Giãn cách và sau giãn cách

ANTD.VN - Kể cả trong những năm tháng chiến tranh, Hà Nội chưa bao giờ có khái niệm giãn cách toàn dân như đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi. Rất may, đây cũng là một mệnh lệnh hành chính tuy chưa từng có, nhưng dễ hiểu và dễ thuộc lòng với người dân...

Giãn cách và sau giãn cách ảnh 1

Những quán cà phê vốn đông đúc đã đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch -  Ảnh: LAM THANH

1. Người dân có thể hiểu và thuộc lòng mệnh lệnh này trong vòng vài phút. Thực hiện nó cũng không khó khăn gì. Đơn giản chỉ là giữ đúng cự li giữa người với người khi giao tiếp ngoài xã hội không dưới 2m. Và chiếc khẩu trang là bắt buộc khi ra đường. Xa xôi hơn nữa, ai cũng phải tự hiểu rằng đã giãn cách như vậy thì mọi hội họp, mua sắm chỗ đông người đều phải đảm bảo cự li ấy. Ma chay, cưới xin,  giỗ chạp, chia vui, chia buồn gần như được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhất có thể. Hóa ra những hoạt động từng ăn sâu vào tiềm thức thị dân này cũng không đến nỗi khó bỏ như ta tưởng. Những hoạt động này nhiều năm gần đây có thể nói đã trở thành một hủ tục khá nặng nề. Cuối cùng thì nếp sống làng xã xa xưa “trả nợ miệng” cũng phải lùi bước. Chẳng phải vì cái mệnh lệnh hành chính đơn giản giãn cách xã hội mà chính là tâm lý tự bảo vệ mình đã hình thành sâu rộng.

Cứ nhìn mật độ người đi lại trên phố trong vòng gần 1 tháng qua mới biết dân phố cũng không có nhiều việc cấp thiết lắm phải ra đường. Những tụ tập gánh gồng mua bán ngoài đường có chăng chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận nhỏ những người bán rong mà thôi. Dân phố vẫn có thể vào chợ tìm mua những thứ họ cần. Kể cả những thứ hình như đã rất lâu rồi không ai còn quan tâm, ví dụ như gia vị để nấu một nồi nước phở hay các nguyên liệu làm bánh ngọt. Đây cũng là một đợt tập dượt lại tay nghề bếp núc của các bà nội trợ. Và cũng là một lần ôn lại tác phong tự phục vụ của các đức ông chồng bố tướng ở nhà. 

Giãn cách và sau giãn cách ảnh 2

Sau khi hết thời gian cách ly xã hội, các hàng quán được mở cửa đón khách trở lại và chấp hành nghiêm về khoảng cách tiếp xúc - Ảnh: LAM THANH 

2. Sáng dậy thấy các bà nai nịt kín đáo như ninja, phóng xe ra chợ nháo nhào mua những thứ cần thiết. Quãng thời gian ấy chỉ bằng 1/4 ngày thường. Vậy mà sắm đủ cả xương lợn, hồi, quế, thảo quả, thịt bò, bánh phở, hành… cho nồi phở bữa trưa. Về nhà đặt nồi nước dùng ti tỉ reo trên bếp vẫn thừa thời gian tập bài dưỡng sinh tại chỗ với sự trợ giúp của chiếc điện thoại thông minh. Cũng hò hét 1-2-3-4 và đồm độp vỗ tay bắt nhịp như ở chỗ tập hàng ngày. Bánh phở mua dư ra ít nhiều cũng là để bữa chiều làm món phở xào thịt bò rau cải thần thánh như những bữa ăn cải thiện thời bao cấp.

Các ông nhênh nhang mọi ngày ăn sáng, cà phê cũng buộc phải ở nhà tự phục vụ. Mỗi ông một khẩu vị và một giờ ăn uống khác nhau nên cũng chỉ có hàng quán là phục vụ được hết mọi nhu cầu. Ở nhà không thể gọi vợ con dậy sớm nấu cho mình bát mì hay pha cốc cà phê được. Và để họ làm thì chắc có đến 90% là không như ý. Bát mì thiếu hành hoa và cà phê thì nhạt hoét.

