Hãy là cổ động viên có văn hóa khi đội nhà xung trận

ANTD.VN - Hành trình gần 1 tháng AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam sẽ đi tới trận đấu cuối cùng vào thứ bảy 15-12-2018. Cúp vàng đợi chờ 10 năm giờ chỉ còn cách chúng ta một trận đấu, tại sân nhà Mỹ Đình, với lợi thế bàn thắng sân khách. Song những tiếc nuối ở trận chung kết lượt đi trên sân Bukit Jalil là “thuốc thử” không chỉ với tâm lý đội tuyển mà còn cả với thái độ người hâm mộ. 

Giải pháp căn cơ và bền vững hơn để tăng lợi thế cho đội nhà là xây dựng văn hóa cổ động. Ảnh: Nguyễn Trung Dũng

Trong trận chung kết lượt đi, tiền đạo Hà Đức Chinh có bỏ lỡ hơn một cơ hội thành bàn ngon ăn khi đối mặt với thủ môn đội bạn. Thời điểm đó, đội tuyển Việt Nam đang dẫn đội tuyển Malaysia 2 bàn. Nếu một trong những cơ hội của Hà Đức Chinh thành bàn, tỷ số sẽ là 3-0 với khả năng cao là sự sụp đổ tâm lý của đội bạn. Nhưng bóng đá cũng như cuộc đời, chữ “nếu” là điều không đáng lăn tăn khi mọi chuyện đã qua và an vị. 

Song một bộ phận cổ động viên đã miệt thị Hà Đức Chinh khắp nẻo “cõi mạng”: trang cá nhân của cổ động viên, các nhóm (group) có nhiều người theo dõi. Tệ hại nhất, họ vào ngay trang của Hà Đức Chinh buông lời trách móc thậm tệ. Những ai theo dõi đội nhà lâu năm xót xa trước việc cầu thủ bị phạm lỗi đau đớn trên sân một, thì thương cầu thủ vì bị chính những người nhân danh tình yêu đội tuyển mà miệt thị mười. 

Cả AFF Cup này, tôi xem bóng đá ở một quán trà đá, nước mía bình dân. Quán chừng 20m2, TV màn hình không quá lớn, trà đá giá 5 nghìn đồng, nước mía giá 10 nghìn đồng. Khách chủ yếu của quán là những công nhân, thợ xây lao động xa xứ ở các nhà trọ trong vùng. Họ có độ tuổi khoảng từ gần 30 tới 40 (lứa tuổi thấp hơn thường chọn quán bia hoặc quán cà phê gần nội đô để tiện… “đi bão”). Những người muốn có chỗ ngồi tốt thường phải đến quán trước chừng một tiếng. Giờ bóng lăn, quán nêm chặt người. Bên kia đường, nhiều người không có tiền cũng đứng nhìn với sang. Suốt thời gian đó, quán bóng đá rẻ bậc nhất Hà Nội tạo cơ hội cho tôi quan sát những biểu lộ từ sự thăng giáng cảm xúc của người hâm mộ trưởng thành. 

Những tiếng chửi thề vẫn vang vang mỗi khi cơ hội bị bỏ lỡ. Thậm chí, cầu thủ đỡ bóng lỗi cũng nhận những chỉ trích thậm tệ ngay lúc đó. Trong những trận đấu căng nghẹt, việc chửi thề là cách mà nhiều người chọn khi nhận ra thực tại đầy tiếc nuối. 

Nhưng nhóm khán giả trưởng thành, lao động xa quê này có thái độ quan sát trận đấu tương đối thú vị. Họ tập trung xem trận đấu mà không bị phân tán bởi những chiếc smartphone. Họ ngồi lại sau trận đấu để xem gương mặt của các cầu thủ đội nhà mướt mải vì mệt tới tận lúc màn hình chuyển sang một chương trình khác. Và sau cuối, khi ra về, họ khá lạc quan vì “kiểu gì chả vô địch”. Những lời chửi thề cầu thủ trong trận đấu chỉ dừng lại ở quán nhỏ đó, nó không lưu dấu ở bất cứ đâu. 

Thái độ tương tự cũng có thể đã xảy ra với những người hâm mộ trẻ hơn. Điểm khác biệt là họ dùng mạng xã hội. Niềm vui, nỗi buồn đều ghi dấu ở những dòng comment (bình luận), hay những status (bài đăng) trên trang cá nhân và trong các group. Tệ hơn, niềm tiếc nuối cũng lan nhanh như virus với sự cộng hưởng của số đông. Rồi những lời chửi thề đến thẳng “tai” những người đã thi đấu trên sân, qua trang cá nhân của cầu thủ. Đến lúc này, cảm xúc bình thường trong trận đấu đã bị khuếch đại và trực tiếp ảnh hưởng tới tâm lý cầu thủ. 

Hãy là cổ động viên có văn hóa khi đội nhà xung trận ảnh 2Nhà báo Phạm Mỹ

Cầu thủ đỉnh cao bắt buộc phải chịu áp lực từ kỳ vọng của cổ động viên. Song nó không đồng nghĩa với việc cổ động viên có quyền miệt thị cầu thủ với những lời lẽ rất gay gắt trên trang cá nhân của cầu thủ. Điều này không có lợi cho bất cứ ai trong ngày hội bóng đá. Thậm chí, chính những người nhân danh tình yêu đội tuyển mà nhiếc mắng cầu thủ cũng chỉ tích tụ thêm những năng lượng tiêu cực bản thân họ.

Chúng ta còn một trận chung kết lượt về tại sân Mỹ Đình. Dẫu kết quả có ra sao, năm 2018 là một năm thành công của bóng đá Việt: đội U23 vào chung kết AFC 2018; đội Olympic lọt vào bán kết ASIAD; đội tuyển quốc gia đá chung kết AFF. Các đội tuyển đã có những bước nhảy vọt. Sự hiện diện thường xuyên ở những trận đấu cuối cùng từ giải châu lục tới khu vực cho thấy đó không chỉ là vận may mà là những bước tiến chắc chắn, ổn định.

Và có vẻ, sự vươn vai thần tốc của đội tuyển khiến cổ động viên đội nhà chưa thích nghi kịp với dáng dấp lớn lao này. Chiến thắng thường trực, bàn thắng liên tiếp trong năm khiến kỳ vọng của cổ động viên đẩy lên quá cao. Điều này khiến không ít người khó chấp nhận những cơ hội bị bỏ lỡ hay kết quả hòa có bàn thắng trên sân khách. Trong khi thực tế, buồn tiếc và những phút “đau tim” là một phần tất yếu của bóng đá. Nó làm cho chiến thắng cuối cùng đẹp đẽ và trọn vẹn hơn. 

Người ta đã cho di dời 40 quả bóng bê tông xích sắt ở quanh sân Mỹ Đình có thể vì lý do “phong thủy”. Thế nhưng, giải pháp căn cơ và bền vững hơn để tăng lợi thế cho đội nhà là xây dựng văn hóa cổ động. Sức chứa sân vận động Mỹ Đình chỉ bằng khoảng một nửa Bukit Jalil, và kém nhiều sân vận động quốc tế. Nhưng tình yêu bóng đá của cổ động viên Việt Nam không thua bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vấn đề, tình yêu đó được thể hiện đúng cách thì sẽ có ích cho đội tuyển và xã hội hơn…