Hè đến, lại nhớ một thời bơi bể tự nhiên

ANTD.VN - Hà Nội là thành phố sông hồ. Nghĩa của chữ Hà Nội là bên trong sông. Trẻ con Hà Nội từng một thời vùng vẫy khắp mọi sông hồ, vậy mà bây giờ nhà nhà đành chen nhau trong các bể bơi bê tông chật ních. 

Hè đến, lại nhớ một thời bơi bể tự nhiên ảnh 1Bể bơi nhân tạo ở Hà Nội bây giờ luôn đông đúc người khiến người ta khao khát được vùng vẫy trong những hồ nước xưa ở nội thành

Thời vua Tự Đức, sông Tô Lịch là chi lưu của sông Hồng qua các phố Hàng Buồm, ngõ Gạch ra Hàng Đường, Hàng Lược vòng theo chân thành ra hồ Tây. Không chỉ có sông, khu vực nội đô còn có rất nhiều hồ lớn. Phía bắc có hồ Mã Cảnh (hay hồ Cổ Ngựa, nay tương ứng với Hàng Đậu, Hòe Nhai, Hàng Than), phía dưới có hồ Thái Cực (tương ứng với Hàng Bè, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hiện nay), hồ này có con lạch nối thông với hồ Hoàn Kiếm. Đầu thế kỷ 20, phía đông nam vẫn còn hồ Hữu Vọng (khu vực phố Hàng Chuối hiện nay). Phía nam có hồ Vọng, Bẩy Mẫu, Ba Mẫu, Trung Tự; phía tây có hồ Giảng Võ, Kim Mã, Thủ Lệ; tây nam có Thành Công và tây bắc có Hồ Tây rộng mấy trăm héc ta.

Còn ao thì rất nhiều, ở các làng ven đô, làng nào cũng có hàng chục ao trở lên. Theo bản đồ lập năm 1890, khu vực nội đô và các làng vùng ven tổng cộng có hơn 400 hồ ao lớn nhỏ. Hồ ao không chỉ là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt mà còn để nuôi cá, nơi rửa rau vo gạo, tắm rửa hàng ngày. Hồ ao Hà Nội thông với nhau là kênh thoát nước tự nhiên, là nơi tích nước trong mùa mưa, hạn chế úng ngập cho thành phố. Vào mùa hè nóng bức, các hồ ao trở thành bể bơi tự nhiên cho người lớn và trẻ con bơi lội.

Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (Une campagne au Tonkin, Paris 1892), tác giả Hocquard viết: “Mùa hè những đứa trẻ cả trai lẫn gái trần truồng bơi trong mầu nước đục ở hồ Gươm”. Không chỉ người Việt thích tắm hồ mà người Pháp cũng thích. Cũng trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, cuối thế kỷ 19, khu vực Nhà khách Chính phủ hiện nay là hồ rộng, chiều chiều binh lính Pháp ra đây tắm truồng bị dân chúng phản đối nên họ không dám thô tục nữa. 

Cuối thế kỷ 19, ở khu vực sông Kim Ngưu, đoạn sát ô Cầu Dền (tương ứng với cuối phố Huế, đầu phố Bạch Mai hiện nay) có bến tắm dành cho dân lao động. Chiều chiều sau khi làm công trong phố về, dân lao động xuống bến tắm và giặt quần áo.

Đầu thế kỷ 20, sông Kim Ngưu bị thu hẹp nên bến tắm cũng không còn. Tuy nhiên nơi có bến tắm qui củ và sạch sẽ chính là hồ Tây. Thế kỷ 17, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng một bến tắm ở Nghi Tàm. Vị trí này thời Lý, Trần và đầu nhà Lê gọi là bến trúc Nghi Tàm, một trong bát cảnh của hồ Tây.

Bến trúc Nghi Tàm chính là làng Nghi Tàm trồng một giống trúc vàng tên là trúc ngà xung quanh làng. Từ xa trông hàng nghìn, hàng vạn cây đứng trước gió, ánh sáng chiếu vào ánh lên màu vàng trông rất đẹp. Mùa hè, chúa Trịnh Giang cùng các cung nữ lên đây tắm và nghỉ ngơi.

Đầu những năm 1930, Cao ủy thể thao Đông Dương đưa ra chủ trương “vui vẻ trẻ trung” đã dấy lên tinh thần thể thao ở các đô thị. Những người Pháp sống ở Hà Nội đã thành lập câu lạc bộ bơi lội ở đầu đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), có bơi thuyền và bơi trên mặt nước. Câu lạc bộ này chỉ dành cho người Pháp nên người Việt Nam không được vào. Bất bình trước sự phân biệt đối xử, một người Việt làm đơn xin phép đốc lý thành phố mở bên hồ Trúc Bạch một mô hình tương tự như của người Pháp và đặt tên là “Tiểu Đồ Sơn”.

Tuy nhiên do hồ nông, lại có nước nóng thải ra từ nhà máy điện Yên Phụ nên “Tiểu Đồ Sơn” mùa hè nước hồ đã nóng lại nóng thêm vì thế không thu hút được người đến bơi. Thêm chuyện cô Nghĩa (nhà ở phố Trúc Lạc), một trong những người tham gia “nhóm tiểu thư đi bộ Hà Nội - chùa Trầm” bị chết đuối ở đây nên câu lạc bộ vắng người phải đóng cửa. Năm 1932, một người Việt khác làm đơn xin chính quyền thành phố mở bể bơi ở hồ Quảng Bá.

Được chấp thuận, ông cho đổ cát, làm nhà thay quần áo và nhà tắm. Thời gian đầu bơi ở đây chỉ có nam thanh niên, con gái không dám bơi vì mặc quần áo bơi hở hang sợ bị thiên hạ móc máy, chế giễu. Tuy nhiên lối sống tân thời được các báo cổ súy nên nhiều chị em đã mạnh dạn lên đây bơi. Trong hồi ký, nhạc sỹ Phạm Duy kể rằng, mùa hè những năm 1940, ông thường xuyên bơi ở đây và không ít lần ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô Tân (mẹ ca sỹ Khánh Ly) trong bộ đồ tắm.

Ờ phía tây của hồ Tây có sen, có sâm cầm tạo nên khung cảnh thơ mộng và lãng mạn nên năm 1930, toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier cho xây bến tắm dành cho quan lại của Chính phủ nghỉ ngơi và bơi lội (tương ứng với khu vực Trung tâm huấn luyện bơi thuyền Hà Nội đường Lạc Long Quân hiện nay).

Ở khu vực này người ta lấy đất cung cấp cho nhà máy gạch Quán Thánh nên rất sâu, nước rất trong. Năm 1936, bến tắm này được bán lại cho tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu. Ông Hoàng Trọng Phu vẫn tiếp tục sử dụng bến này làm nơi nghỉ ngơi và bơi lội cho các quan chức Bắc Kỳ. Sau này thì bến tắm bị phá bỏ.

Cùng với bến tắm, các làng quanh hồ đều có khu vực tắm riêng, không chỉ dân trong làng mà nhiều người ở nơi khác cũng đến bơi vào mùa hè. 

Để mở rộng thành phố, từ cuối thế kỷ 19 đến nay nhiều hồ đã bị lấp. Hiện trong khu vực nội đô chỉ còn vài hồ lớn như: hồ Gươm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu…Các hồ này vào mùa hè cũng ít người bơi lội vì nước hồ tuy không ô nhiễm nhưng cũng không còn sạch. Bố mẹ giờ cũng đành đưa con nhỏ đến các bể bơi kín đặc người, nước đầy hóa chất.