Ánh sáng từ cây mùa xuân

ANTD.VN - Cuối đông, hoa cải vàng rực rồi lại đến mùi già quả xanh li ti hoa trắng. Nhẩn nha thư thả ngắm xuân về trên cây lá cỏ hoa, hương gió, hương đời. Tuổi ấu thơ, thời hoa niên luôn được cất giữ trong tâm tưởng lại như hiện ra trước mắt, sống động qua hình ảnh các con tôi vui đón Tết.

Ánh sáng từ cây mùa xuân ảnh 1Xuân là mùa hoa tầm xuân đẹp nhất, xuân khiến con người muốn đi tìm những con đường hoa có thực

Đường thơm hơi thở

Ngày nay, xã hội càng hiện đại, con người càng lắm bất an, lo lắng, lời chúc bình yên là quý nhất, vì khó đạt hơn mọi mục tiêu thực dụng nhân quần bao thế hệ đặt ra, theo đuổi, mà quên - sức khỏe và vui sống là quan trọng hơn hết thảy! 

Tôi thích đưa các con ra không gian tự nhiên, yêu mến, bảo vệ, gần gũi cây xanh, hoa, cỏ, biết thương loài vật. Được sống giữa cỏ - cây - gió - nước trong xanh là ước mơ xa xỉ, nên phải tìm đến thiên nhiên. Không lúc nào hợp hơn là ngắm những vườn - đồng hoa khi xuân đến. Nông dân trồng hoa vất vả, bấp bênh được - mất mùa theo thời tiết và chi phí sản xuất (gồm cả tiền thuốc trừ sâu diệt cỏ phải dùng mỗi năm lại tăng cả giá lẫn dung lượng), thì với tôi, họ lúc nào cũng lãi. Không phải động viên, mà thực sự, tôi thấy người trồng hoa - dù là nghề làm quen tay, không lãng mạn bay bổng gì, vẫn lãi bởi “no” thị giác - khứu giác - xúc giác nhất, bởi được bên hoa từng ngày thường nhật. 

“Ăn Tết cổ truyền theo nguyệt lịch, người Việt Nam và các nước dùng lịch theo 12 con giáp lãi vì được 2 lần Giao thừa, 2 lần đón năm mới xuân sang. Một nghi thức gây cảm hứng không thể thiếu là đếm ngược mười giây cuối của phút chót năm cũ. Đúng 0 giờ, pháo hoa rực sáng bầu trời các thành phố lớn, ở các điểm bắn, tầm bắn khác nhau. Hoa khắp trần gian, hoa bừng tỏa không trung muôn hình hài ánh sáng, cho chúng ta sự phấn khích, cảm động, lạc quan khi nghĩ tới ngày mai - tương lai gần, và 12 tháng của năm tới, của tương lai xa phía trước”.

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Xuân 2020 này, tôi đã lên lịch đưa các con du xuân công viên hoa, làng hoa nổi tiếng. Nhân thể tôi sẽ hỏi về những loài hoa ngỡ là đã mất hay thất lạc đâu, lâu không thấy. Chục năm trước, vắng thược dược, vài năm nay hoa đã trở về. Những mùa thu thế kỷ XXI vắng mẹt thị thơm trên xe đạp rong, các chợ to nhỏ nơi Thủ đô - Kẻ Chợ. Ông Bụt nào gọi ra cô Tấm và chị Hằng trên cung trăng không bị chắn tầm mắt vì chi chít nhà ống, chung cư đè choán hết cánh đồng và ao mương chết vĩnh viễn dưới bê tông?

Tôi muốn cây được sống trong đất (dù hẹp) tự nhiên thay vì rễ bị chặn trong bồn, chậu. Thỉnh thoảng, những người bán cây vẫn đến chợ (tự phát) khu nhà tôi. Càng gần Tết, lại càng đông người bán hoa cây, cả thật lẫn giả. Hoa giả lòe loẹt, màu rất “chói”, “chuế”. Với tôi, đã trưng, chơi là phải cây thật, hoa thật, đặc biệt Tết - Xuân là mùa cây, mùa hoa. 

