Chuyện vượt ngục ly kỳ và khát vọng tự do của những người ái quốc

ANTD.VN - Thời sinh viên tôi đã ấn tượng rất mạnh với nhà tù Hỏa Lò. Chả là khi ấy tôi đang là sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, ông thầy dạy tiếng Đức của tôi, thầy Tiedermann, yêu cầu mỗi sinh viên phải chọn một địa điểm ở Hà Nội để thực hành làm hướng dẫn viên du lịch. Và có lẽ vì muốn gây ấn tượng với ông thầy người Đức hoặc bị một cái gì đó cuốn hút đặc biệt nên tôi đã chọn nhà tù Hỏa Lò cho “tour” thực tập của mình.

Chuyện vượt ngục ly kỳ và khát vọng tự do của những người ái quốc ảnh 1

Ám ảnh nhà tù Hỏa Lò

Vì sao tôi lại ấn tượng mạnh mẽ với cái nhà tù được coi là lớn nhất nhì xứ Đông Dương một thời này. Bởi nhiều lý do và một trong những lý do rùng rợn nhất chính là cái máy chém trong nhà tù từ thời thực dân Pháp này.

Nhắc đến cái máy chém đã gợi bao cảm giác lạ lùng. Tôi nhớ nhà văn Victor Hugo đã miêu tả cái máy chém này một cách cực kỳ khiếp đảm trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chín mươi ba” lừng danh của ông. Cuốn tiểu thuyết viết về “Đại Cách mạng Pháp” và trong gần 1 chương, nhà văn đã miêu tả cái máy chém gần như một con quái vật vô cùng khủng khiếp, nó hầu như là vật tương xứng duy nhất ngang hàng với một tòa lâu đài cổ là địa điểm trú ẩn của phe bảo hoàng, cũng tối tăm, bi thảm và rùng rợn như cái máy chém.

Nhà tù Hỏa Lò xây dựng năm 1896, sách của Victor Hugo viết năm 1874, Đại Cách mạng Pháp năm 1793 và về mặt thời gian, cái máy chém trong sách của Victor Hugo khá gần gũi với cái máy chém mà người Pháp đưa sang Việt Nam. Năm 1789, một bác sĩ người Pháp có tên là Guilotane đã đệ trình lên quốc hội Pháp một kiến nghị đề nghị xử tử tội nhân bằng máy chém và sau khi đề nghị được phê chuẩn, người ta đã lấy luôn Guilotane đặt tên cho cái máy chém, dù vị bác sĩ không phải người phát minh ra cái công cụ này. Người Pháp đưa đến nhà tù Hỏa Lò 2 máy chém và thường xuyên đưa đi nó các nơi để thực hiện nhiệm vụ khủng bố của mình. Nhưng theo cụ Nguyễn Văn Uyển, một người nghiên cứu lịch sử Hà Nội thì ở Hỏa Lò không phải có hai máy chém mà là ba cái, hai cái lớn, một cái nhỏ.

Kinh hoàng với “phát minh” ghê rợn

Và lịch sử tuy tàn khốc nhưng chưa bao giờ mất hết dấu vết của mình. Một cái máy chém hiện giờ vẫn còn được lưu giữ trong khu di tích nhà tù Hỏa Lò và có lẽ là một trong những hình ảnh ám ảnh nhất với khách tham quan. Hình thù của cái máy chém bao giờ cũng tạo một ấn tượng khủng khiếp, 2 cái trục bằng gỗ xám xịt cao 4m, một lưỡi dao vát nặng 5kg, gắn vào một đế kim loại nặng khoảng 20kg để tăng gia tốc khi rơi. Khi đao phủ rút chốt và giật dây thì lực rơi của nhát dao cỡ 60kg. Như vậy tay đao phủ không cần phải múa đao tập chém chuối như nhà văn Nguyễn Tuân từng mô tả nữa, mà bất cứ cái đầu người nào cũng không thể chịu nổi sức chém khủng khiếp của thứ công cụ này. Và cũng theo cụ Nguyễn Văn Uẩn, tay đao phủ cuối cùng ở nhà tù Hỏa Lò là Cai Công.

