Đọc sách thời mạng xã hội

ANTD.VN - Một năm ở Hà Nội có dăm bảy hội sách lớn chưa kể các phiên bán mua hội chợ sách cũ. Lần nào có hội sách cũng rất đông, các nhà xuất bản đều công bố doanh thu với những con số hấp dẫn và sự kỳ vọng vào việc “chấn hưng” văn hóa đọc. Song dù có thế thì cũng không làm khuất lấp được những  băn khoăn về việc đọc sách trước sức ép lớn của mạng xã hội.

Chiếc xe thư viện lưu động ở Tây Nguyên khiến những cư dân thị thành nghĩ suy

Những đứa trẻ không điện thoại thông minh

Tôi gặp anh Tùng, nhân viên của thư viện Gia Lai tháng 4-2018. Thời điểm đó, anh Tùng cùng chiếc xe thư viện lưu động của mình đang dừng tại thư viện Đắk Đoa (Gia Lai). Chiếc xe ô tô của thư viện Gia Lai “thồ” 5.000 cuốn sách lên đồi thông trống trải cạnh thư viện huyện để mang sách tới các em nhỏ Tây Nguyên. 

Trong năm qua, anh Tùng cùng cộng sự đã thực hiện 107 chuyến chở sách tới người đọc. Một chuyến đi của các anh có chừng 3 người. Các anh thay nhau lái và làm các nhiệm vụ từ vác loa kêu gọi buôn làng tới tổ chức đọc sách, chiếu phim,... Chiếc xe đi cả trên những con đường chưa thành hình, vào tận những buôn làng chưa nhiều người biết tới cái ô tô. Với rất nhiều người, chiếc xe của thư viện Gia Lai đã khiến họ lần đầu cầm cuốn sách. 

Anh Tùng nhớ mãi câu chuyện đưa sách tới học sinh ở THCS A Dơk (Gia Lai). Đó là những ngày mùa, các em học sinh thường nghỉ học để giúp bố mẹ. Nhưng, khi trường thông báo có thư viện lưu động hôm sau tới, mọi chuyện khác hẳn. Trường đạt sĩ số kỷ lục trong ngày mùa: 100% học sinh tới lớp. “Những đứa trẻ ở đây, sách không chỉ là cầu nối tri thức, nó còn là nguồn vui của các em. Ở đây sách là cánh cửa mở ra cả thế giới chứ không bị giằng co bởi Facebook hay TV đâu em.”- anh Tùng kể - “Công việc này cực lắm. Vào mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì đi xe căng thẳng vô cùng. Nhưng nhìn bọn trẻ xếp hàng chọn sách rồi chăm chú đọc sách mà thấy vui lắm”.

Những đứa trẻ không điện thoại thông minh ở Đắk Đoa chỉ chứng minh rằng mạng xã hội đã làm người ta xao nhãng văn hóa đọc đến mức nào. Câu chuyện đó không nhằm trốn tránh thực tế rằng mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục “hút” dần độc giả của sách nếu như những người làm sách không hành động trên chính các nền tảng này. 

Với cá nhân tôi, câu chuyện của anh Tùng cùng hình ảnh các em nhỏ cao nguyên đọc sách ở đồi thông Đắk Đoa mấy tháng đó là một câu chuyện đẹp và ấn tượng. Và, việc đầu tiên mà tôi nghĩ tới khi ngắm khung cảnh chiếc xe thư viện cùng các em học sinh vây quanh đó là đăng Facebook. Nó nhanh như một phản xạ. Và tất nhiên, bài đăng về thư viện ấy rất nhiều… like. 

Đến tận buổi tối, lúc về tới chỗ trọ tôi mới xem lại những bức ảnh mình chụp. Thư viện của anh Tùng có khá nhiều đầu sách hay không chỉ cho trẻ em. Trong đó có cả những cuốn sách nghiên cứu văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số mà tôi đã tìm kiếm khắp nơi không thấy. Đó là thiệt thòi riêng của cá nhân tôi nhưng tôi đoan chắc câu chuyện đó không chỉ của riêng mình. 

