Sơn Tùng liệu có được minh oan sau ồn ào đạo nhạc lần 2?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  MV “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng vừa biến mất khỏi kênh Youtube vì bị một nhà sản xuất âm nhạc nước ngoài báo cáo vi phạm vấn đề bản quyền. Đây là lần thứ 2 nam ca sĩ gốc Thái Bình vướng phải ồn ào liên quan đến câu chuyện “đạo nhạc”.

Sau ồn ào về chuyện tình cảm riêng, Sơn Tùng lại gặp rắc rối về công việc khi mới đây MV mới nhất được anh ra mắt cách đây không lâu “Chúng ta của hiện tại” đột nhiên bị biến mất khỏi kênh Youtube. Cụ thể khi nhấp chuột vào đường link dẫn tới MV này thì hiện ra dòng chữ: “Video không có sẵn. Video này không hoạt động do có khiếu nại bản quyền từ GC”. Điều này khiến những người hâm mộ giọng ca gốc Thái Bình không khỏi bất ngờ.

Ngay lập tức người ta tìm ra tài khoản có tên GC được nhắc đến trong thông báo từ kênh Youtube. Trên kênh Youtube riêng, GC cũng chia sẻ dòng bình luận phía dưới một video gần nhất, trong đó lên tiếng xác nhận đã gửi khiếu nại về MV của Sơn Tùng và tất nhiên anh sẽ không gửi khiếu nại mà không có lý do cụ thể. Cũng theo GC thì anh đã trao đổi với phía nhà sản xuất MV “Chúng ta của hiện tại” và người này nói đã tham khảo một bài hát của anh có tên “RnB all night” để làm mẫu cho phần “beat”. Tuy nhiên GC cho rằng nốt, hòa âm, nhạc cụ tới giai điệu quá giống để gọi là “tham khảo” và giá như chủ nhân MV liên hệ với anh, anh đã có thể giúp.

GC nói thêm, phía nhà sản xuất MV “Chúng ta của hiện tại” không nhận “đạo nhái”, chí nói đã “tham khảo”. Cùng với đó, người đã gửi báo cáo về MV của Sơn Tùng khẳng định, anh từng làm việc với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, mọi người cứ bình tĩnh, MV của Sơn Tùng sẽ sớm được trả về.

Nhà sản xuất âm nhạc GC

Nhà sản xuất âm nhạc GC

GC tên thật là Gary là một nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng hiện đang sống tại Anh. Anh chàng này đã có thâm niên hơn 12 năm làm các “beat” nhạc cho nhiều nghệ sĩ trên thế giới với sở trường chủ yếu là dòng nhạc Pop, R&B, Hip hop…Các đoạn beat của anh thường lấy cảm hứng từ âm thanh trò chơi điện tử và các bộ anime Nhật Bản, mang đến những giai điệu đa sắc màu cũng như phảng phất một chút âm hưởng của Jazz.

Đến thời điểm này phía Sơn Tùng vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào liên quan đến sự biến mất của MV “Chúng ta của hiện tại”. Tuy nhiên xung quanh chia sẻ của GC cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều khi nhiều người yêu nhạc đã tìm vào nghe các ca khúc được nhà sản xuất âm nhạc người Anh này đăng tải trên kênh Youtube cá nhân và nhận thấy có nhiều hơn một ca khúc có phần “beat” tương tự như “Chúng ta của hiện tại”.

Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Sơn Tùng dính phải “scandal” nghi án đạo nhạc kiểu như trên. Trước đó vào năm 2014, ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” mà anh sáng tác cho bộ phim “Chàng trai năm ấy” cũng vướng phải ồn ào tương tự. Theo đó, ca khúc này bị một công ty sản xuất âm nhạc tại Hàn Quốc “tố” là có phần beat giống với ca khúc “Because I miss you” của tác giả Jung Young Hwa.

Sự việc gây xôn xao đến mức Bộ VHTT&DL phải thành lập hội đồng thẩm định với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ tên tuổi, uy tín và tài năng. Khép lại, Hội đồng thẩm định đã “minh oan” cho Sơn Tùng khi kết luận 2 bài hát cùng sử dụng nhịp điệu Slow Rock 6/8 với tốc độ nốt đen bằng 48/giây và giọng hát chủ đạo là đô trưởng, tuy nhiên, giai điệu hoàn toàn khác nhau, lời ca không giống nhau về ý nghĩa văn học và ngôn ngữ thể hiện. Bởi vậy, ca khúc trên không vi phạm luật và không có cơ sở để cấm lưu hành. Phía đại diện Hàn Quốc cũng cho biết, tuy nhận thấy có sự tương đồng về quy trình lập trình, giai điệu… nhưng đây không phải là trường hợp “ăn cắp bản quyền”.

Mặc dù vậy xung quanh câu chuyện “mượn” beat hay “tham khảo” beat, viết nhạc dựa trên một bản hòa âm phối khí có sẵn vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Bởi nhiều người cho rằng điều này là có thể chấp nhận được vì trên thế giới cũng từng có tiền lệ. Đó là trường hợp của nhà soạn nhạc người Pháp Charles Gounod đã viết ca khúc “Ave Maria” với phần hòa âm từ một bản nhạc của nhà soạn nhạc Đức - Johann Sebastian Bach. Ca khúc này sau đó đã trở thành một trong những bài hát kinh điển nổi tiếng khắp thế giới, tuy nhiên người ta thường gọi là Ave Maria của Bach/Gounoud. Tuy nhiên cũng có người không đồng tình với quan điểm này vì cho rằng “đạo” phần hòa âm nhạc cũng là “đạo nhái” vì đó là sự vay mượn chứ không phải sáng tạo riêng của người viết nhạc và đó là điều tối kỵ với bất kỳ người sáng tác nhạc chân chính nào.