Đâu dễ góp ý, mà phải làm gương

ANTD.VN - Này bác ơi, hôm nay có hội chợ gì thế mà khu phố mình ồn ào vậy?

- Có hội chợ gì đâu.

- Suốt cả ngày, tôi đau hết cả đầu vì nhạc nhõng.

- À, cái ngõ bên kia, mấy ông bà già hát hỏng ấy mà.

- Già mà hò khỏe thế, mà có hay hớm gì đâu, nghe cứ chênh chênh, phô phô, lạc lạc thế nào ấy mà cứ rống hết cả lên suốt.

- Karaoke di động đấy, cứ ôm cái điện thoại thông minh kèm theo cái loa thùng, là mở hội khu phố được rồi.

- Ồn ào quá sức, phải nghĩ cách dẹp chứ, tôi thì không chịu nổi rồi bác ơi, cứ rót vào tai như rót mật thế này, loa phường cũng phải gọi bằng… tổ sư(!?).

- Ơ hay, dẹp mà dễ à. Bác phải làm đơn lên phường, lên cơ quan chức năng, rồi người ta đến thẩm định các kiểu, tiếng ồn bao nhiêu đề-xi-ben mới xử lý được.

- Tôi ra nói thẳng điều phải - trái với nhà người ta thôi dẹp cái trò karaoke di động, chứ đơn từ làm gì. Chẳng may, cơ quan chức năng họ chỉ trỏ trách nhiệm chéo nhau, đá bóng vòng quanh thì mình cũng ốm.

- Mình già rồi, ra mặt nói điều phải quấy, không thuận tai là ăn chửi đấy!

- Thế không ai nói được ai à? Mình già rồi thì nói với người già bên họ, phải làm gương chứ, nói con cháu phải nghe chứ.

-  Có phải nhà nào cũng giống nhà nào đâu mà bác dễ góp ý. Mà chung quy, người già, người lớn phải làm gương thật. Nhà mình cũng thế đấy!

- Thế là sao?

- Cũng giống nhau cả thôi, nhà tôi cứ mắng nhiếc mấy đứa cháu cứ chúi mũi vào cái điện thoại chơi game, bảo mãi không được, nhưng bố mẹ chúng nó thì có khác gì đâu, cứ lướt mạng chát chít với com củng, cắm cúi suốt.

- Ừ, cả nhà cùng cắm đầu vào cái điện thoại, mỗi người một cái, chẳng ai quan tâm đến ai. Thông minh chẳng thấy đâu, chỉ thấy cái điện thoại vô tình làm con người ta xa cách nhau, quên đi những thói quen, những giao tiếp thường nhật.

- Thôi, tôi về bảo ban con tôi, cháu tôi đây, chúng mình già cũng phải làm gương thật sự, không nói suông được.