Huyền thoại đền Quán Thánh

ANTD.VN - Nếu chọn một ngôi đền nổi tiếng nhất khu vực nội thành Hà Nội thì có lẽ không nơi nào vượt được Quán Thánh. Đền có lịch sử lâu đời, là một trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ xưa, lại sở hữu pho tượng đồng thuộc dạng kiệt tác của nghề đúc đồng làng Ngũ Xã.

Pho tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh được đúc năm 1677 

Tượng thánh Trấn Vũ: Báu vật nước Việt

Theo truyền thuyết thì quán Trấn Vũ (tên nguyên thủy của đền Quán Thánh) có từ lâu đời, trước cả khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Khi định đô ở Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã phong cho vị thần chủ ngôi đền là Huyền Thiên Trấn Vũ coi giữ mặt Bắc của kinh thành. Và hiếm có ngôi đền nào lại được sự quan tâm đặc biệt của các vị vua chúa nước Việt như vậy. Sau sự tôn phong của Vua Lý Thái Tổ, đến đời Vua Lý Thánh Tông, năm 1012, miếu thờ thần Trấn Vũ lại được xây mới. Đến thời Lê sơ, năm 1474 Vua Lê Thánh Tông lại mở mang, tôn tạo thêm một lần nữa.

Nhưng có lẽ sự mộ đạo mạnh mẽ nhất với vị thần chủ của ngôi đền là vào thời chúa Trịnh Tạc. Vốn dĩ vị thần chủ của ngôi đền đã có tượng bằng gỗ nhưng khi ấy chúa Trịnh Tạc đã quyết cho đúc tượng mới bằng đồng để xứng đáng với vị thế của thần và từ đó kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng cổ truyền ra đời.

Nước Việt đã từng có nhiều kiệt tác bằng đồng như trong danh sách “An nam tứ khí” từ thời Lý nhưng đáng tiếc do thời gian và chiến tranh, những báu vật này đều bị phá hủy.  Pho tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh đúc năm 1677 may mắn giữ lại được và có lẽ không có pho tượng đồng nào cùng niên đại lớn và đẹp bằng pho tượng đồng này.

Pho tượng bây giờ được coi là sản phẩm đặc sắc của nghề đúc đồng truyền thống, được suy tôn là báu vật nước Việt khắc họa một vị thần mặc áo đạo sĩ, đầu để trần. Một tay thần bắt quyết trừ ma với một ngón tay trỏ lên trời, một tay thần cầm thanh kiếm chống lên lưng một con rùa, thân kiếm có một con rắn bò quanh.

Tượng toát lên vẻ uy nghi, đầy sức mạnh nhưng rất tinh tế ở các đường nét, có thần hồn và mang dáng vẻ riêng biệt. Sở dĩ tượng cầm thanh kiếm chống lên lưng rùa và tay kiếm có rắn quấn quanh vì Trấn Vũ là một vị thần nổi tiếng của Đạo giáo có tài bắt quyết trừ ma, nhất là trong việc hàng phục rùa và rắn khi chúng trở thành loài yêu quái.

Tượng là sản phẩm của nghề đúc đồng Ngũ Xã và tương truyền người đúc pho tượng lừng danh này là Trùm Trọng. Tượng Trấn Vũ bằng đồng thau, sau được hun khói đen làm cho tượng càng huyền bí, kỳ vĩ.

Đền Quán Thánh xưa và nayHuyền thoại đền Quán Thánh ảnh 3

Lưu dấu bậc vua chúa ở ngôi đền cổ

Sự hâm mộ đối với pho tượng không chỉ ở dân chúng mà các bậc vua chúa cũng tỏ lòng kính nể. Năm 1842, Vua Thiệu Trị khi Bắc tuần đã vào thăm đền và đặc biệt, vua và các hoàng tử đã cúng tiền vàng và cho đúc thành một  vòng vàng đeo vào cổ tay thần.

