Sống còn an ninh hàng hải

ANTĐ - Khi mà những bất đồng, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chưa có dấu hiệu dịu bớt thì việc bảo đảm tự do và an ninh hàng hải trên vùng biển chiến lược quan trọng này không còn là mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực.

Tướng Martin Dempsey (phải) đón người đồng cấp Emmanuel Bautista (trái) tại Lầu Năm góc

Trong tuyên bố chung đưa ra trong chuyến thăm chính thức Mỹ, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Emmanuel Bautista và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đã cùng nhất trí tăng cường hợp tác để bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực Đông Nam Á. Tuyên bố nhấn mạnh hai nước “có lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, giao thương hợp pháp thông suốt, quá cảnh người và hàng hóa qua các vùng biển”, cũng như “quyết tâm tăng cường môi trường an ninh tại Đông Nam Á nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên tôn trọng giao thương thông suốt qua tuyến đường biển này”.

Hai quan chức đứng đầu lực lượng vũ trang cũng tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn khi khẳng định sẽ “răn đe những thế lực có ý đồ cản trở hoặc đe dọa hoạt động hàng hải” ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Mỹ và Philippines cũng cam kết “cách tiếp cận có nguyên tắc” khi giải quyết những tuyên bố tranh chấp chủ quyền trên biển ở khu vực Đông Nam Á bằng biện pháp hòa bình cũng như trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Dù cả Philippines và Mỹ không nêu rõ đâu là “thế lực có ý đồ cản trở hoặc đe dọa hoạt động hàng hải” song tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Manila đang tìm cách lôi kéo sự hỗ trợ về chính trị và quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông trước đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển khu vực. Những đòi hỏi đơn phương dựa trên sức mạnh đã gây phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Đông Nam Á.

Điều đó đã khiến không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc, bởi vận tải biển là một huyết mạch kinh tế có ý nghĩa sống còn với kinh tế khu vực và thế giới khi có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Bất kỳ một sự gián đoạn nào với dòng hàng hóa khổng lồ này đều có thể khiến nền kinh tế khu vực và cả thế giới phải gánh chịu hậu quả khôn lường. 

Vì vậy, không lâu trước chuyến thăm Mỹ của Tướng Emmanuel Bautista, Chính phủ Philippines đã  thông báo với Quốc hội nước này về việc sớm khởi động vòng đàm phán với Washington về việc tăng cường sự hiện diện của quân Mỹ tại nước này. Theo chính phủ Philippines, việc cho phép quân Mỹ “tăng cường hiện diện luân phiên” ở Philippines sẽ giúp Manila có được “sự phòng thủ tin cậy tối thiểu” để bảo vệ lãnh thổ, cũng như góp phần bảo vệ tự do và an ninh, an toàn hàng hải khu vực.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Philippines gia tăng hợp tác, dựa vào Mỹ chưa đủ để bảo vệ chính nước này, hay bảo đảm tự do và an ninh hàng hải khu vực. Tranh chấp ở Biển Đông liên quan tới nhiều quốc gia, do vậy phải được giải quyết bằng thương lượng hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sắp tới là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang được ASEAN và Trung Quốc tham vấn xây dựng.