Xuân là mùa hoa tầm xuân đẹp nhất. Xuân tôi đi tìm tầm xuân, là tìm những con đường hoa có thực. Trước Tết, ở trung tâm Hà Nội luôn rực rỡ các vườn hoa, đường hoa nhân tạo, chăm chút cầu kỳ, xếp hình, xếp chữ cùng ánh sáng kết con số, hình khối, biểu tượng. 

Những vườn hoa, đường hoa thời vụ ấy chỉ thọ vài tuần đến một tháng là cùng. Hồ Gươm từng được ví như một mặt gương kỳ ảo, lẵng hoa khổng lồ giữa lòng đất thiêng Thăng Long. Phố đi bộ quanh hồ Gươm luôn hội tụ những loài hoa đẹp được công nhân công ty công viên cây xanh chăm chút kỹ nhất. Đường hoa Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng, qua mặt trước Bưu điện Hà Nội, nơi tính km 0 tỏa đi các nơi, qua UBND TP, Tượng đài Lý Công Uẩn và các di tích cổ kính cũng là chốn hội tụ đông vui nhất Thủ đô.

Đâu riêng các trung tâm lớn đầu tư đường hoa mừng xuân đón Tết, đời thường đẹp những con đường nông thôn được bà con trồng chăm - dấu ấn đổi mới tư duy, nhu cầu sống không chỉ no bụng mà cần đẹp mắt, gây dựng nếp sống tiến bộ, văn minh hơn. 

Tết là mùa mua sắm. Hàng hóa nhiều sức mua lớn. Nhiều người sợ Tết vì tốn kém, nhà cửa dọn dẹp, loại bỏ vứt bớt vật không dùng, đồ chổi cùn rế rách, để nhà phong quang sạch thoáng hơn nhưng khó rộng hơn, vì mua sắm là cảm hứng (dễ nghiện và lây lan) của số đông. Muốn mua đủ thứ về nhà, chỉ vì cảm tính nhất thời chứ không hẳn thực sự cần. Sao có thể “trốn Tết” khi từ các cửa hàng, siêu thị đến trung tâm mua sắm đều được trang trí rực rỡ, thủ công hay đầu tư bài bản. 

Ánh sáng từ cây mùa xuân ảnh 2Nhà thơ Vi Thùy Linh

Tết đang gần! 

Danh mục chi tiêu sắm Tết, gồm khoản đáng kể cho hoa, cây cảnh không thể cắt bỏ, nếu không thì thiếu đặc trưng, không ra không khí Tết.

Ăn Tết cổ truyền theo nguyệt lịch, người Việt Nam và các nước dùng lịch theo 12 con giáp lãi vì được 2 lần Giao thừa, 2 lần đón năm mới xuân sang. Một nghi thức gây cảm hứng không thể thiếu là đếm ngược mười giây cuối của phút chót năm cũ. Đúng 0 giờ, pháo hoa rực sáng bầu trời các thành phố lớn, ở các điểm bắn, tầm bắn khác nhau. Hoa khắp trần gian, hoa bừng tỏa không trung muôn hình hài ánh sáng, cho chúng ta sự phấn khích, cảm động, lạc quan khi nghĩ tới ngày mai - tương lai gần, và 12 tháng của năm tới, của tương lai xa phía trước.

Năm mới hằng được đón với niềm tin mới, khởi từ hồi tưởng, tiếc nuối, tâm trạng quá khứ, những cảm xúc về hôm - qua ấy không khi nào cũ, nó vẫn hiện ra theo sóng nhớ, càng hiện rõ hơn lúc tháng Chạp Tết gần. Đời sống khấm khá lên, Tết đâu chỉ có ăn, mà chơi, còn du xuân thú hơn nhiều. Năm càng tăng số, tuổi lớn thêm, càng hao khuyết những người ta yêu mến.

