Đền Đồng Cổ và lời thề của nghìn năm lịch sử

ANTD.VN - Mở đầu cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình “Hồ Quý Ly”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dành hẳn một chương để miêu tả hội thề ở đền Đồng Cổ. Và có lẽ trong các lễ hội thuộc về nền quân chủ phong kiến Việt Nam, có lẽ không có hội thề nào được tổ chức nghiêm ngặt và có vị thế quan trọng như hội thề ở đền Đồng Cổ.

Đền Đồng Cổ và lời thề của nghìn năm lịch sử ảnh 1Đền Đồng Cổ (nằm trên phố Thụy Khuê, Hà Nội) được xây dựng từ thời Vua Lý Thái Tông

Sự báo mộng của thần Đồng Cổ và cuộc dẹp loạn tam vương

Đền Đồng Cổ và hội thề có một lịch sử lâu đời. Đền Đồng Cổ được xây dựng từ thời Vua Lý Thái Tông, và hội thề cũng có từ thời đó. Trải qua bao thăng trầm, phần hội thề ở ngôi đền cổ này đã góp phần làm hùng mạnh, cố kết những trụ cột của phong kiến Việt Nam và có lúc chính nó suýt tạo ra một biến cố lớn trong lịch sử.

Ngược về lịch sử, đền Đồng Cổ có nguồn gốc từ vùng đất Thanh Hóa, có từ thời Hùng Vương. Đến thời Lý, một lần khi Thái tử Lý Phật Tử theo lệnh vua cha đi chinh phạt phương Nam, một đêm Ngài nằm mộng thấy có một vị thần to lớn hiện lên, tự xưng là thần ở núi Đồng Cổ nguyện theo thái tử đi giúp sức và quả nhiên lần đó thái tử đã giành được thắng lợi vẻ vang. 

Nhưng có một sự kiện quan trọng khác đã biến vị thần ở trên núi này trở thành vị thần có vị thế quan trọng bậc nhất trong kinh thành Thăng Long. Số là khi Vua Lý Thái Tông băng hà, di chiếu đã truyền lại Thái tử Lý Phật Tử nối ngôi. Nhưng bi kịch xảy ra, xác cha còn chưa lạnh thì 3 người anh em của Lý Phật Tử là Võ Đức vương, Đông Chính vương và Dực Thánh vương đã làm loạn, định cướp ngôi báu đã được định đoạt. Và một lần nữa thần Đồng Cổ đã báo mộng cho thái tử về việc binh biến, nhờ thế ông đã có phòng bị và trừ được phản nghịch. Trong cuộc chính biến cung đình năm ấy, Võ Đức vương đã bị giết ngay tức khắc, 2 người kia phải bỏ chạy. Sau đó, Thái tử Lý Phật Tử lên ngôi, trở thành vua Lý Thái Tông (1.000-1.054) và ông liền phong cho thần Đồng Cổ một danh vị vô cùng cao quý: “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”.

Nhưng sự báo mộng của thần Đồng Cổ chỉ là một phần, người có vai trò gần như quyết định sự thành bại của cuộc dẹp loạn tam vương khi ấy chính là tướng quân Lê Phụng Hiểu. Khi mà Lý Phật Tử còn chần chừ vì thương xót cảnh nồi da xáo thịt, thì Lê Phụng Hiểu khi ấy, vốn chỉ là một võ tướng cận vệ trong cung cấm đã quyết ra tay với một lòng trung kiên và sức mạnh khôn địch. Lê Phụng Hiểu đã mắng những kẻ phản nghịch là bất trung, bất hiếu và xông ra đánh tiên phong và chính ông đã chém đầu Võ Đức vương khiến cho đám quân phản loạn nhanh chóng tan vỡ.

Giai thoại ruộng “thác đao”

Lê Phụng Hiểu không chỉ có công lớn phò tá Lý Thái Tông lên ngôi, câu chuyện về sức mạnh của ông còn được kể qua nhiều giai thoại thú vị và một kiểu ban thưởng ruộng đất thời phong kiến liên quan tới ông: ruộng “thác đao”.

Lê Phụng Hiểu từ bé đã nổi tiếng là một người có sức khỏe vô song, lúc thanh niên ông đã một mình địch lại nhiều người trong một cuộc tranh chấp ruộng đất ở quê nhà và giành chiến thắng. Khi thành tướng cấm vệ và trở thành Đô thống thượng tướng quân, nắm quyền về quân sự, ông còn ghi được những chiến công oanh liệt khi xuôi về phương Nam.

