Đừng nghe đồn...

ANTD.VN - “Một đồn mười, mười đồn trăm” là thành ngữ cổ nói về chất lượng của tin đồn. Đã gọi là tin đồn đôi khi ta chỉ nên tin vào khoảng một phần trăm mà thôi.

Minh họa: Tiến Dũng

Tin đồn có từ thời thượng cổ

Có rất nhiều loại tin đồn, song, có thể quy nó vào 2 nhóm chính. Một là phóng đại sự kiện vừa mới xảy ra. Hai là bóp méo sự việc theo hướng có lợi cho một ai đó và có hại cho một ai đó. Tất nhiên không thể không kể đến một loại tin đồn khác gọi là tin đồn thất thiệt. Tức là một sự việc được bịa đặt ra hoàn toàn, những tin đồn kiểu này dễ xử lý. Đại loại như đồn rằng ông A, bà B nào đó vừa quy tiên chẳng hạn. Chỉ cần ông ấy bà ấy xuất hiện trên truyền thông là tin đồn lập tức chấm dứt.

Tin đồn có từ thời thượng cổ và tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào. Lúc đúng, lúc sai, lúc vừa sai vừa đúng. Xa xưa có câu ca dao “Đồn rằng quan tướng có danh/Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai…” là để chế giễu những kẻ huênh hoang, khoác lác không thực tài. Lại có câu hát hề mồi “Đồn rằng xứ Nghệ vui thay/Vui thì vui vậy chẳng tày Hưng Yên…”. Văn học, nghệ thuật thời chưa có chữ viết và hoàn toàn theo lối truyền khẩu cũng có thể gọi là tin đồn. Trung tâm của các tin đồn từ xa xưa chính là cái chợ. Hiểu nôm na có thể gọi nó là “tờ báo” địa phương. Bởi vì ngay cả ở Hà Nội ngày chống Mỹ người ta cũng vẫn phải xếp hàng dài dằng dặc mới mua được tờ báo. Giá tờ báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới… lúc ấy chỉ là 5 xu nhưng không phải ai cũng có tiền mua báo hàng ngày. 

Chúng ta phản ứng với những tin đồn như thế nào? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ dành cho những nhà hoạch định chiến lược báo chí. Những tin đồn tưởng chừng như tếu táo vui cười đôi khi lại làm tan nát cả một gia đình, thậm chí dòng họ. Đại khái những tin đồn kiểu như bố chồng tắm chung với con dâu chẳng hạn, đó là thứ tin đồn ác độc. Với người thường, tin đồn trên mạng còn gây ra những thiệt hại vật chất đáng kể.

Đến tận sau thời kháng chiến chống Mỹ thì cái chợ vẫn là nơi sẵn tin tức nhất. Đương nhiên đó chỉ là tin đồn. Nhiều người chẳng mua bán gì, hàng ngày vẫn đi chơi chợ. Họ ra đấy để nghe ngóng tin tức. Nhiều khi chợ rất đông không phải vì buôn bán mà chỉ vì có một tin đồn rất đáng quan tâm nào đó. Đại khái như tin đồn đổi tiền năm 1985 chẳng hạn. Nó làm cho Hà Nội nháo nhào mua bán trong mấy ngày trước lúc đổi tiền. Ai có cái gì không dùng đến mang bán cũng có người mua. Ở chợ Giời người ta bày bán cả những đôi dép nhựa rách.

Người ta đồn rằng, tiền cũ đổi 10 ăn 1 với tiền mới. Và lại đồn thêm rằng, ai có quá 5.000 đồng là sẽ bị tịch thu. Họa sĩ Bùi Huy Hiếu tích cóp được gần 10.000 đồng định mua ngôi nhà mặt phố Bà Triệu không tin lời đồn. Ông mang tiền cũ ra đổi lập tức bị giữ lại. Về sau phải nhờ bạn bè đi lấy giấy xác nhận bán tranh ở Xunhasaba là cửa hàng của Nhà nước người ta mới trả lại ông số tiền ấy. 

Tiếp nhận có chọn lọc

Những tưởng rằng giờ đây với khoảng 700 tờ báo thì tin tức không còn quá khan hiếm nữa, nhưng không phải. Nhu cầu về tin đồn hình như còn lớn hơn trước. Thêm nữa, mạng xã hội phổ cập lại là một kênh thông tin đầy rẫy tin đồn. Những tin đồn gây thiệt hại vật chất, nhân phẩm của người khác đương nhiên có pháp luật trừng trị. Đại khái như hoang tin dịch Covid-19 đang có mặt ở nơi nào đó lập tức bị gọi lên nộp phạt cả chục triệu. Hay hoang tin rằng, có cụ ông nào đó nhiễm Covid-19 lây lan sang cả cô bồ trẻ và đứa con riêng cũng vậy.

Tất nhiên nộp phạt xong cũng là lúc tin đồn chấm dứt. Nhưng qua những tin đồn nhiều like và nhiều comment như vậy cũng có thể nhận thấy tâm tư tình cảm của không ít người dành cho nhân vật bị đồn thổi. Những tin đồn hài hước vui vẻ vô hại thì vẫn được lưu hành trên mạng xã hội. Tất nhiên những thứ vi phạm thuần phong mỹ tục thì đã có bộ phận phụ trách đạo đức của nhà mạng kiểm soát chặt chẽ. Nhẹ thì khóa Facebook vài tuần. Nặng hơn có thể bị xóa bỏ tài khoản vĩnh viễn.

Nhà văn Đỗ Phấn

Chúng ta phản ứng với những tin đồn như thế nào? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ dành cho những nhà hoạch định chiến lược báo chí. Những tin đồn tưởng chừng như tếu táo vui cười đôi khi lại làm tan nát cả một gia đình, thậm chí dòng họ. Đại khái những tin đồn kiểu như bố chồng tắm chung với con dâu chẳng hạn, đó là thứ tin đồn ác độc. Với người thường, tin đồn trên mạng còn gây ra những thiệt hại vật chất đáng kể. Đại khái như đồn rằng ông lang A, B, C nào đó bào chế ra thuốc trị tiểu đường chẳng hạn.

Kết quả là bệnh viện mỏi tay cấp cứu những người tin dùng thứ thuốc ấy. Tệ hơn, có người đã bỏ mạng. Những trào lưu mua sắm trên mạng cũng từng gây ra thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Ai cũng nghĩ thứ cần mua ấy chẳng đáng bao nhiêu tiền, có thể mất luôn cũng được. Nhưng nếu ngồi nhẩm tính cộng lại cả chục nghìn người mua như vậy sẽ là một khoản rất lớn bị lãng phí.

Tất nhiên ngày trước mà nghe đồn rằng ở nhà ấy, phố ấy có cô con gái rất xinh thì trai Hà Nội lũ lượt đạp xe lượn lờ quanh đó để chiêm ngưỡng. Nhưng giờ thì ảnh các cô xinh đẹp đầy trên internet cũng ít ai ngó ngàng. Những người ấy ít thì cũng đi thẩm mỹ lại gương mặt mình. Nhiều hơn có thể dùng một ứng dụng thông minh trong máy tính, điện thoại điều chỉnh mặt mình như mong muốn. Nhan sắc thật của cô ấy vẫn chỉ có cách nhìn trực tiếp để nhận biết mà thôi. Đừng tin vào những đồn đại kiểu ấy.