Chiếc vòng vàng của Vua Thiệu Trị và các hoàng tử cung tiến tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đâu? Rất tiếc theo thời gian và chiến tranh, chiếc vòng ấy đã không còn, nếu chiếc vòng vàng ấy còn, có lẽ pho tượng sẽ nổi danh hơn nữa. Vì rằng chiến tranh loạn lạc, đã có lúc đền Quán Thánh đã bị người nước ngoài xâm chiếm, cụ thể quân Pháp khi tham gia đánh thành Hà Nội đã từng có lúc ở trong đền.

Lại thêm một chi tiết thú vị nữa về ngôi đền này. Cũng vào thời Nguyễn, khi Vua Minh Mạng vào thăm đền, năm 1824, ông đã cho đục bỏ tấm bia (xóa chữ) được dựng năm 1677 - thời điểm đúc tượng. Tại sao Vua Minh Mạng lại cho xóa chữ tấm bia thời chúa Trịnh? Ông làm thế vì căm ghét và muốn xóa mọi dấu vết của họ Trịnh. Nhưng đó là một mâu thuẫn vì tượng thần Trấn Vũ do chính chúa Trịnh Tạc tâm huyết cho đúc thì Minh Mạng không dám đụng đến và thậm chí hậu duệ của ông là Vua Thiệu Trị sau còn cung tiến vòng vàng.

Câu chuyện đời sau đục bỏ văn bia của đời trước và thậm chí tượng của thời này được đun chảy để đúc thành tượng của thời khác là chuyện không hiếm gặp. Điều ấy cho thấy lịch sử luôn vận động biến chuyển và luôn có những thăng trầm khó đoán định.

Thêm một chi tiết nữa về lần viếng thăm đền Quán Thánh của Vua Thiệu Trị. Ông đã cho đúc một biển đồng cho khắc bài thơ của chính mình để trong đền và bây giờ tấm biển đồng ấy vẫn còn, cũng là những hiện vật khá hiếm thấy, lưu dấu bậc vua chúa ở ngôi đền cổ.

Nhà văn Uông Triều

Truyền thuyết thần báo mộng

Ngoài pho tượng bằng đồng nổi tiếng thì đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác. Đền có một chiếc khánh đồng thời Tây Sơn do một vị đô đốc cung tiến, những hiện vật được cúng tiến sau này cũng rất đáng kể. Đó đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng với vạc đồng, lư hương đồng… làm thành một “bộ sưu tập đồng” rất tinh xảo và có giá trị.

Nhưng đền Quán Thánh không chỉ nổi tiếng với những hiện vật bằng đồng. Nó còn có cả một huyền thoại riêng để tạo sự linh thiêng. Đền vốn là quán đạo xưa kia của Đạo giáo và là nơi các sĩ tử thường vào xin thơ giáng và cầu mộng cho việc thi cử được suôn sẻ, thành đạt.

Thậm chí những chuyện mộng gặp thần ở nơi đây đã được ghi trong một quyển sách có tên “Trấn Vũ thần mộng ký”. Và giấc mộng nổi tiếng nhất trong sách này có lẽ là truyền thuyết thần báo mộng chỉ đường cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn tụ nghĩa dưới lá cờ của Lê Lợi và sau này cả hai người đều trở thành những vị khai quốc công thần lớn của triều Lê.

Đền Quán Thánh còn có một pho tượng gây nhiều tranh cãi. Đó là một pho tượng bằng đá trắng tạc một người đàn ông trùm khăn. Nhiều người cho rằng đó là tượng Trùm Trọng, người trực tiếp đúc tượng Trấn Vũ. Ý kiến khác  cho rằng đó là tượng thần Thổ Kỳ chuyên cai quản về long mạch. Gần đây, lại có ý kiến cho là tượng quận công Vũ Công Chấn, “tổng công trình sư” xây dựng đền Quán Thánh và đúc tượng Trấn Vũ…

Dù người được đúc tượng là ai thì pho tượng đá cũng được coi là một mẫu mực của nghệ thuật điêu khắc đá, có nhiều nét gần gũi với người thực và chính sự mơ hồ về lai lịch pho tượng này càng tạo thêm nét huyền bí và hấp dẫn cho ngôi đền nổi tiếng bậc nhất này.