“Sóng ngầm” trên quần đảo Solomon từ chuyến bay vượt đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đó là một chuyến bay hồi hương hiếm hoi để đưa những người mắc kẹt ở Trung Quốc trở về quần đảo Solomon trên Thái Bình Dương, nơi vẫn chưa ghi nhận trường hợp Covid-19 nào. Nhưng trong số 104 người trên chuyến bay của Solomon Airlines (được thuê từ thành phố Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 2-9), chỉ có 21 người đến từ quần đảo Solomon. Những người còn lại chủ yếu là công dân Trung Quốc.
Người gốc Hoa được chính phủ Trung Quốc điều máy bay sơ tán khỏi quần đảo Solomon sau vụ bạo loạn năm 2016

Người gốc Hoa được chính phủ Trung Quốc điều máy bay sơ tán khỏi quần đảo Solomon sau vụ bạo loạn năm 2016

Vài ngày trước đó, các chính trị gia địa phương và các tổ chức phi chính phủ đã thúc giục Thủ tướng quần đảo Solomon ngừng kế hoạch này. Mặc dù số ca nhiễm mới ở Trung Quốc thời gian này rất ít, nhưng đây là rủi ro quá lớn. Biên giới của quần đảo Solomon gần như bị phong tỏa hoàn toàn trong nhiều tháng. Họ lo ngại chuyến bay sẽ đưa dịch Covid-19 xâm nhập vào đất nước vốn chỉ có gần 700.000 dân, dẫn đến sự tàn phá đối với hệ thống y tế kém cỏi.

Tuy nhiên, chính phủ đã không tin. Ông Daniel Suidani - Tỉnh trưởng Malaita (tỉnh đông dân nhất Solomon) cho rằng, các nhà lãnh đạo quốc gia đang đặt quan hệ với Bắc Kinh lên trên sự an nguy của người dân. Trong khi đó, Thủ tướng Manasseh Sogavare lại hoan nghênh Trung Quốc và những lợi ích kinh tế mà nước này hứa hẹn. Một số người lo ngại rằng Bắc Kinh quá mạnh để trở thành một đối tác bình đẳng đối với quần đảo Solomon.

“Chiến trường” cạnh tranh quyết liệt

Quần đảo Solomon được cho là đã từng xem xét cho Trung Quốc thuê toàn bộ hòn đảo và tranh luận về việc đưa ra các thỏa thuận đầu tư để lấy quốc tịch cho người Trung Quốc đại lục. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon là “cởi mở và công bằng”. “Mọi tin đồn và vu khống không thể ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Tại Honiara - thủ đô của quần đảo Solomon - có một dải đất từng diễn ra trận Guadalcanal nổi tiếng. Đó là một chiến thắng mang tính quyết định của quân Đồng minh tại Thái Bình Dương trong Thế chiến 2. Hiện giờ, một phần khu đất đó đã được dành cho một sân vận động mới do Trung Quốc xây dựng và nó đã trở thành biểu tượng của một loại “chiến trường” mới. Sau khi quần đảo Solomon giành quyền đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương 2023, quốc gia này đang cần một địa điểm để tổ chức các sự kiện thể thao.

Vào tháng 7-2019, Đài Loan vốn đã lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon hơn 30 năm đã đồng ý hỗ trợ một khoản vay. Vài tháng sau, vào tháng 9-2019, Solomon tuyên bố từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Lý do là đến thời điểm năm 2019, sức hấp dẫn của một mối quan hệ có lợi hơn về kinh tế với Trung Quốc đã trở nên quá lớn. Jian Zhang - chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á tại Học viện Quốc phòng Australia nhận định, các cân nhắc kinh tế là yếu tố then chốt trong quyết định của quần đảo Solomon. “Quốc gia quần đảo Solomon chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích to lớn chưa từng thấy trong lịch sử từ mối quan hệ mới này với Trung Quốc” - ông Jian Zhang nói.

Trong nhiều năm, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Solomon, hàng năm nhập khẩu hàng triệu đô la gỗ thô - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đất nước. Một số công ty xây dựng Trung Quốc đã bắt đầu các dự án ở quần đảo Solomon, bao gồm một cây cầu bê tông dài 96 mét vào năm 2018. Giờ đây, Trung Quốc hứa hẹn rằng mối quan hệ này có thể đáng giá hơn nữa. Số tiền hỗ trợ tài chính mà Trung Quốc hứa cho quần đảo Solomon trước khi chuyển đổi quan hệ với Đài Loan đã không được công khai. Tuy nhiên, quan chức Đài Loan cho rằng Trung Quốc đã đưa ra mức hỗ trợ khoảng 500 triệu USD. Nếu con số đó là chính xác, nó sẽ nhiều hơn mức đóng góp của Đài Loan trong 10 năm trở lại đây.

