Giữ những gì chưa mất?

ANTD.VN - Nhìn về một quá khứ đang mất dần trước làn sóng đô thị hóa khó cưỡng lại, người yêu Hà Nội âm thầm tiếc nuối, sợ một ngày chẳng còn gì.

Buổi sáng trời quang đãng, không một gợn mây. Hửng đông, nắng ửng hồng, hứa hẹn một ngày tạnh ráo lúc giao mùa. Đứng trên cao nhìn xuống, thu vào tầm mắt một góc thành phố nơi mình hàng ngày sinh sống, đi về. Đan xen giữa nhà cao tầng mái bằng, chóp nhọn, khung nhôm kính là lô xô mái ngói, mái tôn, phibro xi măng. Siêu thị, trung tâm thương mại che khuất chợ tạm, chợ cóc. Nếu không ở trên cao thì khó nhận ra những cái mất và còn, được và chưa được. Buồn vui lẫn lộn như sự pha trộn giữa hỗn độn và hài hòa...

Trong con mắt một du khách nước ngoài nặng lòng với Hà Nội, những đổi thay, còn - mất để lại dấu ấn khó phai mờ sau mỗi lần quay trở lại mảnh đất này. Hơn chục năm trước, ông giáo sư người Pháp lần đầu đặt chân tới đây. Từ đó, mỗi năm hai lần, ông lại lặn lội sang như một cuộc hẹn hò. Với chiếc máy ảnh kỹ thuật số, ông đã ghi lại hơn 500 tấm ảnh. Mỗi bức ảnh là mỗi góc nhìn, mỗi cảm xúc. Giở cuốn sách ảnh như thấy lại chân dung một thành phố, một con người lớn lên, trưởng thành theo năm tháng giữa làn sóng đô thị hóa không thể cưỡng nổi. 

Giữ những gì chưa mất? ảnh 2Ngay trong phố cổ Hà Nội cũng chỉ còn dăm ba căn nhà cổ là nguyên vẹn

Dành gần một phần ba cuộc đời, hơn bốn chục lần đi về Hà Nội, hẳn người đàn ông phương Tây ấy đã “phải lòng” mảnh đất này, mòn chân trên mọi con phố, nẻo đường, thuộc từng ngôi nhà cổ, những căn biệt thự thời Pháp ẩn mình giữa những vườn cây yên tĩnh. Ngay cả người Hà Nội, ít ai để tâm đến những gì đang mất dần. Mỗi bức ảnh bằng nghìn lời nói, đằng sau nó là tâm trạng xót xa, tiếc nuối. 

Ông bảo, Hà Nội không đem đến cho ông cảm giác một đô thị thật sự. Điều đó thật may mắn làm sao. Ở đây xe máy, ô tô nườm nượp, các công trình kiến trúc hiện đại, cao ốc, khách sạn chen chúc vươn lên như ở Bangkok nhưng thành phố vẫn giữ chất chân quê, giản dị. Nhịp sống thường ngày của người dân như một dòng chảy không ngừng nghỉ. 

Chậm rãi cầm những bức ảnh đen trắng, ông như quay trở lại những ngày tha thẩn trên vỉa hè xanh ngắt tán cây rợp mát dưới nắng hè đổ lửa hay góc phố, mái chùa thâm nghiêm xao xác gió trở mùa trút lá vàng.

Ông ghi lại những người chở hoa đạp xe bán rong; những người đàn bà hai vai gánh nặng trĩu rau xanh, quả chín, lang thang mọi nẻo đường, xóm ngõ. Cả những người dậy từ tờ mờ sáng đi tập thể dục, những người ngồi ăn sáng, cà phê, chè chén trên vỉa hè...

Hà Nội chân quê rồi cũng sẽ phai nhạt dần, chìm trong dòng xoáy ô tô sang trọng với những lớp mới giàu lên, họ không muốn nhớ đến gốc rễ nông thôn của mình. Giọng nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trầm ngâm, lắng lại. Tôi nghĩ, bất cứ ai muốn đến thăm một đô thị cổ kính ở châu Á còn sót lại thì nên đặt chân tới Hà Nội. Họ còn có dịp được tận mắt thấy những dấu ấn, vết tích Á Đông hài hòa với phong cách châu Âu. 

Có sống ở đây, hít thở không khí, thấm từng hạt mưa, vạt nắng, ngọn gió mới cảm nhận sự thư thái, bình yên giữa một không gian náo nhiệt, hỗn độn, đôi khi khó chịu nhưng trong lòng vẫn đọng lại cảm giác an lành như màn sương trắng đục trên mặt hồ lặng sóng. Nhiều lần cầm chiếc máy ảnh, đứng trên cao nhìn xuống, ông cảm thấy bất lực bởi không sao ghi lại được tiếng gà gáy sớm râm ran lan tỏa một góc trời. Rồi tiếng chim hót khắc khoải, dìu dặt trên ban công xanh um cây cảnh, rợp mát giàn hoa giấy, ti gôn. Dù đã chụp được những vườn treo sum suê giữa bê tông, nhôm kính, ống kính chẳng thể “chụp” được tiếng chim trong lành, bình yên. 