Đọc sách thời mạng xã hội ảnh 2

Nhà báo Phạm Mỹ

Mạng xã hội có phải “ngáo ộp”?

Không phải ngẫu nhiên, năm 2015, ông chủ Facebook  Mark Zuckerberg chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi thấy việc đọc sách là để hoàn thiện trí tuệ. Sách giúp bạn khám phá toàn diện một chủ đề và đắm mình sâu hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ mọi người sẽ đọc sách nhiều hơn thay vì cắm cúi vào phương tiện truyền thông của tôi”.

Tỷ phú này cũng chọn năm 2015 là “năm của sách” bằng chuyên trang trên Facebook có tên “A year of book”. Tại đây, tỷ phú người Mỹ ra mục tiêu của bản thân là 2 tuần đọc 1 cuốn sách. Và, Mark cũng trao đổi về các cuốn sách mình thích trên trang này. Mark cũng nhận ra khá rõ sự lệ thuộc của con người vào mạng xã hội mà anh đã tạo ra. Và, bằng nỗ lực cá nhân (không phải tổ chức), Mark cố dùng uy tín của mình để mọi người không quên thói quen đọc sách.

Với những lợi thế về tốc độ thông tin cũng như đa dạng các nguồn tin, mạng xã hội đang tạo ra một nguồn tri thức khổng lồ. Song, có hai điểm yếu mà mạng xã hội không thể khắc phục một sớm một chiều. Đó là tính xác thực của thông tin và tính hệ thống của thông tin. 

Hiện tại, bên cạnh những trang đưa tin hời hợt, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều nhóm (group) cung cấp, trao đổi thông tin khá chuyên sâu của các lĩnh vực chuyên biệt. Nhưng, dù có chuyên sâu tới đâu thì những thông tin trên mạng xã hội thường thiếu hệ thống. Tức là, dù người dùng đọc một bài vài nghìn chữ đi chăng nữa thì nó vẫn không thể đầy đủ và rành rọt như một cuốn sách chuyên ngành.

Những thông tin này hữu ích ở tính gợi mở để người dùng tiếp tục tìm tòi nghiên cứu. Bằng không, nó chỉ là những mẩu “kiến thức bỏ túi” ngắn ngủi. Đồng nghĩa người dùng nếu chỉ thu nạp kiến thức qua mạng xã hội thì sẽ biết rất nhiều vấn đề đang quan tâm song cũng không biết gì cụ thể đến đầu đến đũa. 

Tuy nhiên, mạng xã hội không chỉ đem lại những thách thức. Nó còn mang tới những cơ hội cho các NXB, nhà sách, người viết thức thời. Cũng như Mark, những đơn vị xuất bản sách và cả các tác giả buộc phải dùng chính mạng xã hội để lôi kéo độc giả của mình. 

Hiện tại, đa phần các nhà sách đều đã có những trang Fanpage. Ở đó, họ đăng những câu trích dẫn hay, những tấm hình chụp cùng sách đẹp và cả những cuộc thi cho người đọc tham gia để lôi kéo độc giả. Đến đây, mạng xã hội không hẳn là những ông “ngáo ộp” với sách hay văn hóa đọc. Vấn đề của cuộc chơi là các đơn vị xuất bản sử dụng nền tảng này sao cho người đọc thêm yêu, thêm trân trọng trang giấy còn nguyên mùi mực mới in. 

Những đứa trẻ không điện thoại thông minh ở Đắk Đoa chỉ chứng minh rằng mạng xã hội đã làm người ta xao nhãng văn hóa đọc đến mức nào. Câu chuyện đó không nhằm trốn tránh thực tế rằng mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục “hút” dần độc giả của sách nếu như những người làm sách không hành động trên chính các nền tảng này.