Chuyện về những dòng sông, cái hồ "thắc thỏm"

ANTD.VN - Hà Nội là đô thị bao bọc trong mình những sông hồ, mà bản thân tên ấy cũng được hiểu là “thành phố trong sông”. 

Luôn được nạo vét thường xuyên nhưng sông Tô Lịch đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng Ảnh:Lam Thanh

Hà Nội trước kia có hệ thống sông ngòi, ao hồ, kênh rạch lớn. Tuy nhiên cùng với tốc độ công nghiệp hóa và sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, nhiều cái dần bị lấp đi, nhường chỗ cho sự mọc lên của các tòa nhà, hàng quán.

Lần về lịch sử, trước kia vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội) từng đi thuyền trên sông Tô Lịch - một nhánh của sông cổ Nhĩ Hà. Hình ảnh vua ngự thuyền rồng dạo trên sông Tô vừa trong vừa mát đã từng đi vào ca dao, ghi lại dấu ấn về vẻ đẹp trong trẻo của Hà Nội thời bấy giờ. Tài liệu xưa ghi lại, sông Tô xưa nước đầy ắp, dân Kẻ Chợ sống ở hai bên bờ sông buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền. 

Giờ xuôi theo dòng sông có cái tên rất nên thơ này, cảm giác tiếc nuối khi dáng dấp của con sông Tô năm nào không còn nữa. Thậm chí, chẳng hiểu từ bao giờ người ta gọi lái tên của dòng sông này thành “sông Tô mà chưa Lịch” ý chỉ sự biến mất của vẻ đẹp trong trẻo tự nhiên khi xưa.

Dù rằng lòng sông thi thoảng được nạo vét và bờ được kè để làm sạch và chống lấn chiếm, song sông rất ô nhiễm. Nhiều ao hồ xung quanh con sông này cũng đang phải đối mặt với sự thay đổi đáng buồn ấy. Có rất nhiều lý do để lý giải cho sự thay đổi này, nhưng có một thực tế khiến người ta không khỏi băn khoăn, đó là tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm lại chính là ý thức con người.

Với mật độ cư dân dày đặc, mỗi người chỉ cần ném ra một túi rác, tất cả sẽ “đóng góp” vào sự hủy hoại môi trường của bất cứ một dòng sông hoặc ao, hồ nào. 

Lần về lịch sử, trước kia vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội) từng đi thuyền trên sông Tô Lịch. Hình ảnh vua ngự thuyền rồng dạo trên sông Tô vừa trong vừa mát đã từng đi vào ca dao, ghi lại dấu ấn về vẻ đẹp trong trẻo của Hà Nội thời bấy giờ. 

Đi qua những hồ ở Hà Nội (có lẽ ngoại trừ hồ Gươm), rất dễ bắt gặp cảnh ai đó cầm túi rác ném vèo, may lắm thì túi rác không rơi tõm xuống nước. Có bận, tôi bắt gặp cảnh chiếc xe ô tô phía trước đang di chuyển phía đoạn đường quanh hồ Tây bỗng dưng đỗ xịch lại ven đường, lái xe mở cửa lao rất nhanh xuống đoạn rìa hồ rồi hồn nhiên “tiểu tiện”, mặc kệ các xe phía sau bị ùn ứ tìm cách lách lên.

Bận khác, đang ngồi uống cà phê gần hồ Trúc Bạch, tôi thấy một người đàn ông bán rong dựng xe đạp ngay ngắn rồi ngồi thụp xuống đoạn rìa hồ trước mặt vô tư “đại tiện”. Người ta chắc sẽ lý giải hành động như trên vì muốn nhanh, tiện và thoáng đãng, cũng có những người bất đắc dĩ phải xử lý vì không  thấy điểm vệ sinh công cộng. Nhưng dù vì lý do gì, thì cách đối xử trên không chỉ thiếu văn hóa mà còn thật tệ với những cái hồ. 

Chưa kể, với nhiều hộ dân sinh sống xung quanh những cái hồ thì đây còn là nơi lý tưởng để trút tro vàng mã đốt xong. Lại nói đến hồ Tây, nhất là đoạn từ ven đường Thanh Niên chạy dài đến đường Lạc Long Quân, hàng quán mọc lên kìn kìn, nhiều nhất vẫn là quán ăn và quán cà phê. Kê ghế trong nhà chưa đủ, nhiều hàng bê ghế sang kê la liệt ở cả vỉa hè đối diện nằm sát hồ.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Ở các đoạn khác, các quán “cóc” thi nhau rải chiếu bán đủ thứ từ nước uống, đồ “nhắm” đến đồ ăn nhẹ. Không ít khách ngán ngẩm khi mình đứng dậy, ngay lập tức cả chiếc chiếu kia được cuộn lại rồi bao nhiêu rác ở trong đó được rũ thẳng… xuống hồ. Nước uống thừa ở những chiếc cốc cũng vậy, dù là nước gì cũng đều được hắt thẳng ra hồ!

Mấy năm trước, tôi từng có dịp đến Seoul (Hàn Quốc). Một trong những địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến khi đến đô thị này đó là suối Cheonggyecheon hay còn gọi là suối Cheonggye, một dòng suối nhỏ dài 5,8 km chảy len lỏi qua khu trung tâm thành phố Seoul, Hàn Quốc.

Dòng suối này từng được đặt tên là Gaecheon (“suối mở”) khi triều đình  tiến hành cải tạo lần đầu tiên để xây dựng một hệ thống thoát nước trong kinh đô dưới thời Joseon. Khi ấy, con suối này là nơi giặt quần áo của các bà nội trợ, và chơi đùa của đám trẻ con. Năm 1958, con suối bị đổ bê tông lấp, làm thành đường.

Năm 2003, ông Lee Myung Bak - thị trưởng Seoul khi đó đã đưa ra ý tưởng khôi phục lại dòng suối bất chấp sự phản đối từ nhiều phía bởi đây là một đề án vô cùng khó triển khai. Tuy nhiên, giờ đây dòng suối này không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà  bất cứ ai đến đây cũng đều ghé thăm, mà về mặt không gian nó đã biến chuyển từ con đường bê tông nóng bức trở thành một không gian trong lành mát rượi, kéo giảm nhiệt độ của thành phố xuống. 

Nếu xét trên khía cạnh này, Hà Nội có sẵn nhiều sông hồ hơn một con đường bê tông của xứ Hàn, tuy nhiên vấn đề mà Hà Nội phải đối mặt không phải là phá dỡ những hình khối công nghiệp ấy để đem lại một con suối, lòng hồ, mà vấn đề là khắc phục những tồn tại về môi trường mà nó đang có. 

Tuy nhiên, sông, hồ ở Hà Nội không  tách rời hoàn toàn với sinh hoạt xả thải của người dân, mà nó gắn chặt với đời sống mỗi người dân đô thị. Suy cho cùng, để cải tạo sông, hồ bên cạnh giải pháp phù hợp cần một thái độ trách nhiệm của người dân.