Đi Bờ Hồ

ANTD.VN - Hôm rồi, một người bạn tôi định cư ở nước ngoài, xa Hà Nội đã mấy chục năm không về khi gọi điện tự nhiên hỏi tôi: Dạo này có hay đi Bờ Hồ không? Tôi lặng đi một khoảng vì câu hỏi của bạn. 

Đi Bờ Hồ hay là “lượn tẩy” là cách chúng tôi thường nói về những cuộc dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm mỗi cuối tuần thuở nào. Đi Bờ Hồ. Hay thật. Và cũng chợt ớ ra bao nhiêu năm nay dù thi thoảng vẫn đi lướt qua bằng đủ các loại phương tiện, vài ba lần có việc liên quan đi bộ đến khu vực Bờ Hồ thì quả thực từ lâu lắm tôi chưa có lần nào trọn vẹn một cuộc thật sự là đi Bờ Hồ như bạn tôi đã hỏi.

Khác với cuối tuần ngày trước nườm nượp xe cộ, cuối tuần bây giờ khu vực Hồ Hoàn Kiếm cùng một số phố lân cận là khu dành riêng cho người đi bộ. Lại nói dạo trước, mỗi tối thứ bảy, Bờ Hồ là nơi trình diễn từ người đến xe của nam thanh nữ tú và đủ mọi lứa tuổi. Dạo đó, hình như có những gì tốt nhất người ta đều dành cho tối cuối tuần này để trưng diện để bát phố. Sau cú điện thoại, tôi dành ra một ngày trọn vẹn để đi Bờ Hồ như lời anh bạn gợi.

Phải công nhận Hà Nội dành ra được khu đi bộ này thật lý tưởng. Từ tối thứ sáu đến đêm chủ nhật, tất cả mọi phương tiện giao thông đều bị cấm không được đi vào. Dạo mới dành làm phố đi bộ, cũng có không ít ý kiến phản đối, nhất là những người dân sở tại, nhưng sau thì thấy tiện ích rõ ràng. Hà Nội không thiếu nơi vui chơi giải trí nhưng chẳng đâu được trung tâm như Bờ Hồ và đẹp thì khó lòng bút mực nào tả xiết.

Riêng đoạn phố Đinh Tiên Hoàng rộng mấy chục mét giờ thênh thang như quảng trường. Các cặp cô dâu chú rể khó chọn nơi nào tốt hơn để chụp bộ ảnh cưới kỷ niệm. Nhìn những em bé tung tăng chạy nhảy cùng ông bà, bố mẹ, mới thấy Hồ Gươm ý nghĩa hơn biết bao nhiêu. Hẳn sau này ấn tượng về một Bờ Hồ lộng lẫy sẽ in đậm trong ký ức các em. Tháp Rùa về đêm được thắp sáng bởi hệ thống ánh sáng nhiều màu lung linh huyền ảo.

Người hoài cổ thích một Tháp Rùa mù sương và nguyên bản thiên nhiên không đèn đuốc nhưng cũng khó cầm lòng khi ngắm Tháp Rùa về đêm. Những tiện ích công cộng cũng được cải thiện nhiều. Khu vệ sinh mới rộng rãi hơn và đương nhiên sạch sẽ phù hợp với nhịp sống hiện đại. Cụm di tích đền Bà Kiệu, Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn vẫn như ngày nào thu hút rất đông khách tham quan.

Điều đặc biệt là nhà Bưu Điện vẫn trong kiến trúc cũ nhưng nội thất sang trọng hơn nhiều. Có lẽ tất cả những thay đổi mang tính thời thượng như nhà Bách hóa tổng hợp bây giờ là Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza và rất nhiều cửa hàng cửa hiệu khác đã hiện đại hóa hình như không làm Bờ Hồ trẻ hơn. Đấy mới chính là điều quan trọng bởi hồn cốt của hồ vẫn là cổ xưa huyền ảo. Có thể nói sau khi làm vài vòng Bờ Hồ cả ngày lẫn đêm, tôi cảm thấy có gì đó như là thiếu khuyết của mình khi lâu nay sao nhãng đến một địa danh quá đỗi thân thuộc và ý nghĩa.

