Có một nghề… sởn da gà (2)

Sống có tâm ăn lộc... âm phủ

ANTĐ - Người ta vẫn bảo, lúc sống thì phân biệt sang hèn, còn trước cái chết con người bình đẳng như nhau. Cái chết chẳng phân biệt giàu nghèo, quyền chức, càng không thể là nguyên nhân tạo nên những lý do để có thể làm hại người sống bằng những chuyện ma quỷ, hồn, vong. Có chăng chỉ là chính người sống mượn cái chết để hại lẫn nhau mà thôi.

Anh Ngọc với công việc hàng ngày


Ám ảnh nhân tình thế thái

Khác với ông Dũng, anh Đặng Trần Ngọc có thâm niên làm bảo vệ tại nghĩa trang phường Bồ Đề - quận Long Biên từ năm 2004 nhưng với anh những “chuyện ma quỷ chỉ là tầm phào”. Bắt đầu nghề bốc mộ từ năm 1996 sau khi ra lính, anh Ngọc bảo: “Tớ sống nhờ… ma đã 15 năm nay, ăn lộc ma cũng chừng ấy thời gian nhưng bị ám ảnh bởi cõi âm thì không phải chuyện ma quỷ mà ngược lại toàn vì những chuyện nhân tình thế thái của những người đã chết”.

Theo anh Ngọc kể thì cũng vài lần anh đã nhìn thấy những “hồn ma bóng quế” chập chờn trên các ngôi mộ sắp cải táng, thường thì đó là hình hài một con người ngồi ủ rũ ở đầu các ngôi mả cũ. Nhưng theo kinh nghiệm của anh cứ ngôi mộ nào xuất hiện các “hồn ma bóng quế” đó thì về đối chiếu với sổ sách chôn cất, y như rằng sắp tới ngày phải cải táng. Bóng người đó chỉ hiện lên trong mắt tôi độ vài giây rồi tan biến ngay. Và khi thấy như vậy là anh biết rằng đó chỉ là những dấu hiệu mà người nằm dưới mộ muốn được “chuyển sang một ngôi nhà mới”. “Mỗi lần thấy… ma như vậy anh có sợ không?”, chúng tôi hỏi. Anh Ngọc gạt đi ngay: “Có gì mà sợ, chỉ có người sống hại người sống chứ người đã chết thì làm sao mà làm điều ác được”.

Nghĩa trang Bồ Đề nằm sát ven sông Hồng nên bảo vệ ở đây ngoài cái nghề chôn cất, sang cát, xây mộ còn có thêm “nghề phụ” là vớt người chết đuối bởi có khá nhiều xác chết trôi dạt vào địa phận phường. Anh bảo: “Nếu với nhiều người việc bốc hót hài cốt chỉ nghe cũng đủ rùng mình thì tớ còn phải vớt lên những xác chết trương phình mà chẳng có bất cứ phương tiện bảo hộ nào ngoài chiếc găng tay. Đầu tiên thì cũng hãi, có những xác chết nửa người thâm đen vì phơi nắng, nửa người thì trắng bợt vì ngâm dưới nước lâu ngày, vớt lên xong về ám ảnh cả tuần, cơm không nuốt nổi. Thế nhưng năm nào cũng vài vụ như vậy nên cánh công nhân ở nghĩa trang này làm mãi thành quen. Mà mình không làm thì còn ai? Thôi thì làm phúc cho người xấu số vậy.

Làm phúc để đức về sau

Thắp hương cho những ngôi mộ người chết đuối vô chủ

Không hiểu sao trong số những vụ vớt người chết đuối của anh Ngọc thì đại đa số nạn nhân là nữ giới. Một nửa trong số đó là những xác chết không có người nhận và đều còn khá trẻ. Có những xác người bị chân vịt tàu thủy cuốn vào chém tơi tả không thể nhận diện được. Thường thì công việc của anh Ngọc sẽ bắt đầu khi xác chết dạt vào bờ được người dân phát hiện và báo cho công an, chính quyền. Lúc này nhiệm vụ của anh là phải đưa được tử thi lên bờ, lấy một mảnh nilon đặt xác chết lên rồi trông giữ đợi pháp y đến khám nghiệm và làm các thủ tục. Sau khi khám nghiệm xong, pháp y rút đi thì anh bắt đầu công việc khâm liệm rồi đưa lên nghĩa trang của phường chôn cất.

Năm 2010 anh vớt được 3 trường hợp, trong đó có 2 cô gái trẻ nhảy cầu Long Biên tự vẫn và một trường hợp từ nơi khác dạt về. Hai cô gái đầu tiên có người nhà đến nhận xác ngay. Còn cô thứ 3 thì cho tới lúc hạ huyệt chỉ có duy nhất anh Ngọc cùng đội công nhân nghĩa trang phường Bồ Đề lo hương khói. Cô gái ấy còn rất trẻ chỉ độ

20-21 tuổi, tóc nhuộm vàng, quần bò, áo da sành điệu, móng tay, móng chân sơn đỏ chót, dưới bụng xăm một con rồng nhỏ, nhìn bề ngoài chắc lúc còn sống cũng không đến nỗi, vậy mà không hiểu làm gì để đến nỗi phải đón nhận cái chết lạnh lẽo dưới đáy sông. Đôi lúc nghĩ cám cảnh cho một bóng hồng bạc mệnh, anh Ngọc lại đến thắp cho kẻ xấu số một nén hương.

Rời nghĩa trang phường Bồ Đề, chúng tôi ghé qua nghĩa trang xã Thụy Phương, Từ Liêm tìm gặp anh Hải, một người chuyên xây mộ. Đúng dịp bận rộn, ngồi chuyện trò một lúc mà thấy liên tục có người gọi điện, tìm đến hỏi anh việc xây mộ cho người thân. “Vì sao anh theo nghề này?”, chúng tôi hỏi. “Tự nhiên thôi, sau này mới nghe một thầy tướng số nói mình có “căn” phục vụ người âm”, anh Hải hồn nhiên. “Đắt khách thế, chắc thu nhập của anh cũng khá?”. Chúng tôi vừa dứt lời, anh Hải cả cười: “Làm nghề này đừng tính chuyện tiền nong, tích đức để cho con cái thôi. Xây một ngôi mộ bình dân hết chừng 10-12 triệu đồng, gia chủ muốn sang hơn thì chi phí cũng đắt hơn, nhưng có khi gặp người làng, gia cảnh khó khăn, muốn cho “các cụ” có nhà mới tươm tất, mình sẵn sàng “tặng” luôn công xá. Sống có tâm, ăn lộc âm chẳng bao giờ sợ thiệt…”.   

(Tên nhân vật đã thay đổi)