Tưởng rằng hết thời gian giãn cách thì thành phố sẽ “vỡ òa” sung sướng như bấy lâu nay người ta vẫn tưởng. Học sinh ở nước ngoài hồi hương tránh dịch “vỡ òa” cảm xúc khi gặp lại người thân đón ở sân bay. Bệnh nhân cách ly “vỡ òa” ngày xuất viện. Làng xã, khu phố “vỡ òa” ngày dỡ bỏ lệnh phong tỏa… Vậy mà không phải thế. Hình như ai cũng ý thức được hết thời gian giãn cách chưa phải đã thật sự an toàn. Và cũng chỉ có lý do ấy mới giải thích được vì sao dân phố vẫn còn rất dè dặt khi bước chân ra đường. Phố xá vẫn chưa đông đúc như thời chưa có dịch, hàng quán bắt đầu mở cửa trở lại nhưng vẫn còn thưa vắng người mua.

Người Hà Nội có tác phong bán hàng không xởi lởi cho lắm thì nay việc kiệm lời lại tỏ ra ưu việt. Nhiều quán phở kê bàn áp tường, thành ra thực khách chỉ có thể ngồi bên cạnh với vài chiếc ghế cách xa nhau chứ chẳng thể đối diện như trước. Dân phố đi uống cà phê cũng cố tình chọn quán vắng mà vào dù biết rằng cà phê ở đấy chưa thể gọi là chuẩn. Hàng quán êm đềm, trật tự đến bất ngờ. Chẳng còn hình ảnh một đám khách tập thể dục về ồn ã kéo nhau vào quán rút điện thoại ra í ới gọi thêm người. Cũng chẳng còn tiếng lách tách như mưa rào mái tôn và vỏ hạt hướng dương rắc kín dưới nơi chân ghế. 

Giãn cách và sau giãn cách ảnh 3Nhà văn Đỗ Phấn

3. Hết giãn cách, các phương tiện công cộng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Siêu thị, chợ búa, cửa hàng trên phố vẫn duy trì giãn cách như một tháng qua. Hoàn toàn tự giác mà không cần ai phải nhắc nhở. Dường như mọi người đều hiểu rằng, nếu bệnh dịch quay trở lại thì với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế của ta sẽ vỡ trận trong một vài ngày là điều chắc chắn. Thông tin về bệnh dịch trên toàn thế giới cập nhật hàng ngày đã làm cho dân chúng hiểu được rằng, giàu có cũng không thể chống lại được con virus này. Hóa ra không phải “phú quí sinh lễ nghĩa” mà nghèo túng, an phận mới phòng chống được dịch bệnh. Tất nhiên khi hết dịch hoàn toàn thì phú quí vẫn hơn.

Lũ trẻ đã đến trường trở lại dù phải đeo khẩu trang và thực hiện chia ca, tách lớp. Đâu đó trên báo tranh luận về chuyện “cực hình” khi trẻ vừa đeo khẩu trang, vừa đeo tấm chắn giọt bắn, vừa phải tắt điều hòa để chống “Cô Vy”. Học online cả tháng, trẻ cũng bắt đầu chán lắm rồi. Hóa ra nếu chỉ để dạy kiến thức phổ thông thôi thì trẻ con không cần đến cả ngày dùi mài ở trường như thế.

Các cụ hưu trí là thành phần thiệt thòi nhất trong đợt dịch bệnh này. Chỉ còn có vài trò chơi tụ tập các cụ với nhau cũng không thể thực hiện được. Nhưng các cụ đã có cách. Những người từng đẻ ra chúng ta thiếu gì cách. Gọi điện thoại nhiều tốn tiền thì các cụ mày mò nhắn tin. Nhiều cụ sử dụng thành thạo chiếc điện thoại thông minh mà trước đấy một mực ghét bỏ vì phiền. Gọi ai cứ lấy sổ ghi số ra bấm chút chít chậm rãi. Giờ thì các cụ đã biết nhớ số của nhau và tìm rất nhanh trong danh bạ máy. Thừa thời gian thư thả bấm những tin nhắn kín cả màn hình. Thành phần các cụ trong mỗi gia đình đều đáng kính, con cháu phải hết sức phục tùng. Lần đầu tiên đám con cháu trong nhà không phải nghe những cuộc điện thoại dài lê thê với âm lượng rõ ràng chỉ dành cho người khiếm thính. Ước gì…