Sống là không ngừng học hỏi

ANTD.VN - Triết gia lỗi lạc Khổng Tử là một người luôn đề cao việc học hành, bồi dưỡng và tu dưỡng bản thân, ông luôn dạy học trò của mình như vậy. 

Một ngày nọ, có một người học trò đến gặp và xin ông cho nghỉ học để nghỉ ngơi một thời gian, dành thời gian làm việc khác vì việc học khiến anh ta mệt mỏi, vất vả quá. Khổng Tử nghe học trò trình bày xong liền hỏi anh ta muốn nghỉ để làm việc gì, người học trò đáp rằng, anh ta muốn đi làm giúp việc cho các quan.

Khổng Tử liền hỏi: “Giúp việc cho các quan lại mỗi ngày đều phải cung kính, thận trọng, tận tâm, tận lực từ sáng đến tối cho đúng bổn phận, không được ngơi tay, ngơi óc phút nào. Công việc bận rộn như vậy, con nghĩ mình có nghỉ ngơi được chăng?”. Người học trò thấy Khổng Tử nói vậy liền bảo: “Vậy con về quê nhà phụng dưỡng cha mẹ, thưa thầy”, Khổng Tử nói ngay: “Làm một người con hiếu thảo phải phụng dưỡng cha mẹ một cách tận tâm, hết lòng chăm sóc, hầu hạ. Việc phụng dưỡng cha mẹ vất vả như vậy, con nghỉ ngơi được không?”.

Người học trò nghĩ một lúc rồi lại bảo: “Thôi vậy, con về làm một người nông dân”, Khổng Tử nói: “Làm người nông dân từ sớm đến khuya, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở ngoài đồng ruộng, hết cày cấy, lại gieo hạt, chăm bẵm, nhổ cỏ, tưới phân… Việc đồng áng nặng nhọc, con nghỉ ngơi lúc nào?”. Người học trò xịu mặt ngồi thừ ra rồi nói: “Vậy thưa thầy, chả lẽ trên đời không có việc gì có thể nghỉ ngơi được hay sao ạ?”.

Khổng Tử lắc đầu, ôn tồn trả lời học trò: “Con phải hiểu thế này: Một người chân chính sống trên đời thì mỗi ngày đều là ngày để học tập và tu dưỡng bản thân và không ngừng vươn lên kể cả là làm nông dân hay học giả, ngay cả phụng dưỡng cha mẹ hay giúp việc cho ai đều phải học hỏi không ngừng nghỉ phút nào. Bởi người giúp việc có đạo lý của người giúp việc, người nông dân có đạo lý của người nông dân hay trong cách đối xử với người thân đều có đạo lý của mỗi việc, cho nên học hỏi để làm cho tốt, sống cho tốt, tu dưỡng đạo đức là việc cả đời, không bao giờ được xem nhẹ”.

Người học trò tỉnh ngộ ra, bái lạy Khổng Tử rồi vui vẻ vào lớp.