"Sóng ngầm" đằng sau vụ một công dân Na Uy bị phát hiện làm gián điệp ở Nga

ANTD.VN - Cuối năm ngoái, nhà chức trách Nga đã bắt giữ ông Frode Berg (62 tuổi), một người lính biên phòng Na Uy đã nghỉ hưu với cáo buộc làm gián điệp. Đây là công dân đầu tiên của Na Uy bị Nga cáo buộc hoạt động gián điệp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Ông Frode Berg, công dân Na Uy tại Tòa án ở Matxcơva ngày 3-5-2018 với cáo buộc hoạt động gián điệp

Theo các quan chức Nga, kể từ năm 2015, ông Frode Berg đã gửi những phong thư đựng tiền mặt cho một người không rõ danh tính, đổi lại, tình báo Na Uy nhận được thông tin về tàu ngầm hạt nhân của Nga ở phương Bắc. Tại thời điểm bị bắt, ông Frode Berg đang mang theo một phong bì chứa 3.000 Euro. 

Vùng biên giới không còn bình yên 

Ông Frode Berg sống ở Kirkenes, một thị trấn khoảng 3.500 dân và cách không xa đường biên giới với Nga. Thị trấn vùng Bắc Cực này vẫn giữ một mối quan hệ chặt chẽ với nước láng giềng Nga, ngay cả khi căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây tăng lên trong những năm gần đây. Ông Frode Berg thường tình nguyện làm một đầu bếp trong các lễ hội và sự kiện thể thao dành cho người dân khu vực biên giới 2 nước. 

Một số người dân Na Uy thường xuyên qua lại biên giới cho biết, họ đã được đề nghị đóng vai trò giao liên trao đổi thông tin và tiền mặt với phía Nga. Trong khi đó, các quan chức tình báo ở Oslo cũng cho biết, hoạt động gián điệp của Nga ở Na Uy đã tăng lên. 

Cuối tháng 4-2018, ông Frode Berg thừa nhận làm việc cho tình báo quân đội Na Uy, nhưng chỉ nhận nhiệm vụ là người đưa thư. Trong nhiều năm, ông đã gửi thư đựng tiền cùng các chỉ dẫn nhân các chuyến sang biên giới Nga nhưng không biết được về cơ chế và quy mô hoạt động của mạng lưới gián điệp này. Ông Frode Berg chưa bị khởi tố nhưng có thể đối mặt với án 20 năm tù nếu bị kết án hoạt động gián điệp. 

Vụ việc cũng đã hé lộ phần nào về những hoạt động ngầm ở vùng biên giới vốn yên bình này. Một bản tin trên Đài Truyền hình quốc gia Na Uy NRK cho thấy ông Frode Berg không phải là cư dân duy nhất ở khu vực này được lực lượng tình báo tiếp cận những năm gần đây. Một số người dân địa phương thường xuyên qua lại biên giới cho biết, họ đã được đề nghị đóng vai trò giao liên trao đổi thông tin và tiền mặt với phía Nga. Trong khi đó, các quan chức tình báo ở Oslo cũng cho biết, hoạt động gián điệp của Nga ở Na Uy đã tăng lên.  

Người dân cảnh giác hơn

Na Uy vốn duy trì quan hệ hợp tác lâu đời với Nga, đặc biệt là ở Bắc Cực trong các lĩnh vực tìm kiếm và cứu nạn, đánh cá và khai thác dầu mỏ, hợp tác các cơ quan bảo vệ biên giới. Kể từ sau thỏa thuận miễn thị thực cho người dân địa phương có hiệu lực vào năm 2012, hàng loạt công ty Nga mở văn phòng tại Kirkenes, các sự kiện và lễ hội xuyên biên giới trở nên phổ biến hơn và du khách Nga đổ xô sang Na Uy mua sắm.

“Các kênh hợp tác, nơi mà mọi người dường như hiểu thêm về nhau là rất quan trọng. Đây được xem như một cách để tạo ra hòa bình”, ông Lars Rowe, một chuyên gia về Nga tại Viện Fridtjof Nansen nhận định.

Tuy vậy, với một vị trí địa - chính trị đặc biệt, Na Uy cũng được xem như một kênh thông tin giám sát mọi động thái ở biên giới phía Bắc của Nga. Những năm gần đây, Nga đã ngầm gửi thông điệp tới người hàng xóm của mình bằng những cuộc tập trận ít khi hoặc không có cảnh báo khiến Na Uy phải tập ứng phó với tình huống đánh bom vào một trạm radar ở Đông Bắc nước này cũng như lo ngại hoạt động của tàu ngầm Nga sẽ ảnh hưởng đến cáp quang dưới biển.

Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở Bắc Cực cũng là một nỗi lo đối với Na Uy. Bán đảo Kola, nằm sát biên giới Na Uy là nơi tập kết các tàu ngầm hạt nhân của Nga và Điện Kremlin đã thiết lập một chuỗi các căn cứ dọc theo bờ biển phía Bắc nước này cũng như mở lại các cơ sở quân sự ở Bắc Cực thời Liên Xô trước đây.

 “Chúng tôi không coi Nga là một mối đe dọa quân sự nhưng một số hoạt động của họ khiến chúng tôi thực sự quan ngại”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Frank Bakke Jensen nói và cho rằng sự quyết đoán của Nga không chỉ đơn giản hướng về Oslo, mà nhìn chung là chống lại NATO, biến Na Uy thành một mặt trận mục tiêu bởi đây là thành viên ở phía cực Bắc của khối này. 

Cuộc sống hàng ngày ở thị trấn Kirkenes hiện nay vẫn diễn ra bình thường, mặc dù người dân từng xôn xao về trường hợp Frode Berg. Người Nga vẫn tới Na Uy để tìm các mặt hàng thực phẩm bị châu Âu cấm như cá hồi Na Uy, phô mai Pháp, các sản phẩm sữa của Phần Lan, trong khi Na Uy sang Nga để mua nhiên liệu vì giá xăng rẻ. Tuy vậy, có thể cảm nhận rất rõ họ thận trọng hơn trong việc liên quan đến du lịch và liên lạc với người bên kia biên giới.