Và tôi đang đứng trước cái máy chém mà hồi tưởng. Biết bao tử tù đã bỏ mạng vì cái “phát minh” ghê rợn này. Thực dân Pháp đã di chuyển máy chém lên Yên Bái để chém những đồng chí trong vụ khởi nghĩa Yên Bái của lãnh tụ Nguyễn Thái Học và những tử tù này cũng từng bị giam cầm ở Hỏa Lò trước khi đưa đi hành hình.

Những tử tù lừng danh dưới máy chém

Mười ba tử tù bị chém trong vụ binh biến Yên Bái, người có chí khí hiên ngang nhất lúc ấy là Phó Đức Chính. Khi bị tuyên kết án tử, Phó Đức Chính là người duy nhất không kháng án, và trong 13 tử tù bị chém ở Yên Bái, ông là người bị chém thứ 12 và thậm chí ông còn yêu cầu được nằm ngửa để nhìn thấy lưỡi dao oan nghiệt đã giết những đồng chí của ông như thế nào.

Ngoài việc di máy chém đi các nơi, cũng có những người bị chém ở ngay cửa Hỏa Lò, những tử tù lừng danh bị chém ở Hỏa Lò có thể kể đến Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con), Nguyễn Hoàng Tôn… Đoàn Trần Nghiệp (1908-1930) từng là Trưởng ban ám sát của Quốc dân Đảng, chính ông là người đã chỉ huy cuộc bạo động chống Pháp ở Hà Nội bằng cách đánh bom. Trận bạo động đó tuy bất thành nhưng cũng khiến cho người Pháp khiếp đảm và ra sức truy lùng Đoàn Trần Nghiệp, cái đầu của ông được treo thưởng với giá 5.000 đồng, một số tiền rất lớn khi ấy.

Còn Nguyễn Hoàng Tôn (1914-1932) là một thanh niên yêu nước rất trẻ, quê ở làng Trích Sài ven hồ Tây. Nguyễn Hoàng Tôn khi bị bắt đã có thái độ rất ngoan cường, anh cũng từ chối sự ân xá của kẻ thù xâm lược. Cả hai người con lẫm liệt đó của Hà Nội giờ đã được đặt tên đường như một sự tôn vinh sự hy sinh anh dũng của họ với Tổ quốc.

Chuyện vượt ngục ly kỳ và khát vọng tự do của những người ái quốc ảnh 2Nhà tù Hỏa Lò - nơi gây ám ảnh với khách đến tham quan

Câu chuyện vượt ngục công phu 

Quay lại lịch sử xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù được xây trên đất thôn làng Phụ Khánh, làng vốn có nghề truyền thống làm ấm, siêu, bếp lò bằng đất nung, tên Nôm của làng là Hỏa Lò. Người Pháp gọi nơi này là nhà tù Trung Tâm và phố đặt nhà tù gọi là phố Nhà Tù, giờ thì phố trở lại tên xưa của làng, phố Hỏa Lò.

Trước khi xây dựng Hỏa Lò, người Pháp đặt nhà tù tạm ở phố Mã Mây, sau khi nhà tù xây xong thì chuyển về đây. Nhà tù được xây dựng rất chắc chắn, các bức tường xây bằng đá tảng kiên cố, tường bao quanh cao trên 5m, trên cắm chi chít mảnh chai. Mái nhà tù lợp ngói nhưng hệ thống cửa, khóa bên trong rất vững chãi.

