Sống là để yêu thương

ANTĐ - Từng phải sống trong cơ cực, vất vả, hiểu được nỗi đau tận cùng của cái đói, cái khổ, đôi khi cả sự bi quan khi mọi thứ diễn ra không như mong muốn, bà Trịnh Thị Kim Định, ở P107- K4 phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng luôn tâm niệm sống trên đời là để yêu thương và chia sẻ.

Bà Định luôn giáo dục con cái phải biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ mọi người

Trái tim nhân ái

Tình yêu, lòng trắc ẩn, và trái tim nhân ái của người phụ nữ năm nay đã ngoài 80 tuổi khiến tôi thực sự khâm phục. Hơn 30 năm goá bụa, bà Định nuốt nỗi đau, gắng gượng nuôi 4 người con ăn học, thành đạt. Đến nay, họ đều đã lập gia đình và có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Điều đáng nói là dù các con của bà đều muốn đón mẹ về ở cùng nhưng bà khảng khái: “Tôi không muốn sống dựa dẫm vào các con, không muốn trở thành gánh nặng cho chúng. Bao nhiêu năm sống một mình nuôi con, vất vả quen rồi. Các con, các cháu đều hiếu thuận và hiểu lễ nghĩa, nhưng sống ở đây đã lâu, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau nên tôi thấy vui và ý nghĩa. Con cái cũng cần có gia đình riêng, cuộc sống riêng, chỉ cần chúng chạy qua, chạy lại mỗi khi tôi đau ốm là đủ…”. Đó là lý do bà Định sống một mình trong căn nhà được trường ĐH Bách khoa cấp cách đây hơn 40 năm, khi bà còn làm công việc quản lý sinh viên tại trường.

Trò chuyện cùng tôi trong căn nhà nhỏ ấm cúng, ngăn nắp, bà Định bộc bạch, 20 năm qua Báo ANTĐ là tờ báo duy nhất bà đặt mua hàng ngày, là người bạn tinh thần mà bà đón đọc mỗi sáng. “Nhiều bài viết về những số phận tận cùng của nỗi đau khiến tôi thực sự xúc động, bởi thấy cái tâm và tình người trong đó. Và đây cũng là lý do tôi luôn đồng hành cùng Báo ANTĐ, đóng góp tấm lòng của mình gửi đến đồng loại, như một cách để cùng chia sẻ nỗi đau với họ…”- bà Định tâm sự. Xuất phát từ suy nghĩ đầy tình người ấy, bà Định đã nuôi dạy và giáo dục các con, cháu của mình phải luôn biết yêu thương và quan tâm đến những số phận kém may mắn. Điều đáng trân trọng hơn cả là dù kinh tế không thuộc diện dư dả nhưng bà luôn dành tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ mọi người. Sống một mình nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, đã có lúc bà phải ăn đói, nhịn khát, khó khăn trăm bề nên rất hiểu những người đang phải vật lộn trong hoàn cảnh đó. Giờ cuộc sống đã tạm ổn nên bà muốn giúp đỡ họ, bởi bà bảo đó là cách để mình cảm ơn cuộc đời.

Con trai thứ 3 của bà Định hiện đang sống ở Đức có 3 người con. Mặc dù các cháu không được sinh ra và lớn lên tại quê nhà nhưng mỗi khi gọi điện hay viết thư cho chúng, bà luôn hướng suy nghĩ của bọn trẻ vào những điều thiện, dạy các cháu đạo làm người. Mỗi lần đọc được những bài viết về hoàn cảnh, số phận của một ai đó trên Báo ANTĐ, bà Định lại báo cho các cháu để chúng vào internet tìm đọc. Sau mỗi lần như vậy, chúng lại dành những khoản tiền tiết kiệm nhờ bà gửi đến những nơi cần sự giúp đỡ. Gương mặt phúc hậu của bà Định ánh lên vẻ rạng ngời và sự tự hào khi kể về các con, các cháu của mình. Dù vậy, bà vẫn khiêm tốn cho rằng, so với những người khác trong xã hội, những đóng góp của mình chẳng có gì đáng kể.

Sống là để yêu thương ảnh 2
Những lá thư của người chồng quá cố được bà Định đóng thành
cuốn sách và được bà gìn giữ, trân trọng

Trân trọng những kỷ niệm

Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Định vẫn tham gia vào các hoạt động của Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ của phường. Ngoài ra, bà còn thường xuyên đóng góp tiền hỗ trợ các suất ăn cho những bệnh nhân nghèo. Hàng chục năm làm công tác liên quan đến đời sống sinh viên tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, bà Định luôn được các sinh viên hết lòng yêu quý, kính trọng. Trong cuốn kỷ yếu của trường, các cựu sinh viên đã dành hẳn một trang để viết tặng những vần thơ về cô Định, như một cách thể hiện tình cảm với người giáo viên mà họ rất mực tôn kính. Đó cũng là vinh dự không phải thầy cô nào cũng dễ dàng có được. 

Trân trọng những kỷ niệm và coi chúng như những tài sản vô giá chính là cách giúp bà vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong nhiều năm sống một mình sau khi người chồng qua đời. Dù có 20 năm nên nghĩa vợ chồng nhưng bà Định thừa nhận hơn nửa thời gian đó ông bà phải sống xa cách. Chính vì vậy, những lá thư chan chứa yêu thương và tình cảm của ông trong những năm tháng ấy đã được bà lưu giữ và đóng thành cuốn hồi ký gần 400 trang đã khiến tôi thật sự xúc động. Lật từng trang thư một cách cẩn thận, bà Định cười hiền hậu: “Những lá thư này đã nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi. Chiến tranh, công việc đã khiến vợ chồng tôi sống trong những tháng ngày xa cách đằng đẵng. Nhưng ở đó chẳng bao giờ có sự than trách mà chỉ có tình yêu để giúp nhau mạnh mẽ và vượt qua khó khăn. Tôi luôn trân trọng và giữ gìn, bởi nó khiến tôi cảm thấy ông ấy vẫn hiện hữu và luôn bên cạnh mình…”.

Những việc làm của người phụ nữ này đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc, từ xúc động, đến khâm phục và cả sự kính trọng bởi, những giá trị nhân văn, đầy tình người mà bà đã và đang làm cho cộng đồng. “Sống trên đời người cần hơi thở. Sống quanh ta cần có sự sẻ chia… Thấy người hoạn nạn ta thương. Dang tay làm phúc, phúc thành cháu con…” - đó là những câu thơ mà bà đã làm để dành tặng cho con cháu mình như triết lý sống luôn biết giúp đỡ, yêu thương người khác. Trò chuyện với bà Định, tôi hiểu ra rằng sự cho đi không phải ở giá trị vật chất mà là giá trị tinh thần, cái tâm của người cho mới chính là điều đáng quý.