Khi niềm tin tâm linh trở nên bất thường

ANTD.VN - Nhiều chuyên gia văn hóa đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội sẽ là tiêu điểm để phóng viên tìm đến hỏi mãi những câu chuyện cũ về lễ hội, có chuyên gia phải thốt lên: Năm nào cũng nói những chuyện giống nhau thôi. Hay “Thánh thần nào ủng hộ chuyện ấy”. Chuyện ấy ở đây là chuyện người dân tham dự lễ hội cứ nhét tiền vào tay các bức tượng, ném tiền vào những nơi tự cho là thiêng như một cách “hối lộ thần linh”. 

Nhiều người đến lễ hội để cầu bình an, tuy nhiên có những người chỉ muốn cầu tài, cầu lộc cho bản thân - ẢNH: LAM THANH

“Văn hóa truyền thống của chúng ta về lễ hội là gì, là vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội. Chúng ta thừa nhận giá trị lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng…, thăng hoa thì phải có sự va chạm, chen lấn”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã nói như vậy tại hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018…

Cách nói của bà Nguyễn Thị Phương Châm nếu được soi chiếu với các lễ hội hiện nay đều có thể được viện dẫn như một cách ngụy biện cho những hiện tượng phản cảm trong mùa lễ hội. Khi sự thăng hoa của cộng đồng không chỉ được đổi lại vài ba cái va chạm hay chen lấn giản đơn, lễ hội khi vượt qua không gian cộng đồng làng xã, vươn ra cả nước và thu hút khách thập phương thì sự đánh đổi của va chạm có thể là ngộp thở, ngất xỉu, thậm chí là chấn thương sọ não phải cấp cứu…

Nói về công tác lễ hội, sẽ có rất nhiều vấn đề tạo ra sự tranh cãi không ngớt. Đầu tiên đó là công tác quản lý. Có người cho rằng, đừng can thiệp vào lễ hội bằng biện pháp hành chính, hãy để nó tự điều chỉnh và để người dân địa phương tự quản lý. 

Nhưng lại có người phản bác rằng, những lễ hội khi còn lễ hội làng, thu hút con dân trong làng với nhiều ý nghĩa gắn bó với nếp sống quê hương và tưởng nhớ tiền nhân thì chẳng có gì đáng phải can thiệp. 

Tuy nhiên, khi lễ hội trở thành không gian thu hút đông người từ tứ phương đổ về, dịch vụ phát triển, lợi ích chồng chéo, lúc đó lễ hội sẽ phát sinh tiêu cực và cần có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước. 

Thực tế đây cũng là điều dễ hiểu. Ở đâu nảy sinh vấn đề lợi ích thì sẽ sản sinh ra nhiều vấn đề phức tạp cần phải điều chỉnh. Chỉ như việc đi lễ, đến với hội hay đền chùa miếu mạo của người dân cũng không phải đơn thuần xuất phát từ mong muốn để du xuân và giải tỏa những muộn phiền hay chỉ cầu an yên cho gia đình và bản thân. Nhiều lễ hội mà người đến chỉ vì muốn cầu tài, cầu lộc về cho bản thân thậm chí sám hối cho những việc làm sai trái hay nhẹ hơn là trả lễ vì những lợi lộc đã thu về trong năm qua. 

Các hành vi không phù hợp trong các mùa lễ hội không tự nhiên mà sinh ra, nó có thể được thúc đẩy bởi những người đã làm và tin đồn từ nhiều nguồn vọng tới. Tiêu điểm của mùa lễ hội năm 2019 có lẽ là hình ảnh trong lễ hội bắt “ông cầu” (con lợn) diễn ra tại xã Hà Thạch, Phú Thọ. Tại đây rất đông người dân đã tranh thủ sờ vào “ông cầu” và bứt vài sợi lông để lấy may.

Cũng chẳng thể lý giải được lông lợn có tác dụng cầu may như thế nào, đôi khi chỉ xuất phát từ một niềm tin nào đó tương đối mơ hồ từ những người tham dự. Nhưng có lẽ vì việc giật lông lợn để cầu may chưa được phát tán rộng khắp đến nhiều người nên vẫn còn mang dáng dấp làng xã, nhìn rộng ra nếu có nhiều người có niềm tin tương tự đổ về những mùa lễ hội khác và đều có niềm tin phải giật được lông lợn mới có may mắn, thì chắc rằng cảnh chen lấn, xô đẩy để giật lông lợn cũng không phải là chuyện bất thường. 

Nhiều lễ hội, các bậc cha mẹ còn đem cả con nhỏ hòa vào dòng người lớn. Để rồi may mắn đâu chưa biết, chỉ thấy những tiếng khóc thét của trẻ em lẫn vào sự chen lấn của dòng người không ngớt. 

Nhiều chuyên gia văn hóa đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội sẽ là tiêu điểm để phóng viên tìm đến hỏi mãi những câu chuyện cũ về lễ hội, có chuyên gia phải thốt lên: Năm nào cũng nói những chuyện giống nhau thôi. Hay “Thánh thần nào ủng hộ chuyện ấy”. Chuyện ấy ở đây là chuyện người dân tham dự lễ hội cứ nhét tiền vào tay các bức tượng, ném tiền vào những nơi tự cho là thiêng như một cách “hối lộ thần linh”. 

Mùa lễ hội năm nay, dù có nhiều văn bản pháp luật đã được áp dụng nhưng sẽ có nhiều chuyện mới của năm nay lại là chuyện cũ của năm trước. Chỉ có một chuyện mới xảy ra nhưng lại là chuyện buồn, đó là Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã ra đi mãi mãi, ông không còn là địa chỉ tin cậy để nhiều phóng viên văn hóa tìm gặp để hỏi ông những quan điểm về lễ hội, về niềm tin tâm linh tại sao bây giờ lại mù quáng thế.

Hồ Viết Thịnh

Dẫu vậy, có những phát biểu của ông trước đó dù có thể cũ nhưng có thể vẫn thời sự, trong đó có một câu nói ông từng đề cập với tác giả bài viết này: … “muốn thay đổi tình trạng tiêu cực trong lễ hội phải hướng dẫn cho người dân thể hiện mức độ tâm linh phù hợp và ứng xử đúng; nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng hỗn loạn về mặt tâm linh rất nguy hiểm. Để cho lễ hội biến tướng như ngày nay, nếu lỗi của người đi lễ 5-6 phần thì của cơ quan quản lý phải là 6-7 phần”.