Tôi đã ngắm nhìn và xem xét những cửa sắt, ổ khoá, then cài ở Hỏa Lò. Nhiều lớp, dầy cộm và tưởng chừng khó ai có thể trốn thoát nổi. Và sự khủng khiếp nhất ở nhà tù này là những “ngục tối” (cachot) dành cho những tù nhân vi phạm nội quy hoặc có hành vi chống đối. Phòng cachot nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, tù nhân bị nhốt biệt lập, cùm chân, ăn ngủ vệ sinh tại chỗ…

 Nhưng sự oái oăm nằm ở chỗ cái nhà tù được mệnh danh kiên cố bậc nhất này đã chứng kiến nhiều cuộc vượt ngục. Năm 1945 có 100 tử tù chính trị vượt ngục, năm 1953 là 16 tử tù và những câu chuyện vượt ngục của những tử tù này vô cùng công phu và ly kỳ.

Các cuộc vượt ngục được chuẩn bị rất kỹ càng và lâu dài, từ việc tìm cách rút chân ra khỏi cùm để rèn luyện sức khỏe, lấy axít, cưa sắt để cắt khóa cửa xà lim, đánh trộm khóa nhà ngục, nghiên cứu bản đồ hệ thống cống ngầm Hà Nội… Không phải cuộc vượt ngục nào cũng thành công nhưng nó đã làm suy tổn hình ảnh một trong nhà tù khét tiếng nhất của người Pháp.

Tù Hỏa Lò có đủ loại tù nhân, từ tù thường phạm tới tù chính trị và cả người nước ngoài, trong đó nổi tiếng nhất là những tù chính trị tham gia các phong trào chống Pháp. Những tù nhân nổi tiếng ở nhà tù Hỏa Lò, những lớp đầu tiên có thể kể đến Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền…lớp sau là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng…; và đặc biệt có 5 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã từng bị giam giữ ở đây là Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.

Ánh sáng nơi ngục tù

Thời chống Mỹ, Hỏa Lò trở thành nơi giam giữ những phi công Mỹ bị bắt khi ném bom đánh phá miền Bắc và đám phi công này đã hài hước gọi nơi này là Hilton - Hỏa Lò. Hilton là một tập đoàn khách sạn sang trọng và lớn bậc nhất của người Mỹ và dù bị cầm tù  nhưng những phi công này vẫn được hưởng những chế độ khá so với cuộc sống bình thường của người dân miền Bắc lúc đó và trong số những người này, có 2 tù nhân sau này rất nổi tiếng và có nhiều mối liên hệ với Việt Nam. Đó là Thiếu tá John Mc Cain, sau trở thành thượng Nghị sĩ Mỹ, 2 lần ra tranh cử Tổng thống Mỹ và Đại úy Douglas Peter Peterson, người trở thành đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Phố Hỏa Lò bây giờ không còn khủng khiếp như một thời xa xôi nữa, dọc con phố tương đối ngắn này giờ là một hàng sấu rất xanh tốt. Lá sấu xanh non như không hề biết đến ngay bên trong lớp tường đá kia là một nơi được coi là “địa ngục trần gian” của những người Việt Nam yêu nước. Trong khuôn viên nhà tù còn một chứng nhân nữa mà tôi muốn nói đến, đó là một cây bàng cổ thụ ngay trong sân nhà tù. 

Tôi đến thăm nơi cũ vào một ngày đông, những lá bàng đỏ thắm, lãng mạn giữa trời đông giá rét gợi một vẻ yên bình cho một nơi từng rất đáng sợ này. Dưới gốc bàng cổ thụ là nơi trao đổi, học tập, rèn luyện ý chí cách mạng của các tù nhân cũng như chứng kiến bao sự đau khổ ác độc của chế độ nhà tù. Một cây bàng cổ thụ đẹp hiếm có giữa lòng nhà tù mà thấy bớt thê lương về một thời quá vãng. Và cạnh đó, tháp Hà Nội vươn cao hào nhoáng được xây dựng ngay trên mảnh đất của nhà tù năm xưa. Thế mới biết, nơi đau khổ, ngục tù tối tăm cũng có thể trở thành nơi sáng láng, giàu có, sạch đẹp. Nhà tù có thể giam giữ được thân thể con người chứ không giam được ý chí, lòng ham sống và khát vọng tự do của những người ái quốc.