- Yên Phụ - vùng đất đãi ngoại kinh đô Thăng Long xưa
- Công quán và nhà trạm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa
- Hà Nội vừa ăn Tết, vừa đánh giặc
Năm 1883, hơn 85% đất trong khu “36 phố phường” và khu vực xung quanh là đất tư
Đến đời Lê, chính sách về đất đã có những thay đổi lớn. Ngay sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi Đại Việt, năm 1428, Lê Lợi đã tiến hành một cuộc tổng điều tra dân số và diện tích đất canh tác, đất ở tại Thăng Long, đồng thời tiến hành chia ruộng đất cho các hộ dân (gọi là khẩu phần điền). Lần đầu tiên trong lịch sử, đất được chia làm hai loại: công và tư.
Chính sách tư hữu đất được nông dân hưởng ứng vì ai cũng muốn có một phần đất riêng. Nhà nước chỉ đánh thuế đất công, không đánh thuế đất tư bởi diện tích đất công lớn hơn. Dù có chính sách khẩu phần điền, dân được quyền chuyển nhượng đất tư nhưng việc mua bán diễn ra nhỏ lẻ. Nguyên nhân chính là thời Lê Sơ (1428-1527), Nhà nước mở xưởng Bách tác sản xuất hàng hóa, bắt thợ giỏi vào xưởng làm việc nên sản xuất ở khu vực tư nhân đình trệ. Nhà nước lại có chính sách trọng nông, ức thương mà “phi thương bất phú”, không có tiền đã tác động đến mua bán đất đai, ruộng vườn.
Vì chính sách ức thương nên xuất hiện kiểu mua ruộng “kỳ lạ” khiến làng Mai Động (nay là phường Mai Động, quận Hoàng Mai) phải chấp nhận. Chuyện là cháu chúa Trịnh sống ở Lạc Trung (thuộc phường Thanh Lương ngày nay) có đàn ngựa, một lần đàn ngựa này phá lúa của làng Mai Động, dân không biết đã đánh chết ngựa nên cháu nhà chúa bắt đền tiền đúng bằng con ngựa. Dân Mai Động chưa biết làm cách nào thì một người làng Quỳnh Lôi (nay là phường Quỳnh Lôi) nói rằng nếu trả bằng ruộng ông ta sẽ giúp. Làng Mai Động đồng ý và ông này đã đan con ngựa bằng nan tre to như ngựa thật để dân Mai Động bỏ tiền vào. Kẻ có ngựa bị đánh chết đồng ý, thế là Mai Động phải trả ruộng cho ông ta.
Rồi các chúa cần tiền xây lầu, ăn chơi nên đã nới lỏng lệnh cấm buôn bán, giảm độc quyền sản xuất hàng thủ công của Nhà nước để thu được nhiều thuế hơn. Quy định mới đã tạo cơ hội cho các làng nghề ào ra Thăng Long, vì thế sản xuất và buôn bán phát triển, nhiều gia đình trở nên giàu có. Theo nhà truyền giáo Filppo de Marini (năm 1663): “Mỗi phố đều treo một tấm biển gỗ, trên đó có tên mặt hàng, danh sách các cửa hàng nên đến và không nên đến”. Người giàu có ở Thăng Long nhiều hơn. Họ mua thêm đất để mở rộng xưởng thuê thêm thợ, một số về quê mua ruộng vì chức sắc nhiều làng đã lén lút bán ruộng công mà lẽ ra đất này để chia cho các hộ nghèo. Vì thế năm 1722, Nhà nước bắt đầu thu thuế đất tư.
Đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn vào năm 1806. Nối tiếp các triều vua trước, Gia Long vẫn thực hiện hai chế độ sở hữu đất và đất đai đã trở thành thứ hàng hóa có giá trị nhất trong xã hội. Đặc biệt nhà ở khu vực “36 phố phường” càng ngày càng đắt vì dân đông đúc hơn và buôn bán tự do hơn. Năm 1883, hơn 85% đất trong khu “36 phố phường” và khu vực xung quanh là đất tư. Nhưng ở phía Tây và Tây Bắc là Xuân La, Xuân Đỉnh, Liễu Giai, Ngọc Hà, Đại Yên... ngày nay đất công vẫn chiếm hơn 80%. Theo địa bạ triều Nguyễn để lại, ba phần tư khu vực châu thổ sông Hồng được tư hữu hóa.
Bất động sản Hà Nội có sự thay đổi lớn từ khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp năm 1888. Chính quyền công khai chiếm đất công của các làng để bán và làm quỹ đất. Chế độ khẩu phần điền từ thế kỷ XV không còn được phân chia một cách công bằng. Người có chức quyền trong làng lợi dụng quyền thế chiếm đất và lén lút bán một phần trục lợi. Ngày 15-3-1892, toàn quyền Đông Dương Chavassieux đã ký nghị định đánh thuế bất động sản ở Hà Nội, theo nghị định này nhà xây có gác phải nộp 5 xu/m2/năm, nhà lá là 0,0125 xu/m2/năm, ao hồ, đất không xây dựng cũng thu 0,0125 xu/m2/năm. Ngày 27-1-1893, Chavassieux lại ký tiếp nghị định chia 4 hạng phố để thu thuế. Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử bất động sản, chính quyền đã thu thuế nhà ở, theo báo “Người Đông Dương” (Indo- Chinois), việc thu thuế nhà đã “đẩy giá nhà ở Hà Nội cao gần gấp đối so với trước đó”.
Ngay sau khi trở thành nhượng địa, chính phủ Pháp muốn xây dựng Hà Nội thành một thành phố lớn nhưng vì đất quá hẹp nên họ bỏ qua triều đình nhà Nguyễn cho lấp hồ ao ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm, di chuyển dân vùng này đi nơi khác tạo ra quỹ đất lớn để mở rộng thành phố. Tham gia mua bán đất ở đây chủ yếu là người Pháp và người Việt Nam nhiều tiền, Hoa kiều không đầu tư lĩnh vực này, họ chỉ tập trung vào thương mại.
Tháng 8-1906, chính quyền cấm làm nhà tranh trên toàn thành phố và nếu chủ nhà không có tiền để làm nhà gạch sẽ phải ký vào “Hợp đồng phá bỏ nhà tranh và từ bỏ quyền sở hữu đất để di dời”. Những gia đình nằm trong trường hợp này khá nhiều, vì thế thành phố lấy cớ để chiếm đất với giá rẻ mạt là 0,1 đồng/m2 để rồi sau đó bán lại với giá gấp 20 lần. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không động đến đất vùng ngoại vi.
Đầu thế kỷ XX, tiền thuế mua bán đất là 2%, và người mua có trách nhiệm nộp ở phòng thuế tòa đốc lý. Hộ phố (như Chủ tịch phường hiện nay) có trách nhiệm đôn đốc người mua nên rất khó trốn thuế. Tình trạng trốn thuế chỉ xảy ra ở vùng ngoại vi và giá trị mua bán nhỏ.