Hồi mới làm báo cách đây vài chục năm, tôi cũng đã một lần sống trọn vẹn một ngày đêm đủ 24h xung quanh Bờ Hồ để viết một  phóng sự. Ngày ấy, Bờ Hồ có khối chuyện để viết. Điển hình về chuyện Bờ Hồ là những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Dậu. Ông nhà văn đã mất khá lâu nhưng những câu chuyện ông kể về Bờ Hồ vẫn còn hôi hổi nóng. Vốn làm nghề thợ cắt tóc và nhiều thời gian ông ngụ luôn trong đền Ngọc Sơn nên chẳng chuyện gì ông không biết.

Tay khắc bút nào mả nhất, thợ vá dép nào nhanh tay, lẹ mắt lại lấy giá rẻ nhất. Đám trộm cướp phe phẩy hay ả gái làm tiền đều hiện ra sinh động trong các trang viết của ông. Hay nhất là chuyện những con rùa trong hồ. Ông viết một lần có đám trộm dùng cả cuốc chim để hạ sát rùa khiến bao độc giả run rẩy và phẫn nộ.

Bờ Hồ hôm nay ngoại trừ một vài tòa nhà cao tầng có kiến trúc lai căng như “Hàm cá mập” làm mất đi phần nào không gian thơ mộng và thâm nghiêm trầm mặc của hồ còn thì hầu như chẳng mấy thay đổi về cảm nhận. Ga xe điện trung tâm tất nhiên không còn. Những thay đổi công năng như Rạp chiếu phim Hòa Bình, rồi Bách hóa Bờ Hồ, Hiệu sách Nhân dân... thành những mục đích khác là điều hoàn toàn theo quy luật. 

Tuy nhiên không phải bất cứ sự thay đổi nào cũng là điều tốt. Mới đây rộ lên những ý tưởng như làm “Con đường danh nhân” bằng hình thức BOT rồi thu phí hoàn vốn. Kế đó là dựng mô hình Kinh Kong theo một bộ phim nước ngoài có một số hình ảnh quay ở Việt Nam bằng ngân sách rồi gần nhất là ý tưởng dựng tượng Rùa vàng ở Bờ Hồ bằng tiền xã hội hóa.

Tôi nghĩ tất cả những thứ vừa nêu là điều không nên làm bởi nó chỉ làm xô bồ chật hẹp, phá đi những gì tinh túy của hồn xưa bóng nước. Một Hồ Gươm cổ kính và rạng danh truyền thuyết gắn với lịch sử Thăng Long hào hùng cần được bảo tồn gìn giữ nguyên bản hơn là những thay đổi lai căng. 

Nói lại chuyện người bạn hỏi về đi Bờ Hồ. Người Hà Nội ít khi nói với nhau đi Hồ Hoàn Kiếm hay đi hồ Gươm khi phải đến nơi này. Đi Bờ Hồ là cách nói thuận miệng nhất. Cánh tôi ngày xưa ở lính mỗi lần về phép chẳng lần nào không rủ nhau đi Bờ Hồ. Ngày nay chắc rằng nếu ai đó dù là lứa tuổi trẻ nếu có nhu cầu đến đó tôi nghĩ họ cũng sẽ dùng cách gọi như vậy.

Đi Bờ Hồ, tôi đã có câu trả lời anh bạn xa xứ. Bạn yên tâm, người Hà Nội hôm nay với hồ Hoàn Kiếm vẫn vẹn nguyên tấm tình, sự gắn bó với tất cả những gì yêu thương nhất một địa danh, một di tích, một hồn cốt và là một điểm vui chơi thư thái tâm hồn không thể thiếu.