Chuyện bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu

ANTD.VN - Những người cao tuổi sống lâu năm ở Hà Nội khi nói đến bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu không ai là không biết. Biết bởi vì thời thực dân Pháp đô hộ, nếu bị bắt và nhốt ở hai bốt này sẽ bị “đội cẩm” đánh cho nhừ tử.

Chuyện bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu ảnh 1Bốt Hàng Trống nằm bên bờ hồ Gươm năm 1950

Lịch sử của bốt Hàng Trống

Khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, một trong những việc đầu tiên là họ lập lực lượng cảnh sát để bảo vệ an ninh trật tự (người dân quen gọi là đội cẩm). Ngày 18-2-1884, lực lượng cảnh sát người Âu ra mắt, nhưng đến 20-3-1892, chính quyền đã tổ chức lại vì Hà Nội là thành phố nhượng địa, mọi hoạt động xã hội đều phải theo luật của Pháp, luật của triều Nguyễn bị coi là không có giá trị. Tổng số cảnh sát là 59 người, trong đó có 26 người Âu và 33 người Việt. Trụ sở ban đầu đặt ở phố Hàng Tre, sau chuyển về Tràng Thi.

Để cảnh sát có nơi làm việc và giam giữ tạm thời, chính quyền đã lập bốt Hàng Trống (nay là trụ sở CAQ Hoàn Kiếm). Chữ bốt có lẽ là xuất xứ từ chữ Dépôt trong tiếng Pháp, từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là nơi giam giữ. Sở dĩ dân chúng gọi là bốt Hàng Trống vì nó nằm ở cuối phố Hàng Trống. Trước năm 1954, phố Hàng Trống bắt đầu từ phố Nhà Thờ kéo xuống đầu phố Tràng Thi, còn phố Lê Thái Tổ rất ngắn, chỉ từ đài phun nước ở quảng trường Đông Kinh nghĩa thục đến nhà Khai Trí Tiến Đức. Sau 1954, chính quyền thành phố điều chỉnh lại và phố Hàng Trống bắt đầu từ ngã ba Hàng Gai kéo dài đến hết khách sạn Phú Gia (nay là khách sạn Apricot), còn phố Lê Thái Tổ thì kéo dài đến Tràng Thi.

Chuyện bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu ảnh 2Bốt Hàng Trống nay là trụ sở CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ngược dòng thời gian, khi chiếm thành Hà Nội năm 1883, đình làng Phúc Tô bị lấy làm nơi đóng quân của một tiểu đoàn lính Pháp. Rồi chính quyền lấy đất làm đường quanh hồ Gươm thì dân làng Phúc Tô phải chuyển đi hết, tiểu đoàn lính Pháp cũng dọn vào thành nên năm 1892 chính quyền cho phá đình làng để xây bốt. Dãy nhà 2 tầng chạy dọc theo phố Hàng Trống và Tràng Thi được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, có tầng áp mái để chống nóng lợp ngói ardoise mang từ Pháp sang.

Đây là nơi làm việc của bộ phận hành chính và phòng trực. Sở dĩ bốt có kiến trúc này vì thời kỳ đầu chiếm đóng Hà Nội, để đỡ nhớ quê hương, nhiều trụ sở, cơ quan, được người Pháp cho bê nguyên kiến trúc từ cố quốc. Bên bốt trong có dãy nhà giam giữ những người phạm tội, sàn của buồng giam lát gỗ lim. Có bếp ăn, phòng ăn, cách nhà bếp một khoảng sân có nhà ở dành cho chỉ huy. 

Chuyện bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu ảnh 3Ngày 9-10-1954, các chiến sĩ Việt Minh tiếp quản trụ sở Cảnh sát Quận 2 (tức bốt Hàng Đậu)

Nhiệm vụ của cảnh sát là giữ trật tự đường phố, người Việt hay người Pháp nếu vi phạm luật chính quốc, nghị định của Toàn quyền Đông Dương, của Thống sứ Bắc Kỳ, Đốc lý Hà Nội sẽ bị xử phạt. Bốt Hàng Trống là nỗi khiếp sợ không chỉ của dân anh chị mà còn cả  dân thường. Có khi chỉ vì đi vệ sinh bừa bãi cũng có thể bị cảnh sát đưa về bốt. Năm 1930, bốt bị học sinh trường Kỹ nghệ thực hành ném mấy quả bom xăng để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Yên Bái. 

Cuối tháng 8-1945, Ty Cảnh sát Bắc bộ được Việt Minh thành lập và lấy bốt Hàng Trống làm trụ sở. Cảnh sát Quận I (thuộc Ty Cảnh sát Bắc bộ) cũng nằm cùng trong khu vực này. Đêm 19-12-1946, khi quân Pháp nổ súng tấn công nhiều vị trí trong thành phố, Cảnh sát Quận I đã thả 20 phạm nhân, tuy nhiên những phạm nhân này không trở về nhà mà ở lại cùng với 43 chiến sĩ chống quân Pháp. Khi quân Pháp tái chiếm được vị trí này thì họ lại dùng làm bốt như trước và bốt trở thành chỗ giam giữ tội phạm cũng như các chiến sỹ cách mạng.

Có một chuyện ly kỳ về bốt này. Tháng 8-1954, trước ngày tiếp quản Thủ đô 2 tháng, cảnh sát bắt được kẻ ăn trộm xe đạp tên là Cơ. Cơ nổi tiếng vì từng ăn cắp tới 60 chiếc xe, nhưng do không bắt được quả tang nên cảnh sát không thể đưa ra truy tố. Hôm đó Cơ đang loay hoay phá khóa thì bị đội cẩm túm được đưa về đồn. Nhưng Cơ cũng là tay không vừa, gã dùng sức bẻ cong chấn song cửa sổ phòng giam thoát ra, rồi leo qua mái các nhà bên cạnh (tương ứng với số nhà 42 - 44 - 46 Lê Thái Tổ ngày nay), chui vào gầm bàn thờ nhà cụ Phúc Thái để chờ buổi sáng gia đình mở cửa sẽ thoát ra.

