Sống không thể thiếu sách

ANTD.VN - Theo phương thức xã hội hóa, Hội sách mùa thu vừa khai mở tại công viên Thống Nhất - Hà Nội, thu hút sự góp mặt của các đơn vị xuất bản, phát hành, bưu chính, giáo dục đào tạo trên khắp cả nước.

Sau Hội sách đầu xuân để lại ấn tượng sâu đậm, Hội sách mùa thu càng có sức hút mạnh mẽ hơn với công chúng Thủ đô. Văn hóa đọc ở vùng đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay trải qua bề dày nghìn năm văn hiến được tôn vinh giữa thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, cũng là điều đáng trân quý!

Thói quen đọc sách đang mai một, mất dần, nhất là trong giới trẻ, giữa bối cảnh mạng xã hội tràn ngập, phủ sóng tới mọi gia đình. Ngoài những giá trị không thể phủ nhận của internet, một thực trạng đáng lo ngại là thanh niên dễ rơi vào tình cảnh đọc nhanh, xem nhanh và quên nhanh. Kiến thức, hiểu biết “vay mượn”, cái gì tưởng cũng biết, nhưng thực ra không sâu, không chắc bởi không được chắt lọc, nghiền ngẫm và đúc kết từ những trang sách giấy trắng, mực đen.

Nỗi lo của các bậc phụ huynh bây giờ không phải là vô cớ, bởi ngoài xu hướng “nghiện” công nghệ thông tin, những loại sách ngôn tình đang bủa vây lớp trẻ như một thứ “độc dược” khó cưỡng, còn khiến văn hóa đọc bị biến thái không ít. 

Chính vì vậy, Hội sách mùa thu và sắp tới Hà Nội sẽ khai trương Phố sách dự kiến trên phố 19-12 là việc làm cấp thiết để khơi dậy, đánh thức thói quen, truyền thống ham đọc sách của người Hà Nội vốn tồn tại qua nhiều thăng trầm lịch sử. Điều đáng nói là, hầu như trong mỗi gia đình dù chưa thật đầy đủ tiện nghi hiện đại, dù tiền của không dư dả, song bao giờ cũng có một tủ sách hoặc kệ sách.

Nhiều bậc ông bà, cha mẹ vẫn dành thời gian đọc sách cho con cháu - một hình ảnh trao truyền giàu ý nghĩa. Nhiều người còn có thói quen mua sách hay, bổ ích tặng con cháu sinh nhật thay vì quà cáp, tiền nong. Vui thay, khi ông bà, cha mẹ dắt con trẻ vào các cửa hàng sách, hội chợ sách đã trở thành hình ảnh quen thuộc! Đặc biệt, ở phố sách giữa lòng Hà Nội cũng như Hội sách mùa xuân, Hội sách mùa thu… học sinh, sinh viên luôn chiếm số đông!

Đưa sách đến người dân, người đọc tìm đến sách, ham mê đọc sách, thật là biểu hiện đáng mừng của một xã hội. Lại nhắc tới Israel, một đất nước phát triển công nghệ, khoa học nổi tiếng thế giới, người dân coi sách là tài sản quý giá nhất, sống không thể thiếu sách như không khí, nước uống, bánh mì vậy.

Dường như sự trân trọng giá trị văn hóa đọc, trân trọng những trang sách, trân trọng tri thức mang lại từ sách, chính là một trong những bí quyết để người Do Thái sinh tồn và vươn lên thần kỳ trong thế giới vốn chứa đựng không ít bất trắc, phức tạp khó lường.