Huyền tích những pho tượng lừng danh đất kinh kỳ

ANTD.VN - Bởi vị thế đặc biệt của mình, Hà Nội có hàng trăm chùa, đền, miếu và theo đó, hàng nghìn pho tượng được thờ phụng.  rất nhiều pho tượng giống nhau nhưng cũng có những pho tượng, vì một lý do nào đó, có những đặc điểm riêng biệt, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt không chỉ đối với ngôi chùa hay đền miếu đó. 

Huyền tích những pho tượng lừng danh đất kinh kỳ ảnh 1

Tượng A di đà trong chùa Ngũ Xã

Huyền Thiên Trấn Vũ: Tượng an dân, hộ quốc

Tôi đến thăm đền Quán Thánh một chiều đầu đông, không phải lần đầu đến nơi này nhưng vẫn xao xuyến bởi thứ không khí bàng bạc của thời gian đang chuyển mùa trong khuôn viên ngôi đền cổ kính. Gió từ phía hồ Tây thổi tới, mặt hồ mờ mờ như sương khói mà nao nao nhớ rằng trước kia lối vào đền Quán Thánh xuống tận mép hồ. Giờ thì “thương hải tang điền”, cửa đền đã sát ngay mặt đường bằng phẳng và cách hồ Tây một quãng.

Hiếm có ngôi đền nào ở nội thành Hà Nội lại gợi được không khí thâm nghiêm như ở đền Quán Thánh. Những cây muỗng cổ thụ có tuổi đời mấy trăm năm trầm mặc tỏa bóng mát. Khuôn viên đền tĩnh lặng, yên ả, chốn linh thiêng của đất kinh kỳ, một trong “Thăng Long tứ trấn” vẫn giữ được vẻ uy nghiêm của mình, cộng hưởng bởi một pho tượng lừng danh - tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.

Tôi đã ngắm pho tượng rất lâu để cảm nhận tài đúc đồng của người thợ xưa. Tượng tinh xảo và uy nghiêm, mặt tượng bình thản trong lớp khói sương nhưng đầy vẻ uy quyền, huyền bí. Bàn chân tượng to bản, vững chãi mà bao người đã sờ chạm vào đó đến bóng nhẵn lên.

Tượng cao gần 4m, nặng 4 tấn. Nên nhớ rằng vào thời điểm đúc tượng (năm 1677), đồng vẫn là một thứ kim loại quý hiếm, phải quan trọng đến mức nào triều đình phong kiến mới dồn một lượng đồng lớn như thế để đúc tượng. Tượng bằng đồng thau, sau được hun khói cho đen thẫm lại càng tăng thêm vẻ uy nghi, thần bí cho vị thần trấn giữ phương Bắc.

Những nghệ nhân làm ra pho tượng này là những người thợ đồng làng Ngũ Xã ven Hồ Tây làm ròng rã trong bảy tháng trời. Đã 3 thế kỷ trôi qua, pho tượng vẫn toát lên vẻ anh linh và được người dân tôn sùng như một vị thần độ trì giúp dân chống giặc ngoại xâm và ngăn chặn thiên tai địch họa. Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ như một biểu trưng uy nghiêm cho sự an dân, hộ quốc, cũng là tác phẩm nghệ thuật đầy đặc sắc đã trở thành bảo vật của quốc gia.

Tượng Vua cõng Phật ở chùa Hòe Nhai

Vua cõng Phật: Tượng về lòng sám hối

Một pho tượng nữa, tuy không có kích cỡ lớn hay đúc bằng thứ đồng quý hiếm nhưng lại có một lịch sử đặc biệt và dáng vẻ gần như  độc nhất vô nhị ở nước Việt. Đó là pho tượng Vua sám hối hay dân gian quen gọi là tượng Vua cõng Phật ở chùa Hòe Nhai. Tại sao Vua lại cõng Phật, tại sao Vua lại phải sám hối? Tôi đi dọc các hành lang gần như tĩnh lặng tuyệt đối trong chùa Hòe Nhai mà tự hỏi.

Phải có lỗi lầm thì người ta mới sám hối và bậc quân vương đã sám hối thì càng không phải chuyện thường. Chùa Hòe Nhai là một ngôi chùa rất lớn và lộng lẫy, lại rất gần với bến Đông Bộ Đầu ngày xưa, khi quân dân nhà Trần đã có một trận đánh tan quân Nguyên, buộc chúng phải rút chạy khỏi kinh thành Thăng Long.

Nguyên do của pho tượng Vua cõng Phật là thế này. Thời Vua Lê Hy Tông (1675-1705), có lúc nhà vua đã có những chính sách hà khắc với đạo Phật. Sư Chân Dung, tổ sư thứ hai của phái Tào Động trong chùa Hòe Nhai đã gửi một bài biểu dâng lên vua, đại ý nói rằng, muốn giữ được đại nghiệp lâu dài thì phải biết quý trọng đạo Phật, đạo pháp sẽ phù trợ cho triều đình và dân chúng.

