Sóng gió quanh “nàng Nefertiti”

ANTĐ - Đức và Ai Cập từ lâu vẫn tranh cãi xung quanh bức tượng cổ vô giá - hoàng hậu Nefertiti. Tài liệu mới phát hiện trong kho lưu trữ cho thấy tranh cãi khởi xướng từ một người Pháp trong Thế chiến I nhưng đằng sau đó còn là chuyện ứng xử với những báu vật của nhân loại.

Tượng Hoàng hậu của Ai Cập cổ đại- Nefertiti hiện là báu vật của Berlin


Báu vật Berlin

Đó là một tuyệt tác của nghệ nhân Ai Cập cổ đại. Bức tượng bán thân bằng thạch cao và đá vôi có tuổi đời 3.350 năm này như một tượng đài vĩnh cửu về biểu tượng sắc đẹp Nefertiti, Hoàng hậu sông Nile, vợ Pharaoh Akhenaten nổi tiếng. “Không có từ ngữ nào để mô tả, bạn phải nhìn mới thấy được”, nhà khảo cổ học Đức - người khám phá ra bức tượng trong sa mạc cát gần một thế kỷ trước đã thốt lên như vậy. Nhưng như một sự ngẫu nhiên của lịch sử, tượng Hoàng hậu Nefertiti không được trưng bày trong bảo tàng tại quê hương Ai Cập mà lại là Berlin.

Đối với người Đức, tượng bán thân Hoàng hậu Nefertiti là một báu vật quốc gia. Nó là biểu tượng thời kỳ hoàng kim của đất nước Ai Cập cổ đại, cũng là điểm nhấn cho nền khảo cổ châu Âu từ thế kỷ trước. Hiện giờ, đây là hiện vật sáng giá nhất của bảo tàng Neues ở quận Mitte, Berlin vốn được mở cửa trở lại từ năm 2009. Hơn 1 triệu du khách háo hức đến đây mỗi năm để được tận mắt chứng kiến nàng “Mona Lisa” của Berlin và thậm chí, “nàng” còn quyền uy, bí ẩn và mỹ lệ hơn cả Mona Lisa.

Tất nhiên, các chuyên gia về cổ vật Ai Cập đã nhiều lần yêu cầu phía Đức trả lại bức tượng. Chính phủ ở Cairo không can thiệp vào cuộc tranh chấp nhưng có vẻ cũng không phản đối khi Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng về cổ vật Ai Cập (đã mất chức sau vụ biểu tình chống chính phủ thời gian qua) nhiều lần tuyên bố “đòi lại” tượng. Ông Hawass lấy dẫn chứng yêu cầu này đã được đề ra ngay từ thời kỳ Đức quốc xã. Trong khi đó, Bảo tàng quốc gia ở Berlin, cũng như Bộ Ngoại giao Đức đưa ra lý lẽ rằng họ đã giành được bức tượng một cách hợp pháp trong quá trình khai quật hồi tháng 12-1912. Nhưng chính xác thì điều gì đã xảy ra?

Trung tuần tháng 7-2011, những tài liệu gốc gần như rất ít người biết đến hé mở phần nào nguồn gốc cuộc tranh cãi này đã được công bố. Bénédicte Savoy, một giáo sư người Pháp sống và giảng dạy về lịch sử nghệ thuật ở Berlin, đã phát hiện ra “tài liệu Nefertiti” ở Paris và viết thành sách. Trong lời nói đầu, bà Savoy bắt tay vào viết vì cảm thấy “nợ câu chuyện này đối với người Ai Cập”.


