Chuyện về phủ Tây Hồ

ANTD.VN - Phủ Tây Hồ nằm ở làng Tây Hồ. Làng này là doi đất ăn ra hồ Tây. Thời Lý, Trần do có vị trí đẹp, khí hậu tốt nên các vua xây cung ở đây nghỉ ngơi nên mới có tên là xóm Cung, rồi cung đổ nát, các quan xây phủ, dân quanh vùng gọi là xóm Phủ. 

Biển người đổ về phủ Tây Hồ cầu tài lộc trong ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Đời Hậu Lê, làng là nơi binh sỹ triều đình luyện tập bắn cung vì thế làng lại có tên Trường Bắn. Ở Trường Bắn có mô hình kẻ thù bằng rơm cho binh sỹ luyện tập nên cũng có tên là Núi Bia. Sau 1954, xóm Cung đổi thành Quảng Khánh và làng Tây Hồ nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. 

Xưa dân Tây Hồ chủ yếu là làm ruộng, hái sen và đánh bắt cá hồ Tây. Trong làng có vài nhà làm nghề xe chỉ, có nhà làm “bùa tua bùa túi” tức là khâu các quả bằng mụn vải nhiều màu sắc cho trẻ đeo vào dịp Tết Đoan Ngọ.  Đầu thế kỷ XX, Tây Hồ có thêm nghề mới là trồng hoa và  quất chơi Tết. Quất thì nhiều làng trên đất Việt Nam trồng nhưng trồng quất ép quả chín vàng vào đúng dịp Tết thì chỉ có dân Tây Hồ làm được. Và từ Tây Hồ, trồng quất chơi Tết lan ra Tứ Liên. Dù quất cảnh lan tỏa khắp nơi nhưng người ta biết đến làng Tây Hồ vì phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh. 

Phần lớn các tư liệu nghiên cứu đều cho rằng phủ  được xây  từ thế kỷ XVI, có sách còn cụ thể thời gian là thời vua Lê Anh Tông (1557-1573). Và chính Trạng Bùng  đã huy động sức dân lập phủ để kỷ niệm cuộc hội ngộ xướng họa thơ phú. Lại còn có sách nói rằng cuộc gặp giữa Trạng Bùng và Liễu Hạnh do chính Phùng Khắc Khoan kể lại nhưng không nói ở sách nào.

Tuy nhiên mảng tư liệu Hán Nôm gồm: “Lịch triều hiến chương loại chí” (Phan Huy Chú, 1782-1840), “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn in vào triều Duy Tân 1907-1916), “Thăng Long cổ tích khảo” và “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” (Đặng Xuân Khanh)… đều không đề cập đến phủ Tây Hồ. Các tư liệu  mới bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ gồm: “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính, xuất bản năm 1915), “Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam và Văn minh Việt Nam” (Nguyễn Văn Huyên) cũng không nói gì đến di tích tín ngưỡng này.

Sách “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” và “Thăng Long cổ tích khảo” có nhắc đến đền Kim Ngưu tức là ngôi đền nằm ngay cạnh phủ (ngày này được xem là một bộ phận của cụm tín ngưỡng phủ Tây Hồ). Cả hai cuốn cũng không nói đến phủ hay Bảo Khánh linh từ. Sách “Tây Hồ chí” ra đời trong  nửa đầu thế kỉ 20 cũng không nhắc gì đến phủ  dù có nói  nhiều đến hồ Tây. Cuốn “Việt Nam phong tục” có mục Thanh đồng nói về việc thờ đức Thánh Trần, và mục Đồng cốt nói về việc thờ các công chúa, nữ thần như Liễu Hạnh công chúa, thượng ngàn công chúa song Phan Kế Bính chỉ nhắc đến đền Lộ, phủ Giầy, không thấy nhắc đến phủ Tây Hồ. 

Theo nghiên cứu và công bố năm 2008 của Chu Xuân Giao và Phan Lan Hương (Viện Nghiên cứu văn hóa), sau đó là nghiên cứu khá toàn diện  của Chu Xuân Giao đã đưa ra quan điểm khác. Từ đọc các văn bản liên quan, đi thực tế, đọc các câu đối và cả các sắc phong ở phủ, Chu Xuân Giao đi đến kết luận: “Định thuyết trước nay cho rằng phủ Tây Hồ được xây dựng vào thế kỷ XVI  là không có cơ sở tư liệu vững vàng; nói cách khác: không thể có phủ Tây Hồ  từ thế kỷ XVI”.

Cũng theo ông Chu Xuân Giao thì phủ Tây Hồ như ngày nay được hình thành rất muộn, có lẽ là vào giai đoạn cuối của thời Nguyễn (thời Bảo Đại, thậm chí có thể là trong thập niên 1940). Ông Giao đưa ra mốc thời gian năm 1943 vì năm này có một cuộc đại trùng tu tại khuôn viên phủ ngày nay. Bởi vậy, có thể bức hoành phi mang niên đại 1943 đã được dâng tiến trong hay sau cuộc trùng tu đó. Thêm nữa, cùng năm 1943, người trưởng họ Trần ở Tiên Hương, tỉnh Nam Định là Trần Cung Phức cũng đã dâng tiến phủ Tây Hồ một đôi câu đối có ghi niên đại rõ ràng (mùa xuân năm Quí Mùi niên hiệu Bảo Đại).

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Ông Chu Xuân Giao kết luận: “Phải chăng lần trùng tu năm 1943 là lần trùng tu mang tính quyết định, đã tạo ra sự chuyển đổi một cách cơ bản về nội dung tín ngưỡng của ngôi đền Bảo Khánh linh từ, đưa nó sang thành dạng như phủ Tây Hồ ngày nay”. 

Bảo Khánh linh từ là ngôi đền của thôn Bảo Khánh, bên cạnh đền này có một ngôi chùa nhỏ. Một cách chính xác: cả khuôn viên phủ Tây Hồ ngày nay được gọi chung là Bảo Khánh linh từ. Trong linh từ đó, có phần thờ thần (bên đền) và phần thờ Phật (bên chùa). Nhưng vì sao Bảo Khánh linh từ lại chuyển thành phủ Tây Hồ? Ai đã bỏ tiền xây dựng?

Tại sao đang gọi là đền lại chuyển sang gọi thành phủ? Hai câu hỏi trên  chưa có lời giải đáp còn câu thứ ba thì Chu Xuân Giao giải thích: “Bản thân chữ “phủ” như trong cách gọi “phủ Giầy”, “phủ Tây Hồ” hay “phủ Na”… không thấy xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí”. Chu Xuân Giao cho rằng chắc chắn trước thế kỷ XVIII, chữ “phủ” hay “phủ thờ” đã rất thông dụng trong tiếng Việt. Trong cuốn “Mặt gương Tây Hồ” nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc nhận định: “Những nơi thờ mẫu gọi là đền nhưng đặc biệt những nơi có liên quan mật thiết với Mẫu Liễu Hạnh (nơi sinh, nơi hiển thánh)… thì gọi là phủ”. Lý giải đó nghe hợp lý. 

Từ sáng mùng 1 Tết cho đến hết tháng Giêng, từ sáng cho đến tối lúc nào phủ cũng chật cứng người chắp tay cầu khấn. Và từ  Tết Kỷ Hợi này, phủ Tây Hồ đã được cải tạo lại rộng hơn trước rất nhiều nhưng vẫn chật chội khi đông đảo các tín nhân về đây lễ bái, cầu cúng.