Không gian rực rỡ sắc màu và đầy hoài niệm trên phố Hàng Mã

ANTD.VN - Hà Nội có nhiều phố “hàng” nhưng không phải phố nào cũng còn bán những mặt hàng định danh cho con phố mình. Hàng Mã là một trong số ít những phố vẫn giữ được nét truyền thống của mình.

Hàng Mã hiện nay theo xu hướng trở thành phố chuyên bán đồ chơi và các mặt hàng trang trí

Cứ mỗi dịp lễ Tết, đặc biệt là Trung thu, Giáng sinh, Tết âm lịch, phố Hàng Mã đông như hội. Cả đường phố rực rỡ màu sắc, tưng bừng như trong một lễ hội lớn. Những mặt hàng ở phố nhiều màu sắc, người đi mua sắm cũng diện đủ các loại trang phục. Đi trong những dịp đó, thấy như chìm ngập trong một lễ hội hóa trang.

Lịch sử: Chuyên bán mặt hàng phục vụ đám hiếu

Phố Hàng Mã có một lịch sử lâu đời là nơi bán các loại hàng mã. Theo tục lệ lâu đời, những người chết đi ban đầu được chôn kèm những đồ tùy táng (đồ thật) nhưng sau người ta thấy việc đó tốn kém và lãng phí quá nên thay bằng các hình mô phỏng bằng giấy, tre, gỗ… đốt để thay thế.

Ngày xưa thì cung tiến xe ngựa, tiền giấy, người thế thân… bây giờ thì nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động… Trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt tin rằng trần sao âm vậy nên người sống thường mua các đồ mô phỏng (hàng mã) để cúng tiến cho người đã khuất. Và Hà Nội không chỉ có một con phố phục vụ cho các đám hiếu. 

Ngày xưa còn có một phố Hàng Mã khác nữa, sau đã ghép vào phố Mã Mây bây giờ. Khi nếp sống văn minh càng chiếm ưu thế, các mặt hàng phục vụ đám hiếu ở Mã Mây  suy giảm và một phần chuyển về phố Hàng Mã bây giờ. Và Hàng Mã, cũng theo xu hướng đó, từ một con phố chuyên bán mặt hàng phục vụ đám hiếu thì giờ thành phố bán đồ chơi và các mặt hàng trang trí. 

Phố Hàng Mã xưa

Thiên đường của đồ chơi và trang trí

Phố Hàng Mã nhộn nhịp nhất vào dịp Trung thu. Đây là khu vực trung tâm của lễ hội Trung thu trong phố cổ. Dịp Trung thu, phố bán đèn lồng, mặt nạ, trống ếch, trống cơm, các loại dụng cụ phát ra ánh sáng, đồ chơi… Phố Hàng Mã thành một cái chợ nhộn nhịp từ sáng đến đêm khuya.  

Thế nên buổi tối vào những dịp ấy đi dạo phố Hàng Mã, bạn sẽ có một ấn tượng rất mạnh. Phố sáng choang, lung linh bởi rất nhiều ánh đèn màu, các loại đồ chơi muôn hình vạn trạng. Có lẽ vào dịp đó, không có con phố nào ở Hà Nội lại nhiều ánh sáng rực rỡ và thu hút như thế. 

Hàng Mã có một phong vị rất riêng mỗi dịp lễ Tết, đặc biệt là Trung thu, Giáng sinh, Tết âm lịch…

Man mác một nỗi niềm hoài cổ

Vào dịp Tết, Hàng Mã có một phong vị rất riêng. Phố không đông kịt như dịp Trung thu nhưng man mác một nỗi niềm hoài cổ. Sau Rằm tháng Chạp xuất hiện một cái chợ đồ cũ, đồ cổ và Hàng Mã là một trong những con phố bày bán những mặt hàng này cùng với Hàng Lược, Hàng Rươi… Giữa cái không khí ren rét chuẩn bị đón một năm mới, ngắm những món đồ xa xưa như câu đối viết trên gỗ, gươm đồng, lọ sành, những hũ tiền hoen gỉ… xen lẫn những phong bào lì xì đỏ chót, đèn lồng nhấp nháy cảm giác như trở về một vùng không gian đầy hoài niệm. Nếu muốn thưởng thức hương vị của một Hà Nội ngày Tết có phần xa xưa, hoài cổ thì những con phố như Hàng Mã vào dịp cuối năm là một lựa chọn rất thích hợp. 

Nhưng con phố này không chỉ có bán hàng mã. Tôi đã lang thang trên phố và tìm ra một ngôi đình rất thú vị ở đúng đoạn giao giữa Hàng Mã và Hàng Rươi. Đó là đình Yên Phú. Điều đặc biệt là ngôi đình này nằm chót vót ở tận gác ba một tòa biệt thự cổ xây lại từ năm 1923. Các ngôi đình, đền ở tầng hai phố cổ Hà Nội thì tôi đã gặp vài cái nhưng đình ở tầng ba thì lần đầu. Đi qua những hàng ăn có phần cũ kỹ và bụi bặm đặc trưng, quặt vào những cầu thang gỗ, cầu thang sắt cheo leo thì lên tới đình Yên Phú. Cũng đầy đủ ngai thờ, hương án, mâm bồng, hoa quả…

Mùi khói hương quyện vào mùi phố phường và không gian xung quanh. Đứng trên tầng ba tòa biệt thự hoen dấu thời gian nhìn ngắm không gian phố cổ, vừa chiêm bái ngôi đình có lịch sử cả trăm năm bỗng thấy rằng Hà Nội luôn có những góc khuất nẻo thú vị mà có lẽ không bao giờ đi hết. Và có lẽ Yên Phú là ngôi đình ở tầng cao nhất của Hà Nội và cả nước vì có nơi nào đất chật người đông như Hà Nội nữa đâu?

Nhà văn Uông Triều

Sự thú vị về cách đặt tên phố 

Một điều đáng chú ý nữa của con phố này, gọi là phố Hàng Mã nhưng không phải cả phố bán hàng mã và đồ chơi. Những mặt hàng này chỉ bán từ đoạn giao từ phố Hàng Đường đến Hàng Cót, đoạn giao từ phố Hàng Cót trở đi đến phố Phùng Hưng người ta không bán hàng mã mà buôn bán thông thường. Tại sao có sự khác biệt này? Vì đoạn phố đó trước kia có tên phố Hàng Đồng, nhưng sau những người làm đồng thôi làm hoặc chuyển ra phố Hàng Đồng bây giờ và đoạn đó gộp luôn vào phố Hàng Mã.

Âu cũng là sự thú vị về cách đặt tên và hoán đổi các mặt hàng buôn bán trên phố, giống hệt sự thay đổi của một đoạn phố Mã Mây xưa bán hàng mã và cuối cùng mất tên vì sự suy tàn. Và từ Hàng Mã tôi đang nghĩ đến một vấn đề thú vị: lịch sử đặt tên và thay đổi tên gọi các phố phường ở Hà Nội, nơi chứa chất một quá khứ hấp dẫn và những câu chuyện phía sau rất đáng suy ngẫm!