Bánh gối "gây thương nhớ" trong se lạnh thu Hà Nội

ANTD.VN - Hà Nội có những món ăn mà người ta chỉ muốn ăn mỗi khi thu về, trời se lạnh và bánh gối là một trong những món ăn vặt kén thời tiết như vậy.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, với những khảo cứu đáng tin cậy về Hà Nội thì bánh gối theo chân những người Hoa ở Quảng Đông du nhập vào Hà Nội trước năm 1954, nghĩa là bánh gối xuất hiện như một món ăn vặt cùng thời điểm với những bánh chín tầng mây, quẩy, há cảo hay là “bi zon zon”, một món ăn mà trẻ con từ thời đó cho tới bây giờ đều thích.

Công đoạn làm bánh khá cầu kỳ

Xưa, người ta thường bán bánh gối trên những chiếc xe đẩy và dạo qua các con phố, ngày nay bánh gối được bán cố định và cũng đã thay đổi ít nhiều. Làm bánh gối khá cầu kỳ, nguyên liệu cần nhiều thứ, trước hết làm vỏ bánh phải nhào bột rồi cán ra mỏng dính. Bây giờ thì công đoạn đó thường được rút ngắn đến một nửa khi vỏ bánh được bán sẵn dọc phố Lương Văn Can.

Bánh gối theo chân những người Hoa ở Quảng Đông du nhập vào Hà Nội trước năm 1954, nghĩa là bánh gối xuất hiện như một món ăn vặt cùng thời điểm với những bánh chín tầng mây, quẩy, há cảo hay là “bi zon zon”, một món ăn mà trẻ con từ thời đó cho tới bây giờ đều thích.

Bánh gối sở dĩ có tên như vậy là bởi vỏ bánh và nhân bánh được tạo thành hình bán nguyệt. Bánh có màu vàng ruộm, phồng xốp và có đường viền quanh mép bánh như chiếc gối của trẻ sơ sinh. Nhân bánh được làm bằng thịt nạc vai xay nhuyễn, mộc nhĩ, nấm hương thái chỉ, lô mai phàn thái nhỏ, một cuộn miến dong đã ngâm nước, cắt nhỏ cùng một ít đậu thái chỉ, thêm hạt tiêu, gia vị vừa đủ rồi trộn đều với một quả trứng gà.

Bánh gói đến đâu, cho ngay vào chảo dầu sôi đến đấy, nghe tiếng lách tách của dầu sôi khi chiên bánh thật vui tai, cái cảm giác thú vị nhất là khi cứ lật đi lật lại cái bánh cho vàng đều, kích thích vô cùng.

Nhanh tay lật giở để bánh chín đều hai mặt. Thường thì bánh chín đến đâu, ăn ngay đến đấy mới thấy hết vị thơm lừng giòn tan cùng với nước mắm pha có ớt, tỏi, chua ngọt và rau sống, dưa góp. Còn khi ăn nhiều bánh người thì chỉ rán bánh chín đến 80% rồi vớt ra. Đợi khi rán hết mẻ bánh mới chuyển sang chiếc chảo khác, chao dầu lại một lần nữa cho bánh chín hẳn, vàng ruộm mới bưng lên cùng thưởng thức. 

Bánh gối "gây thương nhớ"  trong se lạnh thu Hà Nội ảnh 3

Từ bao đời nay, bánh gối chính là loại bánh “gây thương nhớ”, là một góc ký ức ẩm thực trong cuộc sống người Hà Nội 

Bánh gối không ngon nếu thiếu nước chấm

Bánh gối ăn sẽ không ngon nếu thiếu nước chấm và rau sống. Nước chấm bánh gối cũng hệt như nước chấm nem hoặc quẩy nóng. Trước kia, người ta còn dùng tương ớt thay cho nước mắm chua ngọt bây giờ. 

Cảm giác thật khó tả, khi thời tiết chuyển mùa, trời hơi se lạnh, tay cầm chiếc bánh gối, rồi cắn đến miếng đầu bánh, vụn vỏ bánh rơi lả tả, thêm chút tương ớt dầu cay nồng vào nhân bánh, thú vị biết bao. Chỉ những thứ nhỏ nhặt vậy thôi, từ bao đời nay đã trở thành một góc cuộc sống của người Hà Nội, để rồi mỗi người Hà Nội vì một lý do nào đó phải rời xa nơi này, mỗi khi nhớ về, thật lạ, thường là có một góc ký ức ẩm thực vô cùng lớn.

Bây giờ, ít người còn tự nhào bột làm vỏ bánh, cơ bản dùng vỏ mua sẵn, làm từ bột mỳ và trứng, khi ăn có vị bùi, nhưng vì vỏ dầy nên nếu không làm khéo hay bị sượng bột, nhiều nhà ẩu còn bị hôi bột. Người Nam Định cũng có bánh gối, nhưng có một công thức gia truyền hoàn toàn khác. Vỏ bánh làm từ vỏ bánh đa nem, chập từ 3 lá nem, được phủ một lớp bột “bí mật” rồi mới gấp mép đem chiên. Công thức làm bánh tuy có hơi hướng của nem, nhưng lạ cái, hương vị lại hoàn toàn khác biệt.

Những hàng bánh “gây thương nhớ”Hà Nội những ngày này đã bớt đi cái oi ả của mùa hè. Nắng đã vàng hơn mà cũng bớt chói chang hơn. Hàng bánh gối cứ tầm chiều chiều lại đông khách. Dân sành ăn vẫn rỉ tai nhau về những hàng bánh “gây thương nhớ” trên phố Lý Quốc Sư, hàng bánh phố Hòe Nhai, hàng bánh gối ở Hàn Thuyên với nước chấm “một mình một kiểu” hay là góc phố Hàng Chiếu, có hàng bánh gối chuẩn chỉ, đậm hương vị của phố cổ Hà Nội.