Bí mật giờ mới kể

Câu chuyện có thể tóm lược rằng: Gần 100 năm trước đây, thanh tra về cổ vật Ai Cập Gustave Lefebvre, người Pháp vốn chịu trách nhiệm về xuất khẩu cổ vật lúc bấy giờ đã không nhận ra vẻ đẹp của bức tượng Nefertiti nên buông tay cho nhà khảo cổ học người Đức đào nó lên. Mặc dù người Anh kiểm soát Ai Cập vào thời điểm đó, Pháp được cho là chịu trách nhiệm cho việc chăm sóc, giám sát và phân phối cổ vật. Thực tế là trong khi du lịch khảo cổ trở thành trào lưu đầu thế kỷ 20 thì người Ai Cập lại không được xếp vào câu lạc bộ của những nhà Ai Cập học, họ chỉ biết làm công, khai quật theo kế hoạch của người khác.

Savoy cho rằng ý tưởng đưa tượng Nefertiti “hồi hương” bắt nguồn từ một người Pháp có tên Pierre Lacau. Suốt mấy chục năm, ông Lacau đã cố chứng minh người Đức đã gian lận khi đưa tượng bán thân Nefertiti về Berlin. Nhà khảo cổ người Đức Ludwig Borchardt đã phát hiện bức tượng bán thân Nefertiti tại khu khảo cổ Amarna 99 năm trước. Thời thuộc địa, các nhà khảo cổ ở Ai Cập tự đầu tư tiền bạc nên được phép giữ một nửa số hiện vật tìm thấy hoặc bồi thường một nửa giá trị của nó, nửa kia thuộc về người Ai Cập.

Thời đó, cũng có nhiều thợ săn đồ cổ Ai Cập đã dùng cách đánh giá thấp ý nghĩa và giá trị vật chất để đưa các cổ vật có giá trị ra nước ngoài. Trong “vụ Nefertiti”, ông Lacau cáo buộc nhà khảo cổ Borchardt đã nhận ra giá trị của bức tượng  ngay từ đầu nhưng đã cố tình che giấu bằng cách cho rằng nó ít quan trọng. Bằng chứng là  một mảnh đào cùng hố, một bệ thờ sau đó vẫn còn ở Ai Cập.


Thách thức của tương lai

Bức Nefetiti xuất hiện trên lò sưởi của James Simon, một doanh nhân Berlin đã trả tiền cho cuộc khai quật. Năm 1920, ông này tặng Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô của Đức, nhưng phải 4 năm sau đó, nó mới được trưng bày trước công chúng. Với Berlin, đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Năm 1930, có vẻ như người Đức lưỡng lự trước lời đề nghị của ông Lacau đổi 2 bức tượng nam quý khác lấy tượng Nefertiti nhưng sau đó rút lại thỏa thuận này. Trớ trêu thay, Quốc trưởng Adolf Hitler đã trở thành hy vọng cuối cùng của Lacau. Bộ Ngoại giao Đức từng hứa sẽ trả lại bức tượng ngày 9-10-1933, nhưng sau đó Hitler quyết định xóa bỏ thỏa thuận. Trước Đại sứ Đức tại Ai Cập, Hitler nói: “Tôi sẽ xây dựng một bảo tàng Ai Cập mới ở Berlin... Ở chính giữa; kỳ quan này, Nefertiti, sẽ lên ngôi”.

Dù tuyên bố của Ai Cập thế nào thì Đức vẫn không thay đổi lập trường của mình bởi với họ hiện giờ Nefertiti là đại sứ đẹp nhất của nghệ thuật và văn hóa Ai Cập tại Đức. Nhưng đằng sau câu chuyện này, Savoy - chuyên gia về “vụ trộm” đồ cổ thời kỳ đầu tiên cho rằng cần có sự thỏa thuận lại về xử lý các kho báu khảo cổ toàn cầu. Nhìn lại thì bất cứ nước phương Tây nào, khó tưởng tượng được họ sẽ gỡ bỏ những hiện vật được cho là vô giá và không thể thay thế tại các bảo tàng dù có “tranh chấp”. Trong quan điểm của Savoy, việc đặt những bảo tàng Ai Cập ngoài đất nước Ai Cập hay bồi thường cho những kho tàng bị cướp phá thời thuộc địa là một trong những “thách thức lớn của tương lai”.