Công quán và nhà trạm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa

ANTD.VN - Vào thời Lê, bắt đầu từ bến Móc (chân cầu Long Biên hiện nay) thuộc kinh đô Thăng Long qua sông Hồng sang bến Ái Mộ (thuộc làng Ái Mộ) là đến điểm đầu của con đường Thiên Lý lên cửa khẩu ở Lạng Sơn. Đường Thiên Lý này chạy qua các làng Ngọc Lâm, Gia Quất thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Có lẽ do nằm ở vị trí quan trọng, gần ngã ba, một đường về phía xứ Đông và một đường đi phía Bắc nên làng Gia Quất xưa được các triều đại phong kiến chọn làm nơi đặt trạm dịch và công quán.

Chùa Gia Quất (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) từng là một căn cứ hoạt động cách mạng 

Trạm dịch này có đội phu chuyên chuyển lệnh của triều đình đến các trấn ở phía Bắc và phía Đông, đồng thời cũng nhận những báo cáo của các trấn chuyển về kinh cho triều đình. Trạm cũng có nhiệm vụ quan trọng là khi ở biên giới có biến báo về thì phu sẽ hỏa tốc vào báo cho triều đình. Trạm là nơi dừng chân nghỉ ngơi của dân chúng ở các trấn trước khi họ vào thăm thú kinh thành.

Ngoài trạm dịch, Gia Quất còn có công quán (nôm na là nhà khách) để đón tiếp sứ thần các nước, đặc biệt là sứ thần Trung Quốc. Sau khi chuyển giấy tờ, yêu cầu cho triều đình, các sứ thần Trung Quốc sẽ ở  công quán Gia Quất chờ đợi phản hồi. Nhiều cuộc tiễn đưa sứ bộ Trung Hoa từng diễn ra ở nhà công quán này.

Tháng 1-1804, Vua Càn Long nhà Thanh sai Án sát sứ tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong, lại ban cho Vua Gia Long gấm đoạn mãng, tức gấm thêu rồng 4 móng, là phẩm phục nhà Thanh ban cho cấp hoàng tử, công nhận chủ quyền của nước ta sau khi nhà Thanh đã bị đại bại trong cuộc xâm lược nước ta. 

Ngày 13-1-1804, Gia Long làm đại lễ tuyên phong, sai thân thần Tôn Thất Chương đến công quán Gia Quất, để nghênh tiếp sứ giả. Sau lễ tuyên phong tại hành cung Thăng Long, Gia Long đặt yến ở công quán Gia Quất, tặng biếu phẩm vật. Bố Sâm nhận lấy the, lụa, vải, sừng tê, kỳ nam, còn dư đều trả lại. Vua sai thu nhận một vài thứ để yên lòng. Bố Sâm tạ từ ra về, vua sai Tôn Thất Chương đưa đi một trạm và quan hậu mệnh hộ tống ra cửa ải.

Thời vua Minh Mạng, Binh bộ thiêm sự Lê Đại Cang được vua điều ra Bắc thành làm Biện lý bang giao sứ sự ở công quán Gia Quất lo việc đón tiếp sứ nhà Thanh. Nhờ khéo léo nhưng rất cứng rắn với sứ Thanh nên được Vua Minh Mạng khen và thăng chức Hiệp trấn Sơn Tây cho ông.

Do có công quán và nhà trạm nên Gia Quất khu vực này là nơi hội tụ của dân cư nhiều vùng về buôn bán kinh doanh. Đoạn đường Thiên lý qua địa phận làng Gia Quất xuất hiện nhiều cửa hàng, cửa hiệu quán ăn để phục vụ khách qua đường. Buôn bán, kinh doanh ở đây ngoài người Việt còn có cả người Trung Quốc. Tấm bia “Tự sự bi ký” hiện đang lưu giữ trong đình Gia Quất do Tiến sĩ Dương Hạo, giữ chức Bồi tụng, Lại bộ Tả Thị lang, tước Diên Lộc bá soạn năm Cảnh Trị thứ chín (1671), ghi lại việc ông Trần Quý công (tên thụy là Chân Phúc), người nước Minh, sống quân tử, hào phóng bỏ tiền cho quê vợ mua ruộng lưu truyền về sau.

Nhân năm Đinh Mùi (1667), ông hiến cho làng Gia Quất 38 dật bạc để chuộc lại 12 mẫu 5 sào ruộng, nên dân làng tôn ông làm hậu thần. Một tấm bia khác soạn đầu đời Nguyễn là “Hậu thần bi ký” do Hoàng giáp, nguyên Tham tụng nhà Lê là Bùi Huy Bích soạn năm Kỷ Tỵ (1809) ghi việc ông Trình Công người Quảng Đông lấy vợ là bà Hoàng Thị Cố, người làng Gia Quất. Bà Cố và con gái là Trình Thái Vinh đã cúng 150 quan tiền để làng tu sửa đền thờ thần, bà còn cúng thêm 3 mẫu ruộng làm hương hỏa nên cả hai người được tôn làm hậu thần. 

Công quán và nhà trạm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Gia Quất là làng cổ. Chùa làng ngoài thờ Phật còn thờ 4 vị làm thành hoàng, trong đó có 2 nhân thần là Đức Minh Trụ và Đức Minh Khiết, đã có công lớn giúp Vua Lý Nhân Tông đánh giặc Chiêm Thành, sau đó về sinh sống ở Gia Quất giúp dân chúng ở vùng này canh tác nông nghiệp.

Trong những năm tháng hoạt động bí mật chống Pháp, chùa Gia Quất là một căn cứ, nơi hoạt động cách mạng của các vị tiền bối, trong đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hiện phía trước tam bảo, ngay sau cổng chính có tấm bia ghi rõ ngày tháng Đại tướng Văn Tiến Dũng hoạt động ở nơi đây. Cũng nhờ sự đóng góp này mà tháng 10-2013, chùa Gia Quất được công nhận và gắn biển là “Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến”. 

Khi cầu Long Biên hoàn thành năm 1902, toàn quyền Đông Dương đã cho mở rộng đường Thiên Lý xưa từ dốc Cẩm đến Quốc lộ 5, cho rải đá dăm để thuận tiện cho các phương tiện đi lại. Rồi Nhà máy hỏa xa Gia Lâm (nay là Công ty cổ phần xe lửa Gia lâm) xây dựng năm 1905 thì khu vực làng Ngọc Lâm và Gia Quất càng nhộn nhịp, hàng quán mọc lên phục vụ công nhân hỏa xa. Năm 1917, chính quyền TP Hà Nội mở Bến xe khách Gia Lâm đi Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đặt ở gần Cầu Chui càng làm cho khu vực này đông đúc hơn. Cùng với Ngọc Lâm, Gia Quất trở thành con phố kiểu phương Tây đầu tiên ở bờ bắc sông Hồng. 

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Toàn Thắng, một xã lớn của huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh. Sau 1954, Gia Lâm thuộc Hà Nội và Gia Quất trở thành xã độc lập. Hiện Gia Quất thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên.