Sống có trách nhiệm

ANTD.VN - Chiều tối 11-11, một hình ảnh về một tờ giấy xin lỗi được gắn trên kính chiếc xe ô tô xuất hiện và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nội dung mảnh giấy như sau: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ. Liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ...”. Nhiều người bày tỏ sự cảm kích, khen ngợi hành động trung thực, dám làm dám chịu của cậu học sinh lớp 11 ở Hải Phòng, người viết lời nhắn trên mảnh giấy này.

Còn chủ nhân chiếc ô tô bị vỡ gương, người đưa hình ảnh “lá thư” xin lỗi này lên mạng không những không bực tức mà cũng tỏ ra cảm kích cậu học sinh nhỏ tuổi nhưng đã biết sống có trách nhiệm.

Mới đầu, anh không tin có chuyện một ai đó làm vỡ gương mà lại còn để lại số điện thoại để bồi thường, chỉ nghĩ ai đó cố tình trêu đùa. Khi gọi điện lại và biết cậu học sinh chính là người làm vỡ gương, sau đó còn đứng chờ chủ xe đến để xin lỗi nhưng không thấy nên mới để lại mảnh giấy này, anh đã rất bất ngờ: “Nghe cháu thành thực xin lỗi, tôi rất cảm động vì trong xã hội ngày nay không ít người lớn gây hậu quả nhưng không dám nhận lỗi, thậm chí thoái thác trách nhiệm, đổ cho người khác. Đây là hành động dũng cảm, thể hiện em được gia đình và nhà trường giáo dục rất tốt” - chủ nhân chiếc xe chia sẻ.

Suy nghĩ trên cũng giống như cảm nhận của đa số cộng đồng mạng khi biết câu chuyện này bởi nó điển hình cho sự trung thực, dám chịu trách nhiệm dường như đang ngày càng hiếm trong xã hội ngày nay. Nó làm người ta liên tưởng đến không ít những sự việc đối lập, khi những người học hành cao, thậm chí giữ vị trí quan trọng trong xã hội nhưng khi có sai sót xảy ra thì đùn đẩy trách nhiệm, không ai muốn nhận lỗi chứ chưa nói đến nỗ lực khắc phục. Những cá nhân khi đưa ra những quyết định sai nhưng cuối cùng lỗi lại thuộc về tập thể.  

Sống có trách nhiệm, không chỉ bằng những hành động đao to búa lớn, nó thể hiện từ chính những việc làm nhỏ nhất trong xã hội, được hun đúc, giáo dục sẽ thành nếp sống. Sống có trách nhiệm, nhất định sẽ nhận lại sự bao dung, mà trường hợp cậu học sinh phổ thông trong câu chuyện này là một ví dụ.