Bắt nạt trên mạng

ANTD.VN - PGS. TS Bùi Hiền vừa công bố phần tiếp theo của công trình nghiên cứu cải cách chữ Quốc ngữ. Đồng thời, ông cũng đăng ký bản quyền với công trình khoa học của mình. Cũng như lần trước, nghiên cứu cá nhân của ông lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đa số những cuộc thảo luận mang tính “ném đá hội đồng”, lời lẽ tục tĩu xấu xí ...

Bắt nạt trên mạng ảnh 1Công trình cá nhân của PGS.TS Bùi Hiền trở thành “trend” (xu hướng thảo luận) trên mạng xã hội

Khẳng định lại, mọi mệt mỏi, khổ sở vì bộ chữ “Tiếq Việt” chỉ xuất phát từ công trình nghiên cứu của một Phó Giáo sư nay đã nghỉ hưu. Còn lại, bộ chữ này không ảnh hưởng tiêu cực nào tới bất cứ ai bởi đơn giản, nó chỉ là nghiên cứu cá nhân và là cải tiến chữ Quốc ngữ chứ không phải là cải cách Tiếng Việt như nhiều người nhầm tưởng.

Những sự hiểu lầm ban đầu dắt lối theo liên tiếp những điều vô tình và hữu ý khiến công trình cá nhân của PGS.TS Bùi Hiền trở thành “trend” (xu hướng thảo luận) trên mạng xã hội. Khi bài tham luận về mẫu chữ của ông từ hội thảo, lên mặt báo rồi ra mạng xã hội, thông tin về kiểu chữ lạ mắt đã lập tức nhận được quan tâm. Ít lâu sau, một chuyên gia công nghệ thông tin đã xử lý trong 30 phút để hoàn thiện phần mềm “dịch” từ Tiếng Việt sang “Tiếq Việt”. Đây là nút thắt khiến bài tham luận khoa học trong một hội thảo chuyên môn thay vì xếp ngăn kéo lại trở thành vấn đề người người nhà nhà quan tâm và thực hành.

Về mặt thị giác, mẫu chữ mới của PGS.TS Bùi Hiền đã trở thành nguồn tư liệu đặc biệt để tạo tò mò, thích thú trong cõi mạng đang nhàm chán. Ai nấy đều thể hiện quan điểm của mình về mẫu chữ mới bằng “Tiếq Việt”. Đến thời điểm này, những công kích dành cho PGS.TS Bùi Hiền đã xuất hiện song vẫn không quá gay gắt. Bởi, người dùng mạng xã hội vẫn đang thích thú “chơi” với bộ chữ mà ông cho là công trình khoa học. Song, khi cuộc vui bắt đầu nhạt trò, cùng với sự xuất hiện tràn lan “Tiếq Việt”, nhiều người bắt đầu cảm thấy bất ổn và lo ngại bộ chữ sẽ được ứng dụng rộng rãi. Lúc này, những lời lẽ tấn công PGS.TS Bùi Hiền trở nên gay gắt và nặng nề hơn. Chính PGS.TS Bùi Hiền cũng than thở trên mặt báo rằng người ta chê chữ của ông nhưng dùng chúng để miệt thị ông rất nhanh. 

Và nữa, đến khi trào lưu lắng dần là lúc chính PGS.TS Bùi Hiền cũng liên tiếp công bố trên truyền thông hàng loạt “bước tiến” của công trình tim óc. Đó là hoàn thiện, sửa đổi “Tiếq Việt” thành “Tiếw Việt”; là công bố sở hữu trí tuệ; là ý tưởng dịch Truyện Kiều sang mẫu chữ mà ông sáng tạo ra. Mà “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn”. Ông chọn “dịch” lại Kiều càng khiến hiểu nhầm về việc ông nhúng tay vào cải cách Tiếng Việt thêm lớn. Theo thuật ngữ truyền thông thì ông Hiền đã vô tình “nuôi… trend” để cuộc thảo luận về mẫu chữ của ông vẫn trở thành điểm nóng. 

