mà người Pháp đã ký với triều đình Huế. Mâu thuẫn không giải quyết được, Thống đốc Nam kỳ Dupré cử Francis Garnier đưa quân ra phía Bắc, lúc đầu nói rằng để trừng trị Jean Dupuis nhưng khi ra tới Hà Nội, Garnier đã đánh chiếm thành Hà Nội, quan khâm sai Nguyễn Tri Phương bị thương, tuyệt thực để tuẫn tiết và chính Dupuis là kẻ đã góp công sức cho trận công thành. Một kẻ có tội như thế lại được đặt tên cho phố nên không được người dân chấp thuận, họ vẫn quen gọi nơi này là “Phố Mới” đến tận khi phố được trả lại cái tên thuở trước.

Thêm một chuyện nữa về sự phản kháng của dân chúng với Dupuis. Khi người Pháp xây trường Ke Bờ Sông đào tạo phiên dịch ở phía ngoài Ô Quan Chưởng, đã có một bức phù điêu chạm Dupuis đang cùng đoàn tùy tùng từ thuyền bước lên bờ. Buổi sáng mới khánh thành trường trang trọng là thế, buối tối, bức phù điêu có hình Dupuis đã bị bôi nhoe nhoét phân tươi, người Pháp và đám sai nha tức điên lên nhưng không làm gì được.

Tòa nhà Vạn Bảo: Hồi tưởng một dĩ vãng buồn

Cùng với việc quy hoạch, xây dựng đường phố, Hàng Chiếu được nhiều người Pháp đầu tư tiền vào kinh doanh. Tại đây có nhà máy chuyên may quân phục cho lính thuộc địa, hãng buôn hàng xuất nhập khẩu và đặc biệt trong phố có một tòa nhà để lại nhiều vết dơ cùng sự đau khổ cho người dân khi ấy.

Đó là tòa nhà Vạn Bảo của người Hoa thuê lại của người Pháp dùng làm nơi chuyên cầm cố đồ với lãi suất cắt cổ. Thôi thì mọi thứ, từ kim cương cho đến cái quần còn lành lặn cũng được mang đi cầm cố. Nhà văn Tô Hoài đã kể một câu chuyện cay đắng khi theo người dì của mình đi cầm đồ, những bàn tay gầy guộc từ bên trong ngôi nhà tối om, thò ra cầm lấy món đồ, và cũng một bàn tay xương xẩu, im lìm đó chìa ra mấy đồng bạc lẻ, cái giấy biên nhận. Nó kinh khủng hơn một nơi cầm đồ, nhà cầm cố giống như một nơi mua bán linh hồn, những thứ quý giá nhất của người ta bị tước bỏ vì đói khát quá...

Nhà Vạn Bảo nay vẫn còn, tôi đã đi thật chậm trên đường phố để nhìn ngắm ngôi nhà đó, cái dấu vết bi thương một thời vẫn còn, nhếch nhác và bụi bặm. Đó là một ngôi nhà ba gian rất rộng, một mặt quay ra Hàng Chiếu, một mặt tiếp giáp với Hàng Giầy. Tất nhiên sau này ngôi nhà đã được cải tạo và trên trán tòa nhà vàng ệch nhuốm màu thời gian ấy vẫn còn hàng chữ nổi đắp bằng xi măng đáng chú ý: “Mậu dịch quốc doanh, cửa hàng lương thực Hà Nội”. Những con chữ của một thời đã rơi rụng đi nhiều, nhà Vạn Bảo nay đã bị chia thành nhiều ô riêng để kinh doanh đủ các mặt hàng, nhưng thử hỏi nếu ai biết đến quá khứ của ngôi nhà ấy, lòng người có khỏi chạnh buồn thương xót.

Những ngày ấy, khi người dân túng đói quá, phải cầm cố mọi thứ để có cái ăn. Mà nếu không còn đồ cầm cố nữa thì đi làm thuê, hầu hạ nhà giàu, quan Tây, làm con sen, thằng bếp hoặc bất cứ việc gì kiếm được miếng ăn.