Vua đọc xong bài biểu thì tỉnh ngộ, từ đó giảm những hà khắc với đạo Phật. Pho tượng được tạc ra có nguồn gốc như thế. Một vị vua trong tư thế gần như quỳ sụp để cõng đức Phật trên lưng. Vậy là bất kỳ ai, dù có ở ngôi vị cao thế nào thì những lúc sai lầm, làm trái lòng dân thì cũng cần sửa lại mình cho hợp với đạo đời, nhân thế. Pho tượng chính là một biểu trưng sâu sắc cho lòng sám hối và những lỗi lầm của đời người.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh

A di đà: Tượng trong tượng

Một pho tượng đồng cũng to lớn, từng là kỷ lục một thời và có một lịch sử khá ly kỳ là tượng A di đà trong chùa Ngũ Xã. Ta nhớ rằng làng Ngũ Xã chính là làng nghề đúc đồng nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa, là nơi chế tác ra pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ nổi tiếng ở đền Quán Thánh.

Chùa Ngũ Xã vốn là ngôi chùa thờ ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không nên ngay khi bước vào chùa đã nhìn thấy sự rực rỡ, lấp lánh của những màu đồng. Chùa được che chắn dưới bóng một cây cổ thụ râm mát và hưởng gió trong lành từ hồ Trúc Bạch thổi vào. Chùa Ngũ Xã có từ thời hậu Lê, thế kỷ XVIII nhưng sau bị hỏa hoạn thiêu trụi. Năm 1949, người dân khôi phục lại chùa và có ý muốn đúc một pho tượng đồng lớn để tôn vinh làng nghề truyền thống của mình, xứng đáng là niềm tự hào của người dân đúc đồng Ngũ Xã. 

Tượng được khởi thủy từ năm 1949 nhưng đến tận năm 1952 mới hoàn thành. Vì sao thời gian lâu như vậy? Vì ban đầu không có đủ đồng để đúc pho tượng lớn như vậy. Tượng cao gần 4m, nặng hơn 10 tấn, tòa sen cũng nặng gần 4 tấn.

Để giải quyết vấn đề thiếu đồng đúc tượng, người ta đã nghĩ ra một giải pháp, đó là lấy đồng từ những pho tượng của người Pháp đã dựng lên: Tượng Paul Bert đặt ở vườn hoa Paul Bert, nay là vườn hoa Lý Thái Tổ; tượng nữ thần Tự do, mà dân ta quen gọi là tượng Bà Đầm Xòe ở vườn hoa Cửa Nam; tượng Canh Nông ở vườn hoa Robin, nay là vườn hoa Lê Nin.

Số đồng gom góp từ dân chúng, cộng với lượng đồng từ những pho tượng kể trên đã được đúc thành pho tượng đồng lớn nhất miền Bắc vào thời điểm đó. Tượng cũng được hun khói đen tuyền giống pho tượng ở đền Quán Thánh. Khi ngắm pho tượng này và biết rằng ẩn trong đó là những pho tượng khác sẽ hiểu thêm một nét về lịch sử…

Tượng Vua Quang Trung ở chùa Bộc

Vua Quang Trung: Tượng bởi lòng trung nghĩa

Một pho tượng nữa, không quá lớn, không đúc bằng đồng nhưng lại có một giá trị đặc biệt bởi thể hiện sự thăng trầm, khắc nghiệt của lịch sử, cũng như lòng trung nghĩa của tướng sỹ với chủ tướng. Đó là tượng Vua Quang Trung ở chùa Bộc.

Chùa Bộc đã có trước thời Vua Quang Trung rất lâu nhưng đến trận chiến Kỷ Dậu, 1789 đại phá quân Thanh, nó đã bị phá hủy hoàn toàn. Sau trận Đống Đa, quân Thanh chết la liệt, xác chết chất thành gò đống và tướng giặc Sầm Nghi Đống đã phải tự vẫn. Để cứu vớt những linh hồn quân sĩ phía bên kia bị tử trận, Vua Quang Trung đã có một cử chỉ nhân đạo là cho phép dựng lại ngôi chùa gần chiến địa khi ấy cho linh hồn họ có chỗ trú ngụ và thậm chí cho phép xây cả miếu thờ Sầm Nghi Đống.

Nhưng sự nghiệp dở dang, Vua Quang Trung mất sớm, Nguyễn Phúc Ánh lấy được quyền bính, thống nhất giang san. Với kẻ cựu thù, vua Gia Long yêu cầu mọi dấu tích, tên tuổi thuộc về Tây Sơn đều phải phá bỏ, trái mệnh sẽ phải chịu tội rất nặng. Thế nhưng một vị tướng trong đội tượng binh của vua Quang Trung ngày trước đã ẩn danh đi tu trong chùa và tìm cách dựng tượng vị chủ cũ của mình.

Tượng được làm năm 1846, vào thời kỳ Thiệu Trị, cháu nội của Gia Long. Tượng Quang Trung ẩn danh bởi tên tượng Đức Ông nhưng những dòng chữ kín đáo hoặc bán công khai đã thể hiện điều đó. Đó là cách tạo hình đặc biệt để miêu tả phong thái của bậc quân vương. Tượng một chân đi hài, một chân trần lộ ra ngoài rất thoải mái, mang vẻ phóng khoáng của một vị quân vương như thể ngài đang bàn chuyện với quần thần ngồi dưới. Lịch sử khắc nghiệt và tàn nhẫn nhưng không ngăn cản được lòng trung nghĩa của người tướng sĩ với vị minh quân của mình.

Những pho tượng uy nghiêm không những chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc và tín ngưỡng, nó còn mang trong mình những bài học về lịch sử, nhân tình thế thái và chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao có ý nghĩa trường tồn.

Nhà văn Uông Triều