Nhưng lúc tờ mờ sáng cụ Phúc Thái dậy tụng kinh niệm Phật thấy một thanh niên chắp tay lạy lia lịa, cụ hoảng quá định hô hoán. Nhưng Cơ van xin và trình bày cơ sự, vốn là người tu tại gia nên cuối cùng cụ mở cửa cho Cơ ra ngoài. Theo thời gian, dù bốt được đổi tên nhưng dân chúng vẫn quen gọi là bốt Hàng Trống. 

Chuyện bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu ảnh 4Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc vẫn hay bị gọi nhầm thành bốt Hàng Đậu

Bốt Hàng Đậu và các giai thoại

Cho đến nay vẫn không ít người nhầm lẫn gọi trạm cấp nước Hàng Đậu là bốt Hàng Đậu. Đầu thế kỷ 20, bốt Hàng Đậu (nay là trụ sở CAP Đồng Xuân) nằm ở bên số lẻ cuối phố Hàng Đậu, tuy nhiên  đây cũng là đầu phố Hàng Giấy, nhưng vì bên cạnh không có nhà nên dân chỉ gọi là bốt Hàng Đậu. Bốt này nguyên là nhà tư của một người Pháp xây đầu thế kỷ 20. Khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), chủ nhà  bị gọi lính nên phải trở về Pháp gia nhập quân đội. Năm 1915 chính quyền mua lại ngôi nhà để lập đồn cảnh sát. 

Cũng đầu thế kỷ 20, phố Hàng Giấy được gọi là “phố ca quán” vì có nhiều các cô hát ca trù. Nhiều ông chồng thường trốn vợ lên đây hát và nói trại là đi “đập trống”. Từ khi có đồn, cảnh sát đã cấm xe tay, cấm tụ tập hát đêm, nhiều người đi hát cũng ngại cảnh sát Pháp nên không đến hát nữa. Đầu thập niên 20, các ca quán chuyển về ấp Thái Hà nhưng bị dân anh chị bắt nạt nên đành phải  chuyển  sang phố Khâm Thiên. Bốt cảnh sát Hàng Đậu cai quản khu vực phía Bắc Hà Nội, trong đó có chợ Đồng Xuân.

Bốt Hàng Đậu xưa có chuyện liên quan đến nhà văn Nguyễn Tuân. Một đêm cuối thập niên 30 thế kỷ trước, các nhà văn Vũ Bằng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Phùng Bảo Thạch… đi hát cô đầu ở Khâm Thiên thì  bắt gặp Nguyễn Tuân ở giữa đường nên rủ ông cùng đi “đập trống”. Nguyễn Tuân và Vũ Bằng ngồi xếp bằng tròn dưới đất, mỗi người ôm một chai Văn Điển mà không có mồi. Uống xong chai rượu nhưng Nguyễn Tuân vẫn chưa đủ, ông lại đi lờ khờ hết nhà này sang nhà khác uống tiếp. 

Đến khoảng 3 giờ sáng, cả phố Khâm Thiên nháo nhác như có loạn vì ở trên nóc nhà, dọc cái gờ bằng gạch nối liền một dãy với nhau, Nguyễn Tuân đi lại tung tăng như một diễn viên  xiếc. Ông dang 2 tay lấy thăng bằng, nhún nhảy trên một chân, thỉnh thoảng lại quay ngoắt người trở lại. Bao nhiêu hồn vía cô đầu và quan viên đều lên mây cả. Song thật kỳ lạ, Nguyễn Tuân tự xuống được, nhưng chuyện chưa hết. Thấy Nguyễn Tuân say quá, anh em bắt cô đầu phải cho ông đi ngủ, cuộc vui tạm dừng lại. 

Chuyện bốt Hàng Trống và bốt Hàng Đậu ảnh 5Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Đến mờ sáng, mọi người đang ngon giấc trong chăn thì tất cả  lại loạn lên như bị mất trộm vì Vũ Bằng tỉnh giấc không thấy Nguyễn Tuân đâu. Sợ có chuyện, các ông chia nhau mỗi người một ngả để tìm. Tìm không thiếu nơi nào, dưới gầm giường, trong tủ áo, trong hồ nước, trên bàn thờ ông vải của bà chủ cô đầu vẫn chẳng thấy “Tuân mũi to” đâu hết. Vũ Trọng Phụng đoán có thể Nguyễn Tuân về nhà nên mọi người đang bàn bạc định cử một người về dò xét thì có tiếng gõ cửa rất gấp.

Vũ Bằng mở cửa thì lù lù một đội cẩm Pháp. Viên đội cho biết khoảng 5 giờ sáng, Nguyễn Tuân đi xe tay đến bốt Hàng Đậu bấm chuông xin vào thăm Chánh cẩm Arnaud (ông này ở trên lầu) để nói một vài câu chuyện cần. Chánh cẩm Arnaud lúc ấy đương ngủ ngon với vợ, mà trời lại rét, bỗng nhiên bị người ta đến phá, uất không chịu được ông ta chửi nhân viên trực đêm. Rồi sau đó mời  “ông khách bất nhã” vào đợi trong phòng khách cho đến sáng mới tiếp. Do đó, viên đội cẩm mới biết Nguyễn Tuân hát ở nhà nào và cho người đến báo để anh em đến bưng Nguyễn Tuân về. 

Hiện dãy nhà ngoài trụ sở CAQ Hoàn Kiếm vẫn giữ nguyên được kiến trúc từ năm 1892.