Ký ức chợ người năm xưa và nơi cầm cố với lãi suất cắt cổ ở phố Hàng Chiếu ảnh 2Phố Hàng Chiếu hiện nay vẫn còn bán chiếu nhưng không nhiều 

Chợ người năm xưa

Ngay trên phố Hàng Chiếu ngày ấy có một cái chợ người. Người Hà Nội và nhiều nhất là dân các tỉnh đổ về kiếm việc làm, miếng ăn. Họ tụ tập trên một con ngõ trên thông ra phía sau chợ Đồng Xuân, rồi có người tìm việc thì nảy sinh người môi giới, các tú bà chuyên dẫn mối. Làm vú nuôi, con ở, làm lẽ… Đã có người sinh sống thì phải có chỗ ăn nghỉ tạm bợ. Thế là mọc lên những hàng cơm, những nhà trọ tồi tàn. Có khi là nhà trọ riêng, hàng cơm riêng hoặc nhà trọ kiêm luôn hàng cơm. Chưa có tiền thì ăn nợ, ngủ nợ, kiếm được việc thì trả tiền cơm dần. Cả một đám người đói khát, nhếch nhác cầu bơ cầu bất chờ đến mòn mỏi để người ta thuê mướn bằng đồng công rẻ mạt để khỏi chết đói.

Chúng ta biết được một phần câu chuyện này nhờ vào nhà văn Vũ Trọng Phụng. “Ông vua phóng sự đất Bắc” đã viết một phóng sự lừng danh về cái chợ người này. Đó là thiên phóng sự “Cơm thầy cơm cô”, mà Vũ Trọng Phụng đã đóng vai là một gã du thủ, du thực, ăn ngủ ngay tại cái hang ổ khốn khổ đó của dân lao động để viết về cuộc sống của họ. Nhưng chính Vũ Trọng Phụng cũng có sung sướng gì đâu, ông kiếm ăn từng bữa, viết báo như điên để kiếm tiền sống, có lẽ vì thế mà thiên phóng sự về những người khốn khổ này làm lay động lòng người, là một cú chấn động trên báo chí đương thời.

Cái ngõ có phiên chợ người trên phố Hàng Chiếu ấy ở đâu? Căn cứ vào những miêu tả và dấu vết còn lại thì nó chính là ngõ chợ Đồng Xuân hiện nay. Cái ngõ một thời đau khổ ấy một đầu thông ra phố Hàng Chiếu, một đầu thông sang phố Cầu Đông bây giờ. Phía ngoài mặt phố Hàng Chiếu và trong ngõ vẫn còn những ngôi nhà cũ kỹ, dấu vết của một thời xa xưa từng là hàng cơm, quán trọ.

Điều thú vị là ngõ Đồng Xuân bây giờ lại được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực” của Hà Nội vì con ngõ này bán rất nhiều đồ ăn vặt. Nào là bánh tôm, bánh rán, bún chả, bún ốc, riêu cua, chè, cháo… mà thứ nào cũng bình dân và màu sắc bắt mắt. Ngày xưa chỗ này người ta đói khát, bây giờ thì có thể đến đây để no bụng, ngon mắt mà không chi phí nhiều lắm…

Phố Hàng Chiếu hiện thời vẫn còn bán chiếu nhưng không nhiều lắm. Con phố sầm uất bán buôn, bán lẻ rất nhiều mặt hàng, nổi bật nhất là băng dính, vải bạt, túi nhựa, thảm len… Phố lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp vì khách du lịch đi ra ngắm và chụp ảnh Ô Quan Chưởng và xe cộ chở hàng lưu thông tấp nập.

Hàng Chiếu vẫn có một vẻ đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Những biệt thự cũ xây từ thời Pháp còn khá nhiều, nhiều ngôi nhà đã bạc phếch, hoen dấu thời gian mà chủ nhân của nó dường như cứ để mặc cho nó “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đi trong phố một chiều muộn, khi bóng tối còn lưỡng lự buông chùng, thấy không gian nơi đây trầm mặc, hoài cổ như thể nhắc nhở, hồi tưởng một thời dĩ vãng đã qua.