“Thành thật mà nói, về kinh tế và chính trị, Đài Loan hoàn toàn vô dụng đối với chúng tôi” - Thủ tướng Sogavare nói trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC (Australia). Sau động thái này, đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Palau cho biết “trái tim của Đài Loan tan vỡ”. Để bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng minh, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được cho là đã hủy bỏ kế hoạch gặp Thủ tướng quần đảo Solomon vào tháng 9 năm ngoái.

Dự án sân vận động 10.000 chỗ ngồi của Solomon tưởng như lâm nguy. Nhưng tháng 10-2019, Bắc Kinh hứa sẽ xây sân vận động trị giá 74 triệu USD cho quần đảo Solomon, và đó không phải khoản vay mà là một món quà. Quần đảo Solomon đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài vào tháng 3-2020 do đại dịch Covid-19, kể từ đó chỉ có khoảng 800 công dân và vài chục lao động thiết yếu nước ngoài làm việc trên công trường này.

Quần đảo Solomon trên Thái Bình Dương có dấu hiệu bất ổn xuất phát từ bất đồng trong chính sách đối ngoại

Quần đảo Solomon trên Thái Bình Dương có dấu hiệu bất ổn xuất phát từ bất đồng trong chính sách đối ngoại

Chuyến bay gây tranh cãi

Bởi vậy, khi chính phủ phê duyệt chuyến bay vào tháng 8 với phần lớn là công nhân Trung Quốc cho dự án sân vận động, một số người tin rằng chính phủ đang ưu tiên sân vận động hơn sức khỏe người dân. Trong chuyến bay đó cũng có ông Li Ming - Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Solomon. Mặc dù chính quyền quần đảo Solomon cho biết tất cả các hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bay, nhưng nhiều người dân bị sốc trước quyết định để một lượng lớn công dân Trung Quốc vào nước này khi biên giới vẫn đóng cửa.

Tổ chức phi chính phủ Transparency Solomon Islands cho biết: “Chúng ta đang mạo hiểm với toàn bộ quốc gia. Có vẻ như chính phủ không còn lắng nghe những lời kêu gọi của công dân nữa”. Giáo sư Joseph Foukona tại Đại học Hawaii đến từ Malaita giải thích, chuyến bay không được người dân ủng hộ vì lo ngại đại dịch xâm nhập sẽ là một thảm họa đối với họ.

Trước khi chuyến bay hạ cánh, một số người ở Malaita lo sợ rằng cộng đồng người Hoa ở tỉnh này sẽ đến thủ đô để chào đón tân Đại sứ để rồi trở về mang theo Covid-19. Họ đã đề nghị tất cả người Trung Quốc rời khỏi thủ phủ của tỉnh Auki trong vòng 24 giờ. Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng người Hoa lâu đời của quần đảo Solomon với vài nghìn người phải đối mặt với sự thù địch địa phương.

Năm 2006, bạo loạn đã xảy ra tại khu phố Trung Quốc của Honiara do sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nhân người Hoa. Khi đó, Bắc Kinh đã phải thuê một chuyến bay để sơ tán hàng trăm công dân Trung Quốc. Còn hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Solomon khiến một số người dân bản địa có cảm giác rằng người Trung Quốc đang tiếp quản hòn đảo này.

Âm ỉ sự bất ổn về chính trị

Vào ngày 1-9, trước khi chuyến bay hạ cánh, Tỉnh trưởng Suidani đã gửi một tuyên bố tới giới truyền thông thông báo rằng, tỉnh Malaita sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập trong tháng này. Ông chỉ ra rằng chính quyền Trung ương tiếp tục gây áp lực để cho phép người Trung Quốc vào Malaita. “Không ai được phép nghĩ rằng họ có thể độc quyền đưa ra những quyết định tồi tệ đối với chúng tôi.

Chúng tôi chỉ đang tự hỏi, liệu chính phủ đang quan tâm đến cuộc sống của người dân hay nghĩ đến sân vận động? Chúng tôi thấy chính phủ đã không nghe những tiếng nói của người dân”. Cần nói thêm rằng, hồi tháng 6, Đài Loan đã gửi cho tỉnh Malaita một lô hàng thiết bị y tế nhưng đã bị chính quyền ở Thủ đô chặn lại và bị cảnh sát điều tra. Sẽ rất khó nếu tỉnh Malaita tách ra khỏi phần còn lại của đất nước. Tỉnh nằm ở vị trí trung tâm, dân số chiếm khoảng 1/3 cả nước. Theo ông Clive Moore của Đại học Queenstown, tỉnh này là trái tim của quần đảo Solomon và sự chia cắt có nghĩa là “hủy diệt quốc gia”.

Vẫn chưa rõ liệu cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập của Malaita có thể tiếp tục hay không, nhưng như theo ông Jian Zhang, ngay cả khi cuộc bỏ phiếu không diễn ra, rõ ràng vấn đề chọn lựa ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan đã gây bất ổn chính trị ở nước này. Hiện tại, 104 người bao gồm hơn 80 công dân Trung Quốc đang thực hiện chế độ cách ly tại Thủ đô Honiara. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu sự bất ổn mà chuyến bay gây ra có xứng đáng hay không.