"Đã uống rượu bia không được lái xe" - khẩu hiệu còn ai nhớ?

ANTD.VN - Một nữ lái xe với lượng cồn vượt qua tiêu chuẩn cho phép vừa gây tai nạn liên hoàn tại TP Hồ Chí Minh khiến dư luận hoang mang. Việc lái xe khi đã uống rượu bia gây tai nạn không phải là chuyện riêng của nữ lái xe kia. Đó không phải là câu chuyện của một vài người. Nghiêm túc nhìn nhận, việc uống rượu bia tham gia giao thông chính là vấn nạn xã hội.

Tham gia giao thông khi trong người có ma men sau những chầu nhậu chẳng khác nào chuốc nguy hiểm về mình

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê ngoại thành. Cách đây chừng mươi năm, làng lên phố, công trình mọc lên như nấm, giá đất tăng chóng mặt trong vài năm. Đồng nghĩa, làng (hay bây giờ gọi là tổ dân phố) tôi có thêm rất nhiều tỉ phú. Việc bỗng dưng có thêm nhiều tỉ phú không hẳn là một niềm tự hào, mà đôi khi là một cú sốc với làng quê.

Thanh niên trong làng khi đó, đứa nào trưởng thành mà không mất chừng vài trăm triệu đồng vào cờ bạc được xem như nỗ lực đào tạo to lớn của các bậc phụ huynh. Còn lại, rượu bia là chuyện không ai kiểm soát và đám thanh niên có tiền càng không ý thức về chuyện này. Tâm lý thuần nông nhiều năm, chuyện người ta đi làm đồng xong, về nhà ăn cơm, uống một cốc rượu  không phải vấn đề. 

Nhưng, khi thanh niên có tiền với những dịch vụ quán nhậu phục vụ chu đáo, câu chuyện hoàn toàn khác. Thời đó, chúng tôi ăn nhậu tràn lan vô tội vạ. Chúng tôi phóng xe giữa đường quốc lộ hay những con đường mới làm nghênh ngang như đường đất làng ngày xưa. 

Và, những bi kịch bắt đầu từ đây. Tôi không nhớ đã bao lần thức trắng đêm trông bạn ở bệnh viện Việt Đức. Đa phần là điều khiển phương tiện khi đã quá say. Tôi nhớ rất rõ thái độ của những người bạn khi may mắn tỉnh rượu ở phòng cấp cứu, nhận ra tấm ga trắng và cảnh huống hiện tại. Nếu không bị bong sái hay gẫy tay, gần như ai cũng đấm xuống giường như phản xạ. 

Tiếc nuối và cay nghiệt là cảm giác chung mà họ kể lại. Bởi trong hơi men, lúc lên xe đi về, ai cũng nghĩ mình sẽ về nhà dễ dàng. Nhưng đó là thời điểm, người cầm lái gặp hai điều bất lợi. Thứ nhất, đó là phản xạ khi có cồn sẽ kém rất nhiều. Mọi sự cố bất thường trên đường (dù là rất nhỏ với người tỉnh) xảy đến với người say đều có thể gây thảm họa. Thứ hai, đó là việc rượu ngấm dần khiến người lái xe mất kiểm soát. Thói quen thông thường là họ sẽ cố đi về nhà. Thậm chí, họ còn đi nhanh hơn bình thường để về nhà nhanh hơn. Khoảnh khắc này dễ xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng. 

Đáng nói, nếu về nhà an toàn hoặc chỉ ngã nhẹ, mọi người đều mặc nhiên coi đó là việc bình thường. Thậm chí, đó còn là trò vui kể lại rôm rả mỗi lúc ngồi với nhau. Điều này làm việc lái xe về nhà khi đã có men xảy ra thường xuyên hơn...

Khẩu hiệu “Đã uống rượu bia không được lái xe” là một thông điệp trực diện đúng bản chất vấn đề. Nhưng tại sao người ta vẫn uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông? 

Tôi nghĩ do độ trễ của truyền thông thay đổi nhận thức rồi đến thay đổi hành vi. Nghĩa là, chúng ta cần thêm thời gian chuyển tải nhiều hơn nữa thông điệp này qua các kênh truyền thông để người uống không tham gia giao thông khi đã có cồn trong người. 

Ngoài khẩu hiệu, thực tế cuộc sống cũng có nhiều thứ phức tạp hơn dành cho người uống bia rượu. Ai cũng rõ, lúc có hơi men, chúng ta đi taxi về là an toàn. Nhưng người uống sẽ nghĩ đến hôm sau. Nào là người ấy sẽ phải chở con đi học, rồi ghé chỗ này mua gói xôi, chỗ kia uống cốc cà phê... Nếu lại bắt taxi ngược lên để lấy xe sáng hôm sau thì trách nhiệm gia đình cũng như thói quen sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. 

Chưa kể, tôi thấy một định kiến khá tệ khi có men trong người mà đi các phương tiện dịch vụ vận tải về. Đó là định kiến từ gia đình. Người nhà sẽ hỏi: Xe đâu? Say đến thế sao?... 

Những câu trách cứ cửa miệng này vô hình trung làm người uống rượu bia sẽ cố lái xe về như một cách thể hiện rằng mình vẫn tỉnh táo, trong tầm kiểm soát. Việc kỳ thị người uống nhiều bia rượu, ở góc độ nào đó, là tốt. Nhưng thái độ này phải thống nhất và rõ ràng. Người ta sẽ bị trách cứ nặng nề khi đi uống rượu nói chung. Nó tuyệt nhiên không phải chuyện lựa chọn an toàn hơn lại bị trách, còn lựa chọn rủi ro thì không sao.

Với ý thức giao thông hiện nay, việc đi xe trên đường đầy rẫy may rủi. Còn tham gia giao thông khi trong người có men chỉ là rủi ít hay nhiều. Hành vi hoàn hảo là uống bia rượu ở nhà, với chừng mực được y học chấp nhận. Nhưng thực tế, người uống bia rượu vô độ vẫn nhiều. Người có cồn mà vẫn tham gia giao thông cũng không đếm xuể. Đến đây, tôi nghĩ có một vài giải pháp để giảm rủi ro cho những người hay uống.  

Nhà báo Phạm Mỹ

Đó là tạo những thói quen tốt hàng ngày khi tỉnh táo. Ví như, chọn một mũ bảo hiểm thật tốt và luyện thói quen cứ lên xe là đội mũ bảo hiểm (hoặc thắt dây an toàn với ô tô); chọn những cung đường ít người, hạn chế cao tốc để đi làm hàng ngày- trong trường hợp có lựa chọn. Theo phản xạ, lúc có men, thường người ta sẽ đi về trên những con đường quen. Thêm nữa, người uống cần để điện thoại ở tình trạng sẵn sàng còn pin. Danh bạ cũng không quên lưu những số của người thân bằng tên rõ ràng như: bố, mẹ, nhà, vợ,... Điều này rất quan trọng khi có biến cố.

Tất cả những giải pháp này chỉ là hạn chế xác suất gặp tai nạn trên đường. Còn việc lái xe uống rượu bia hoặc kể cả uống rượu bia mà không lái xe thì những hệ lụy vẫn còn nguyên đó. Và, khi người uống cầm chén rượu lên thì cũng nên nhớ, đến một ngày, việc tỉnh dậy được hay không còn phụ thuộc vào may mắn, toàn thân ê ẩm cùng tấm chăn trắng muốt thì đừng đấm tay xuống đệm. Hệ quả đó không có gì bất ngờ.