Nhìn lại cả quá trình hình thành “trend”… “Tiếq Việt” của PGS.TS Bùi Hiền để thấy, việc đám đông quan tâm, chỉ trích và cả miệt thị ông bắt đầu từ sự tò mò. Kế đó là niềm ham thích chơi với những thứ mới mẻ (cho dù có phần nhảm nhí). Và cuối cùng là những gì chúng ta thấy, PGS.TS Bùi Hiền là tâm điểm của khối giận dữ khổng lồ sau cuộc vui. 

Là người hay sử dụng mạng xã hội để thể hiện quan điểm cá nhân, hơn một lần tôi bị “ném đá” từ những người có khác quan điểm. Họ không tranh cãi với tôi dựa trên lập luận, họ chửi thẳng tôi trên các diễn đàn, hội nhóm. Vẫn biết mạng xã hội 2 mặt, song cảm giác đọc những lời bình phẩm khiếm nhã về bản thân mình từ những người xa lạ là cảm giác không mấy dễ chịu. Thế giới gọi những cuộc “khủng bố” tinh thần này là “Cyberbully” (bắt nạt trên mạng). Là một người trẻ, quen với mạng xã hội, hiểu tâm lý người dùng, có kinh nghiệm… bị bắt nạt, song mỗi lần câu chuyện xảy ra, tôi đều cảm thấy khá mệt mỏi. Tôi không hình dung nổi một người có tuổi như PGS.TS Bùi Hiền đã vượt qua những lời miệt thị tới từ khắp ngả kiểu gì. Theo như chia sẻ trên báo giới thì ông biết khá rõ người ta đang nói gì về ông trên mạng xã hội. Nên, chỉ riêng việc vượt qua được những “du côn online” để tiếp tục công trình cũng đã thể hiện tố chất của một người làm khoa học của PGS.TS Bùi Hiền. 

Và cũng chỉ riêng việc ấy, tôi thấy một số ít người bảo vệ PGS.TS mà lao vào cuộc tranh luận không hồi kết với những kẻ bắt nạt kia cũng là thừa. Bởi ông PGS.TS cũng chẳng cần ai ủng hộ và chẳng sợ ai bêu riếu. Ông ấy hiểu rõ việc mình đang làm và đang làm rất đúng trình tự. Còn kết quả của công trình ấy như nào là chuyện khác. 

Nhà báo Phạm Mỹ

Sẽ là hồng phúc cho dân tộc nếu một công trình khoa học sau khi công bố được dư luận quan tâm, trao đổi, phản biện và cả chỉ trích thẳng thắn dựa trên kiến thức và luận cứ. Và khi ấy, dù “gạch đá” dành cho nhà khoa học có nhiều tới đâu thì các cuộc thảo luận vẫn tạo ra vô vàn giá trị. Bởi đó là sự bày tỏ quan điểm đàng hoàng, sòng phẳng. Hay nói khác đi là “ném đá” có ý thức.

Trớ trêu, ở đây là một cuộc bắt nạt trên mạng, cùng những lời lẽ xấu xí với một người có tuổi. Nó cũng tương tự với việc một nhà nghiên cứu công bố chân dung Vua Quang Trung (nghiên cứu riêng) cũng bị công kích cá nhân. Trong khi chân dung Vua Quang Trung hay chữ Quốc ngữ đều là đề tài rất đáng thảo luận nghiêm túc.

Nhìn vào điểm sáng của vấn đề, từ hình thành “trend” liên quan tới khoa học tới chuyện ông PGS.TS thành “bia đỡ đạn” cho những bức xúc khác nhau của cư dân mạng, chúng ta có thể thấy chỉ dấu để khoa học (đặc biệt là khoa học nhân văn) được cộng đồng quan tâm hơn. Một nhịp lỗi về cách tiếp cận của công chúng đã tạo nên một trào lưu công kích không mấy hay ho. Song nếu dân mạng ý thức hơn về việc góp ý, kể cả “ném đá”, những câu chuyện tương tự sẽ đi theo chiều hướng khác, tốt đẹp và có ích hơn.

Vẫn biết, điều này khó. Song, cứ nhìn cách PGS.TS Bùi Hiền ở tuổi 83 “tả xung hữu đột” với cộng đồng mạng, chúng ta có niềm tin rằng không gì là không thể!