Có người hỏi, duyên cớ gì mà ông đi đi về về chốn này thế. Đâu phải quê hương hay có sợi dây nào trói buộc dằng dợ? Đi về với tôi, ông nói, không phải chỉ để ghi lại, giữ lấy những hình ảnh đang mất dần mà còn để cảm nhận những khoảnh khắc thoáng qua, hơi thở, nhịp đập hết sức bình dị của người Hà Nội “nửa quê, nửa tỉnh”. Tình làng nghĩa xóm giữa nhịp sống thị trường hối hả, chen chúc vẫn chưa thể phôi pha, mờ nhạt. Ở phương Tây đã trở thành quá khứ không thể tìm lại được.

Người già ngày càng sống cô đơn, khép kín. Thèm tiếng trẻ khóc cười, hò reo. Suốt ngày dài đến đêm khuya không được gặp ai, hỏi han, trò chuyện. Nhà dưỡng lão là góc khuất nương náu và cũng là ngõ cụt của hàng triệu người nghỉ hưu. Thế nên nhiều người châu Âu, khi trở về già, dắt díu nhau sang đây, chọn mảnh đất này để sống nốt những ngày cuối đời. Mỗi sáng đi chợ, mỗi chiều đi tản bộ được gặp gỡ những người hàng xóm thân quen. Có cho nhau gì đâu, chỉ là ánh mắt, nụ cười mà thấy ấm lòng...

Từng gặp rồi thân quen những người yêu Hà Nội đến mức mê mẩn như nhà nhiếp ảnh người Pháp, ai cũng nhận thấy trong họ ẩn sâu nỗi tiếc nuối quá khứ vừa tìm thấy trong hiện tại nhưng lại đang mất dần ngay trước mắt. Mỗi lần quay trở lại Hà Nội, ông chỉ ở một khách sạn nhỏ trong phố cổ, lang thang mọi con phố, trầm ngâm bên mái chùa rêu phong, thẩn thơ dạo bước dưới hàng cây xà cừ, bàng, sấu cổ thụ đổ bóng thời gian rợp mát bao kiếp người. Có lần, ông thuê “xe ôm” lặn lội về làng cổ Đường Lâm. Thoạt đầu còn theo chân hướng dẫn viên du lịch. Lần sau, một mình ông lọ mọ, tha thẩn vào thôn. Chiếc máy ảnh đã chụp lại hàng trăm ngôi nhà cổ, tường đá ong.

Mỗi căn nhà gỗ gắn bó với bao kiếp người, có khi tới ba bốn đời. Mỗi bận về làng, ông lại sững sờ, ngơ ngác thấy những mái nhà mới mọc lên trên chính nền nhà cổ mà mình chụp lần trước. Hai bên đường làng là những ngôi nhà mái bằng hoặc lợp tôn, chóp nhọn kiểu cách châu Âu. Nhấp nhô kiến trúc lai căng đè lên những mái ngói sậm màu thời gian, dãi dầm mưa nắng. 

Cứ đà này, giọng ông chùng xuống, dăm năm nữa, nếu có dịp trở lại, có lẽ chẳng còn gì để chụp. Vẫn biết, một số ngôi nhà được tu bổ, được phép xây hai ba tầng nhưng phải tuân theo chiều cao, khoảng lùi và vật liệu truyền thống. Làng cổ này không như phố cổ Hội An buôn bán, kinh doanh nhộn nhịp, nườm nượp du khách bốn phương. Ở đây, hàng trăm hộ dân vẫn phải chen chúc sống trong di sản mà chẳng biết xoay xở ra sao để tìm đường sống. Ngay trong phố cổ Hà Nội, đến nay cũng chỉ giữ lại được dăm ba căn nhà cổ nguyên vẹn, lọt thỏm giữa vô vàn ngôi nhà mới cao ngất ngưởng chẳng rõ theo kiểu cách gì...

“Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng”. Người đàn ông Paris nhắc lại câu nói của một nhà văn Pháp nổi tiếng. Tình yêu âm thầm, da diết thành phố nhỏ bé này khiến đôi mắt, ống kính cùng những ánh mắt người Hà Nội đều nhìn về một hướng, về một quá khứ đang mất dần trước làn sóng đô thị hóa khó cưỡng lại.

Ông chia sẻ vì đã thấm thía những thứ mất đi của nhiều đô thị các nước nên không muốn chứng kiến chuyện cũ lặp lại. Một thành phố cổ cũng giống như một cuốn sách mở. Mọi người dân, mọi du khách nước ngoài đều có thể lật giở từng trang như những bức ảnh từ quá khứ đến hiện tại. Đó là một dòng chảy liên tục từ xa xưa tới tận hôm nay. Giữ những gì chưa mất chứ không để đến lúc chẳng còn gì rồi mới thấy xót xa, tiếc nuối. Khi đó, dù tiếc mấy cũng không thể lấy lại được.