Nhà vua thấy ông lập được công lớn, muốn ban tước hiệu cho thêm danh giá nhưng Lê Phụng Hiểu từ chối và nói rằng chỉ muốn xin một ít ruộng đất để làm hương hỏa sau này. Và cái cách ông xin đất cũng rất khác người, ông xin nhà vua đứng trên ngọn núi quê nhà cầm dao ném xuống, dao rơi chỗ nào thì xin vua ban ruộng từ chỗ ấy. Vua ưng thuận. Lê Phụng Hiểu đứng trên đỉnh núi Băng Sơn quê nhà ném dao xuống, tương truyền là dao ông ném xa hơn mười dặm. Vua theo chỗ rơi dao xuống mà ban ruộng cho ông. Từ ấy ruộng được ban thưởng cho các tướng sĩ có công còn gọi là “thác đao điền”.

Đền Đồng Cổ và lời thề của nghìn năm lịch sử ảnh 2Tiếng trống hội đền Đồng Cổ giáo dục lớp con cháu nhiều bài học làm người thông qua cách đối nhân xử thế 

Lời thề độc có sức mạnh răn đe

Quay lại lịch sử đền Đồng Cổ, sau chính biến tam vương, Vua Lý Thái Tông cho rằng cần có một nghi lễ để buộc các quần thần phải trung thành với vua, kính hiếu với cha mẹ để đất nước được bền vững. Hội  thề ở đền Đồng Cổ được ra đời. Nó là lễ hội quan trọng nhất thời ấy, được duy trì suốt thời Lý và có quy định rất nghiêm ngặt.

Vì hội thể hiện lòng trung quân nên tất cả các quan trong triều đều phải tham dự. Sau khi vào cổng đền, hành lễ, đọc lời thề, cổng được đóng lại để điểm danh, ai vắng mặt sẽ bị phạt đánh 50 trượng. Vì hội thề đề cao lòng trung thành nên lời thề khi đó như sau:

“Làm tôi bất trung

Làm con bất hiếu

Thần minh tru diệt”.

Lời thề độc có sức mạnh răn đe và góp phần duy trì sự ổn định của chế độ phong kiến. Điều đáng chú ý là hội thề này được khởi dựng từ triều Lý nhưng đến triều Trần, Hồ vẫn duy trì và để đối phó với nạn nhũng nhiễu của quan lại, nó được sửa đổi ít nhiều để phù hợp. Lời thề ở thời Trần như sau:

“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.

Như vậy là ngoài việc phải tận trung với vua thì quan lại còn phải giữ mình cho trong sạch, không tham lam, nhũng nhiễu. Điều này chứng tỏ rằng từ xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã rất coi trọng sự trong sạch của  chính quyền và đặt ra những hình phạt nghiêm khắc để giữ nghiêm phép nước.

Khi Hồ Quý Ly lên ngôi, ông thiên đô vào Thanh Hóa và hội thề ở đền Đồng Cổ, Thăng Long được đưa về núi Đốn Sơn, Thanh Hóa. Trong một lần làm hội thề ở nơi này, năm 1399, Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hãng cùng một số người khác đã mưu sát Hồ Quý Ly vì cho rằng ông này mắc tội thoán nghịch nhưng cuộc mưu sát bất thành và sau dẫn đến những bi kịch của dòng dõi nhà Trần.

Đền Đồng Cổ và lời thề của nghìn năm lịch sử ảnh 3Nhà văn Uông Triều

Văng vẳng lời thề nghìn năm lịch sử

Đền Đồng Cổ hiện nằm trên phố Thụy Khuê thuộc loại dài nhất Hà Nội và có rất nhiều các di tích cổ. Đền Đồng Cổ thời chiến tranh đã bị hư hỏng nặng, giờ đã được tu tạo khang trang, đẹp đẽ. Dù dấu vết của một hội thề quan trọng bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam không còn nhiều nhưng vẫn thấy những nét cổ kính xưa của ngôi đền.  

Một hồ bán nguyệt nước xanh thẳm, những cây cổ thụ thân rêu mốc như chứng nhân của một thời lịch sử xa xưa và người ta cũng khôi phục lại hội thề vào ngày mùng 4 tháng 4 Âm lịch hàng năm. Còn tôi, trong khi đi dạo dưới những bóng cây cổ thụ trong ngôi đền cổ, trong tai cứ văng vẳng lời thề của nghìn năm lịch sử: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Chỉ cần làm được một phần như thế thì ý nghĩa của lời thề và sức mạnh của nó sẽ khiến cho quốc gia thêm hùng mạnh, non sông đất nước thêm tươi đẹp vững bền.