Những mỹ tục làm đời thêm xuân

Mỹ tục thuộc văn hóa của một dân tộc được truyền qua lịch sử nhiều thế hệ, thành những giá trị mẫu mực của cuộc sống. Song, mỹ tục và cũng như dân tộc tính không bất biến, mà luôn có sự chuyển động bổ sung để thêm những nét đẹp mới, nhân sinh phù hợp với thời cuộc, thời đại. Một mỹ tục đẹp của Việt Nam nửa sau của thế kỷ XX đã thành thông điệp toàn cầu ở thời mà mong mỏi Trái đất xanh phát triển bền vững thành khát vọng và nhiệm vụ sống còn của loài người trong trách nhiệm với sự sống hiện tại và tương lai, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và nhấn mạnh: Trồng cây. 

Mỹ tục trồng cây do Bác Hồ phát động hơn 60 năm trước, nay vẫn đầy tính thời sự và nhân văn trong xu hướng thời đại. Những lúc thư giãn, Bác coi việc làm vườn quanh Phủ Chủ tịch là một sinh thú gây cảm hứng, lại rèn luyện được sức khỏe. Bác căn dặn nhắc nhở trong cả thư chúc Tết bằng thơ và Tết nào Người cũng trồng cây: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Ở Việt Nam, quất vừa trĩu quả vừa có hoa, đào bích, đào phai, mai trắng, tùy sở thích gia cảnh. Ai khấm khá thì rất “bạo chi” sắm hoa, cây cảnh. Hoa từ trại, bãi lại có hoa lê từ vùng cao rợp các chợ hoa Hà Nội.  Mua sắm cho bản thân và gia đình; đề cao sự đoàn tụ, tặng quà, dành cho nhau nhiều lời chúc và niềm lạc quan trước thềm năm mới. Mỹ tục này là điểm tương đồng của người dân các châu lục.

Lửa từ cổ đại coi là điều lành, may mắn. Người con gái vùng cao lấy chồng, rời nhà mẹ đẻ bước qua chậu than hồng; đến nhà chồng cũng bước qua than hồng từ cửa. Tục đầu năm đi lễ chùa, đem về gói muối, bao diêm, là mang no ấm, mang điều lành.

Công nợ thanh toán cuối năm (thu vào). Mừng tuổi đầu năm tơi tới (xuất ra). Tết là dịp để bù đắp, quan tâm nhau. Không chỉ tặng quà mừng tuổi người già - con trẻ như theo bản nguyên tục lệ này, mà bất cứ ai cũng có thể lì xì từ trước Tết, lắm khi đó là cớ tế nhị mà hợp lý để giúp nhau có tiền lo Tết đầy đủ hơn.

Xuất hành đầu năm chọn hướng, chọn giờ, “trả nghĩa” ai đến thăm mình hoặc bạn bè, họ hàng lâu không gặp, chỉ dồn chờ Tết. Hẹn là mỹ tục đẹp nhất của Tết, cuộc hẹn lớn đoàn tụ, đông vui nhất trong năm.

Tết xong lại mùa lễ hội, nên câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nghìn năm vẫn mới. Mà đâu chỉ tháng Giêng, suốt mùa xuân.

Món quà mà tôi hoài mong cho mình, gia đình và hết thảy mọi người khi Xuân mới, là được tháo khẩu trang, thư thái dạo bước hoặc đi trên những phố vắng sạch, để mọi giác quan được hòa cảm thiên nhiên, nghe được chim hót lá reo, nhất là độ tinh khiết của xuân với mưa phùn, gió thoảng. Khứu giác được hưởng tinh tuyền hương hoa qua hơi thở sâu ùa vào lá phổi nở hồng. Bất cứ ai, không cần kiềm chế, cứ vô tư sảng khoái reo lên trước ngõ hoa, phố hoa, đường hoa, cả thành phố diệp lục tầm xuân thật hơn cả mộng...

Ai tặng món quà quý giá ấy cho ta (?!).