Đi viện ở phố

ANTD.VN - Thật ra không cứ gì là phố hay quê, ai cũng sợ đặt chân đến bệnh viện với tư cách một bệnh nhân. Xa hơn nữa là tư cách người thân đến thăm nom người bệnh. 

Đi viện ở phố ảnh 1Có nhiều lý do khiến người ta đi viện, nhưng đi viện vì không làm chủ được bản thân trong các cuộc vui thì quả thực đáng buồn

Nhưng nhiều người ở phố được tiếp cận với điều kiện y tế tốt hơn, tính dự phòng trước các nguy cơ bệnh tật cũng được đề cao. Người ở quê thì khổ hơn nhiều. Họ thường tìm đến bệnh viện khi cơ thể đã chịu nhiều đau đớn hoặc chẳng may gặp nạn. 

Gần 10 năm ở Hà Nội, tôi nhẩn nha nhẩm tính mình đã từng đặt chân đến hầu hết các bệnh viện lớn trong thành phố để thăm hỏi người thân từ quê ra điều trị. Mỗi người mỗi bệnh, nhưng tựu trung lại họ đã sống lâu với bệnh tật từ lâu lắm rồi. Nhưng thay vì thăm khám, họ cố nín nhịn từng cơn đau hoặc tìm đến các thầy thuốc dân gian để bốc thuốc. 

Bên cạnh sự chủ quan, có người còn tính đến những chi phí mà họ không dự đoán được là bao. Nhưng với những người dân quanh năm đồng áng thì nó lớn hơn rất nhiều những vụ trồng trọt bội thu. Đi viện ở phố, dĩ nhiên nó là một hành trình không mong muốn và với không ít người nó là một chặng đường dài vô kể. Còn tôi, trước Tết không may lại trở thành một bệnh nhân của một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Lần đầu tiên trong đời, tôi đến viện với tư cách một bệnh nhân cần cấp cứu. Một bệnh nhân phải đối mặt với những thương tổn hoặc cao hơn nữa là sự mong manh của mạng sống. 

Có ở trên giường bệnh mới cảm nhận được sự đằng đẵng của thời gian và những cơn đau mà bản thân phải chịu. Không phải chỉ là sự đau đớn của da thịt, nó còn là sự đau đớn của tinh thần. Ở một chiều khác, trên giường bệnh mới có cơ hội nhiều hơn để nghĩ về cuộc sống và những điều dang dở mình chưa thực hiện xong. 

Tôi đến viện không phải vì bệnh tật đưa đến, nó có thể được coi là một sai lầm của tuổi trẻ khi đã vượt qua ranh giới. Những ngày cuối năm, có rất nhiều lý do để ngồi với nhau trong một mâm nhậu. Rượu, bia vốn là chất đưa dẫn cho các cuộc vui nhưng nó dễ tạo ra những nguy cơ không ai ngờ tới. Một trong những nguy cơ ấy là khi “chiếc phanh” của cơ thể không giúp cho người dung nạp rượu bia dừng lại để an toàn hơn trên đường về. Tôi lại là người chưa có gia đình. Người chưa có gia đình có rất nhiều lựa chọn, không có vợ và những đứa con phải nhớ về, thế là những cuộc vui cứ kéo họ đi một cách triền miên. 

Với hành trình dài của đời độc thân ấy, cũng đã có lần tôi phải gánh chịu hậu quả từ những cuộc nhậu. Nhưng những sự cố đó chỉ như vướng phải một chiếc dây thì tai nạn vừa qua như một cú vấp ngã bởi một bậc thềm. Có thể vì cú va đập vào đầu mà tôi không thể nhớ những gì đã diễn ra và làm cách nào đó tôi đã được đưa đến viện. Đến khi hồi tỉnh tôi mới được kể lại rằng, một người đàn ông đã đưa tôi vào vì chứng kiến tôi nằm lại bên đường sau tai nạn do chính mình gây ra. Chỉ có điều, người đàn ông đó không tiết lộ danh tính của mình khi được hỏi. 

Lý do có thể rất nhiều, nhưng với tư cách một ân nhân giúp người gặp nạn, họ cũng sợ sự nghi ngờ của mọi người về sự liên can của mình với tai nạn. Thực tế trường hợp đó đã từng xảy ra. Không phải người phố nào cũng vô cảm trước một người dưng, nhưng họ sợ là nạn nhân của nhiều suy đoán. 

Đi viện ở phố, nó không còn là lời cảnh báo thông thường, nó là một lời cảnh tỉnh cho chính tôi. Không làm chủ được bản thân trong rất nhiều trường hợp sẽ đưa mình vào tình huống nguy hiểm. Thậm chí đó là sự nguy hiểm đến tính mạng. 

Khi hoàn toàn tỉnh táo, tôi chợt nhớ đến một người em trong bàn tiệc đúng hôm tôi tai nạn. Cậu đến tham gia khi trên mặt vẫn còn những vết trầy, hỏi ra mới biết đó cũng do một lần say để lại. Đáng ra, câu chuyện của người em là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với tôi thì có lẽ nó đã trôi theo hơi rượu vào người. 

Đi viện ở phố cũng là một bài học của tuổi trẻ. Với tôi, nó vẫn còn đọng lại rất lâu với một vài vết sẹo trên cơ thể. Nó nhắc cho tôi rằng, một lần vui có thể để lại rất nhiều nỗi buồn. Ở góc độ này nên có một lằn ranh cho mình để biết không vượt qua.

Đi viện ở phố cũng là một bài học của tuổi trẻ. Với tôi, nó vẫn còn đọng lại rất lâu với một vài vết sẹo trên cơ thể. Nó nhắc cho tôi rằng, một lần vui có thể để lại rất nhiều nỗi buồn. Ở góc độ này nên có một lằn ranh cho mình để biết không vượt qua.