Sóng gió trên chính trường Thái Lan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính trường Thái Lan đang dậy sóng sau khi rò rỉ nội dung cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen khiến bà Paetongtarn Shinawatra phải chịu sức ép từ nhiều phía. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tuyên bố không từ chức và cam kết giải quyết các thách thức của đất nước.

Nhiều hệ lụy từ rò rỉ điện đàm

Một đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bất ngờ bị rò rỉ vào ngày 15-6 vừa qua, trong đó nữ Thủ tướng Thái Lan bày tỏ quan ngại về mức độ ủng hộ của người dân Thái Lan sau vụ đụng độ biên giới, đồng thời gọi một chỉ huy quân đội nước này là “phe bên kia”. Điều này ngay lập tức dẫn tới những bức xúc, phản đối không chỉ trong dư luận mà cả từ nội bộ các lực lượng chính trị và quân sự Thái Lan.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang nỗ lực tìm giải pháp khôi phục niềm tin để vượt qua những sóng gió chính trường

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang nỗ lực tìm giải pháp khôi phục niềm tin để vượt qua những sóng gió chính trường

Thái Lan vốn là một quốc gia mà quân đội nắm quyền lực chính trị không nhỏ. Do đó, những phát ngôn nhạy cảm liên quan tới quân đội, dù vô tình, nhưng cũng bị xem là điều không nên. Phản ứng ngay sau đó của dư luận Thái Lan không nằm ngoài dự đoán khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình tại Bangkok ngày 28-6, bày tỏ sự “không hài lòng” với Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Đáng chú ý, cuộc biểu tình lần này được dẫn dắt bởi các gương mặt kỳ cựu thuộc phong trào "Áo vàng" - lực lượng từng góp phần lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cha của bà Paetongtarn Shinawatra - vào đầu những năm 2000. Sự trỗi dậy của nhóm này cho thấy những vết rạn giữa các lực lượng trên chính trường Thái Lan vẫn còn đó và vẫn có thể được khơi dậy bất cứ lúc nào nếu có nhân tố thích hợp “kích hoạt”.

Một hệ quả đáng lo ngại từ những nội dung điện đàm bị rò rỉ là sự rạn nứt trong liên minh cầm quyền. Đảng Bhumjaithai (BJT) - lực lượng chính trị lớn thứ hai trong chính phủ - đã tuyên bố rút khỏi liên minh ngày 18-6. Với 69 ghế tại Hạ viện, sự rút lui này khiến liên minh của đảng Pheu Thai (đứng đầu bởi bà Paetongtarn Shinawatra) chỉ còn 261 ghế, suýt soát với phe đối lập là 234 ghế. Nếu thêm một đảng nhỏ rút lui, Chính phủ do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo có thể phải đối mặt với nguy cơ mất đa số trong Quốc hội và dẫn tới khả năng giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.

Điều đáng lo nữa là sự rút lui của đảng chiếm nhiều ghế thứ hai trong liên minh cầm quyền này không xuất phát từ bất đồng chính sách mà từ vấn đề mà đảng này cho là "niềm tin chính trị", một yếu tố quan trọng để hình thành liên minh cầm quyền. Một khi đã xuất hiện vết nứt về niềm tin, việc củng cố lại đội ngũ cầm quyền sẽ không dễ dàng. Dù Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã lên tiếng xin lỗi công khai, nhưng liệu điều đó có đủ để hàn gắn liên minh cầm quyền hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Sóng gió hiện nay trên chính trường Thái Lan xuất phát từ những căng thẳng biên giới với Campuchia. Cuối tháng 5, vụ đụng độ tại khu vực chưa hoàn tất phân định khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng đã đẩy quan hệ hai nước vào tình thế nhạy cảm. Việc đoạn ghi âm cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị rò rỉ cũng khiến bà Paetongtarn Shinawatra chịu không ít chỉ trích từ phe đối lập và dư luận.

