Có nhân văn, chẳng sợ bản sắc mai một

ANTD.VN - Bây giờ thế giới phẳng rồi, làm sao khép kín được như ngày trước, và văn hóa đương nhiên cũng không ngoại lệ.

- Sống ở thành phố của mình mà giờ đây nhiều khi tôi thấy như lạc lõng tận đâu. Hôm thì đi ra đường bỗng dưng thấy người ta hóa trang thành những hình thù kỳ dị; có hôm đường phố lại ngập tràn ông già Noel tóc đen râu trắng mặc áo đỏ đeo sừng tuần lộc. Đều là những thứ du nhập từ phương Tây, lạ lẫm thế nào ấy.

- Sao lại lạ lẫm nhỉ, tôi thấy vui mà! Cuộc sống thị thành vốn gấp gáp, căng thẳng, có thêm vài ngày lễ cũng là có thêm thời gian và không gian cho người dân giải trí, xả stress, tái sản xuất sức lao động còn gì.

- Nhưng dân mình thiếu gì ngày lễ truyền thống rồi, đâu cần có thêm những ngày du nhập đó. Thậm chí tôi thấy lễ hội truyền thống còn bị mai một vì ảnh hưởng bởi những thứ hào nhoáng ít chiều sâu của phương trời nào ấy chứ.

- Hai thứ đó hoàn toàn khác nhau, đâu thể nói vì cái này mà làm hỏng cái kia?

- Thế bác không thấy bọn trẻ bây giờ chỉ nhớn nhác lên trong những ngày Haloween hay Noel gì đó, mà nhạt nhẽo với Tết Nguyên đán, Tết Trung thu à? Có khi hỏi nguồn gốc những ngày đó còn chẳng biết, vậy mà cũng nhao ra đường, khoác lên mình những thứ… ăn theo.  

- Bây giờ thế giới phẳng rồi, làm sao khép kín được như ngày trước, và văn hóa đương nhiên cũng không ngoại lệ. Mà tại sao cứ phải câu nệ, nếu đó là thói quen tốt, đem lại những điều tốt lành thì nên khuyến khích chứ. Ví dụ nhé, bọn trẻ nghe bố mẹ nói phải ngoan, học giỏi mới được ông già Noel tặng quà nên cố gắng; hay trong đêm Giáng sinh, nhiều thanh niên đóng vai ông già Noel đi tặng quà cho người nghèo, người lao động sống trên hè phố, chẳng phải là chuyện đáng nhân rộng hay sao? Nhân văn là nền tảng cối lõi của mọi nền văn hóa, chẳng sợ bản sắc mai một vì những thứ ấy đâu bác ạ.