Campuchia tuyên bố có thể đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), trong khi Thái Lan không công nhận thẩm quyền của cơ quan này. Bộ Ngoại giao Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy giải pháp song phương, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ từ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ lập trường. Căng thẳng biên giới không chỉ là vấn đề an ninh quốc gia mà còn được xem là phép thử đối với khả năng điều hành khủng hoảng của chính phủ do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đứng đầu. Trong bối cảnh chính trường đang ở vào giai đoạn nhạy cảm, bất kỳ sơ sẩy nào trong xử lý quan hệ đối ngoại cũng có thể làm cho những thách thức hiện nay thêm phần khó khăn.

Giữ vững niềm tin và ổn định

Để ứng phó với áp lực trong nước và giữ vững sức mạnh trong điều hành chính phủ, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã nhanh chóng tiến hành cải tổ nội các. Danh sách nội các mới được đệ trình ngày 27-6 và phê chuẩn tối 28-6. Trong danh sách được gọi là “Paetongtarn 1/2” này, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra kiêm nhiệm thêm chức Bộ trưởng Văn hóa, trong khi Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai thôi kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng để chuyển sang nắm giữ Bộ Nội vụ. Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vẫn để trống và Đại tướng Natthaphon Nakphanich sẽ tạm quyền Bộ trưởng trong khi vẫn giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng…

Đây được xem là một bước đi được nhiều nhà phân tích cho là mang tính toán, nếu bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng, bà Paetongtarn Shinawatra vẫn có thể tiếp tục nắm giữ vai trò trong chính phủ. Đây cũng là chiến lược từng được cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sử dụng để vượt qua giai đoạn tạm thời bị đình chỉ chức vụ. Tuy nhiên, sự cải tổ này Nội các này chưa chưa đủ để giúp Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vượt qua những thách thức đang phải đối mặt. Việc bổ nhiệm chưa đưa vào những nhân vật mới có khả năng giúp bà Paetongtarn Shinawatra xoa dịu dư luận, giảm thiểu áp lực.

Trong cuộc họp báo ngày 19-6, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã xin lỗi công chúng, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết với lực lượng vũ trang và cam kết thận trọng hơn trong phát ngôn. Những tuyên bố này cho thấy bà đang nỗ lực xoay chuyển tình hình và duy trì sự ổn định. Tổng thư ký đảng Pheu Thai cầm quyền Sorawong Thienthong cũng khẳng định nữ Thủ tướng sẽ không từ chức hay giải tán Hạ viện mà sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự đã đề ra. Trong đó, các chính sách trọng điểm gồm: trấn áp buôn bán ma túy, chống tội phạm mạng, kiểm soát chi phí sinh hoạt, thúc đẩy y tế công cộng và cải cách hiến pháp theo hướng dân chủ hơn. Về đối nội, bà Paetongtarn Shinawatra đang nỗ lực nhanh chóng khôi phục niềm tin trong dân chúng thông qua hành động cụ thể, minh bạch và hiệu quả. Về đối ngoại, giải pháp ngoại giao với Campuchia phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền nhưng vẫn khôn khéo để tránh leo thang quân sự, điều mà cả hai nước đều không mong muốn.

Thách thức, sóng gió chính trường hiện nay là một phép thử “nặng đô” đối với năng lực và bản lĩnh của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Trở thành Thủ tướng trong bối cảnh xã hội phân cực, liên minh cầm quyền chưa thực sự vững chắc… bà Paetongtarn Shinawatra cần phải tìm cách nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nếu vượt qua được những thách thức hiện nay bằng những bước đi khôn ngoan, cải cách thực chất và chính sách hướng tới người dân, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có thể khẳng định được vị thế của thế hệ lãnh đạo trẻ tại Thái Lan, một đất nước đang khát khao sự đổi mới nhưng vẫn còn đó những mâu thuẫn trên chính trường giữa các lực lượng chính trị, các lực lượng khác nhau mà quân đội luôn đóng một vai trò rất quan trọng.

Chính trường Thái Lan chưa ngớt hẳn sóng gió và điều này đòi hỏi nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra phải vừa khéo léo, song điều quan trọng nhất là vững tay chèo, tập hợp những lực lượng ủng hộ, hậu thuẫn cho mình đưa liên minh cầm quyền và chính phủ do bà đứng đầu vượt qua giai đoạn đầy thử thách, khó khăn hiện nay.